Nhà điều hành lưới điện Ba Lan (PSE) cho biết dự thảo kế hoạch đầu tư này bao gồm hơn 3 nghìn dặm đường dây truyền tải 400 kV nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi các nguồn năng lượng của Ba Lan từ than đá sang năng lượng sạch.
Hiện tại, lưới điện của Ba Lan đã đáp ứng việc sử dụng năng lượng thông qua nguồn năng lượng từ đốt than — đây cũng là nguồn năng lượng chính phục vụ hơn 70% lượng điện năng được sử dụng. Tuy nhiên, dưới sự gia tăng nhu cầu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng mặt trời, gió và các hình thức sản xuất năng lượng sạch hơn đã thúc đẩy Ba Lan tham gia sâu hơn vào các hoạt động phát triển năng lượng xanh. PSE cho biết các kế hoạch mới sẽ giúp công ty chuyển đổi sử dụng thêm các nguồn năng lượng gió, mặt trời và năng lượng hạt nhân.
Trước đó, chính phủ mới của Ba Lan cho biết họ sẽ ấn định ngày kết thúc việc sử dụng năng lượng từ than đốt. Động thái ấn định ngày hết hạn cho việc loại bỏ dần việc sử dụng than để sản xuất điện trái ngược hoàn toàn với chính sách của chính phủ tiền nhiệm. Thậm chí, chính phủ trước đây đã đạt được thỏa thuận với công đoàn người lao động để duy trì hoạt động khai thác than tới năm 2049.
Tính đến năm 2022, Ba Lan là nước sản xuất than lớn thứ 9 thế giới và là nước sản xuất than lớn thứ hai ở châu Âu, thậm chí nước này sử dụng nhiều than tới mức tiếp tục nhập khẩu một lượng than khá lớn từ Nga. Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, các biện pháp trừng phạt Nga được áp dụng, quốc gia này mới giảm việc sử dụng than để chuyển sang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Theo một báo cáo của một tổ chức nghiên cứu của Đức, năm ngoái, năng lượng tái tạo ở Ba Lan đã tạo ra kỷ lục 26% lượng điện của cả nước.
Hải Đăng