Bất chấp sức hấp dẫn của các công ty công nghệ, Thung lũng Silicon đang nhanh chóng nổi lên như một mối đe dọa chính đối với cuộc chạy đua trung hòa carbon (giảm phát thải) của Mỹ.
Theo Telegraph, lĩnh vực lưu trữ thông tin và điện toán của thế giới có lượng khí thải carbon thậm chí còn lớn hơn so với ngành hàng không. Một trung tâm dữ liệu duy nhất có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với 50.000 căn hộ.
Mức phát thải này sẽ ngày càng khổng lồ khi trí tuệ nhân tạo (AI) và các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT ngày càng gắn bó mật thiết với nền kinh tế toàn cầu.
Nhà nhân chủng học Steven Gonzalez Monserrate, một ứng cử viên PHD tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã gọi nó là “Đám mây của động vật ăn thịt”.
Ông Alex Craven, giám đốc điều hành của công ty tư vấn công nghệ The Data City cho biết thêm: “Các trung tâm dữ liệu thực sự là những nhà máy của chúng tôi.
Tuy nhiên, mức độ của vấn đề vẫn chưa thực sự được làm rõ khi mọi người đang hiểu sai về cách hoạt động của các cỗ máy khổng lồ này.
“Nếu tôi đang sạc máy tính xách tay của mình và nó chạy bằng động cơ diesel, tôi có thể thấy khí thải thoát ra từ thiết bị, tôi sẽ nghĩ khác về nó. Nhưng mọi thứ đều sạch sẽ chỉ vì chúng tôi không nhìn thấy lượng khí thải trước mắt”, Asim Hussain, Chủ tịch của Green Software Foundation cho biết.
“Nếu bạn đang làm việc trong một nhà máy, lượng khí thải carbon sẽ hiện rõ trên khuôn mặt của bạn. Khi sản phẩm của bạn là kỹ thuật số và được lưu trữ trên internet, dấu vết khí thải carbon gần như sẽ bằng không”, ông Alex Craven nói. “Nếu thực sự muốn đạt được mục tiêu trung hòa carbon, chúng ta thực sự cần bắt đầu nói về điều này và ngừng giả vờ rằng đó không phải là vấn đề”.
Năm 2019, CNTT và điện toán chiếm 3,7% lượng khí thải carbon toàn cầu, theo phân tích của The Shift Network, so với lượng phát thải từ ngành hàng không, chiếm khoảng 2,4%.
Vấn đề sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Một bài báo năm 2018 của các nhà nghiên cứu Lofti Belkhir và Ahmed Elmeligi dự báo rằng lĩnh vực điện toán sẽ vượt quá 14% lượng khí thải toàn cầu (dựa trên mức của năm 2016) vào năm 2040.
Vương quốc Anh đang đứng trước nguy cơ này. Theo một báo cáo năm 2020 của Ủy ban châu Âu, trên toàn cầu, CNTT và điện toán chiếm từ 5% đến 9% tổng lượng điện được tiêu thụ.
Phân tích vào năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Vương quốc Anh ước tính rằng việc xử lý dữ liệu đã chiếm 12% sản lượng điện quốc gia.
“Cuối cùng, phần còn lại của thế giới sẽ bắt kịp Anh và mức tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng”, Craven nói.
Có ba nguyên nhân khiến việc xử lý và lưu trữ dữ liệu gây ô nhiễm môi trường. Đầu tiên, máy chủ cần điện để chạy. Thứ hai, bản thân thiết bị làm từ nguồn tài nguyên đắt tiền, lại cần sửa chữa và thay thế thường xuyên, do đó gây tác hại đến môi trường khi khai thác các nguyên liệu này. Thứ ba, chúng phải được giữ mát thường xuyên, đòi hỏi nhiều điện và nước. Các nhà nghiên cứu nhận định một cuộc trò chuyện cơ bản cùng ChatGPT, với 20-50 câu hỏi và phản hồi, có thể dùng hết 500 ml nước. Tổng lượng nước sẽ tăng lên mức khổng lồ vì thực tế số người dùng lên đến cả trăm triệu cùng hàng tỷ câu hỏi được đưa ra thời gian qua.
Craven nói: “Phần cứng máy tính chứa các khoáng chất đất hiếm và đủ loại được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới.
Sự gia tăng của AI sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề. Ông Philipp von Bieberstein, đồng sáng lập Climatiq, công ty cung cấp phần mềm theo dõi carbon, cho biết: “Các mô hình ngôn ngữ và máy học đang đóng góp một lượng khí thải carbon khủng khiếp trong ngành này”.
Xử lý dữ liệu cho đến nay là phần “ăn carbon” nhất của CNTT. Trong các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào xử lý dữ liệu, công nghệ điện toán chiếm phần lớn trong lượng khí thải carbon của họ.
Ví dụ, trong ngành bảo hiểm, dữ liệu chiếm tới 30% tổng lượng khí thải carbon, von Bieberstein cho biết.
Hussain cho biết, mặc dù khí thải công nghệ gây ra một vấn đề lớn hơn so với ngành hàng không, nhưng nó cũng là một vấn đề dễ khắc phục hơn.
Một bước dễ dàng là giảm mức sử dụng. Ông Hussain cho biết: “Một trong những lý do khiến lượng phát thải mạng cao như vậy là do có rất ít mong muốn tự nguyện offline vì điều đó sẽ làm tăng độ trễ”.
Xã hội yêu cầu mọi thứ phải diễn ra ngay lập tức, điều đó có nghĩa là các dịch vụ đám mây sẽ chạy liên tục. Ông Hussain cho biết thêm: “Các công ty đều giữ mọi thứ hoạt động ở chế độ cao nhất”.
Một phương pháp khác là các máy chủ và trung tâm dữ liệu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Ví dụ, Microsoft Windows hiện cố gắng tung ra các bản cập nhật vào thời điểm quốc gia đang có nhiều lượng điện sạch.
Ông Von Bieberstein cho biết: “Trước hết, các chính phủ nên yêu cầu sự minh bạch hơn từ các nhà cung cấp đám mây khác nhau đang thu lợi từ việc xử lý và lưu trữ dữ liệu”.
Ông cho biết thêm, các công ty công nghệ lớn cần sử dụng các phương pháp khác nhau để tính toán tác động môi trường của họ. Ông nói: “Minh bạch hơn sẽ động nghĩa với việc trách nghiệm giải trình cũng tăng theo”.
Ông Craven cho biết, lượng khí thải carbon của dữ liệu là một chủ đề ngày càng nóng trong ngành công nghệ để hướng tới cuộc đua trung hòa carbon.
Ông Craven nói thêm: “Khi bạn đấu thầu kinh doanh sẽ phải trình bày kế hoạch của công ty là gì để đạt được mức trung hòa carbon”.
“Rất nhiều doanh nghiệp đều tuyên bố những quyết định, cam kết hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon. Tất cả các mốc thời gian này đều vào khoảng năm 2030. Nhưng bây giờ là năm 2024 và mọi người bắt đầu thực sự nghĩ rằng sớm hay muộn thì những mốc thời gian này cũng sẽ được kiểm toán”.
Mặc dù trách nhiệm chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp và công ty, nhưng người dùng cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Ông Hussain nói: “Vấn đề lớn với việc lưu trữ là người dùng đang giữ rất nhiều thứ mà họ không cần và điều đó hoàn toàn lãng phí”.
Ngoài ra còn có một rủi ro địa chính trị gắn liền với vấn đề này. Liên minh cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bền vững (SDIA) đã cảnh báo rằng các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ đang thống trị thị trường.
Nhóm cho biết: “Giống như điện, năng lượng kỹ thuật số ngày càng cần thiết và quan trọng đối với chức năng của cuộc sống hàng ngày”.
Lĩnh vực này bị chi phối bởi Thung lũng Silicon trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ đám mây. Trong khi châu Âu vẫn không mấy mặn mà trong lĩnh vực này.
SDIA cảnh báo: “Với việc các doanh nghiệp châu Âu trả tiền cho cơ sở hạ tầng đám mây nước ngoài, châu Âu đang tài trợ cho việc mở rộng và đầu tư vốn cho các nhà cung cấp đám mây nước ngoài, củng cố vị thế thị trường và mở rộng đặc quyền của họ”.
Tiến Dũng (Theo Telegraph)