Trên thế giới và tại Việt Nam, ngành sản xuất là một lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường và tiêu tốn nhiều tài nguyên. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022, ngành sản xuất và chế tạo hiện chiếm 20% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu và tiêu thụ tới 54% năng lượng thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023 cũng nhấn mạnh nhu cầu về tính bền vững trong ngành sản xuất đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết do ảnh hưởng đáng kể của ngành này đối với lượng CO2 toàn cầu.
Trong bối cảnh tiến bộ công nghệ, biến đổi khí hậu và những thách thức địa chính trị, ngành sản xuất toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ. Các doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh chiến lược của mình để đối phó với nhiều bất ổn về các chính sách kinh tế, chính sách khí hậu, rủi ro địa chính trị toàn cầu, cũng như bất ổn liên quan đến năng lượng.
Bất ổn năng lượng tác động tới ngành sản xuất
Theo một nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu bao gồm TS. Đào Lê Trang Anh (Đại học RMIT), TS Nguyễn Thị Thiều Quang (Đại học Đà Nẵng) và TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV), với vai trò thiết yếu của năng lượng trong vận hành máy móc, các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc lớn vào nguồn cung và sự biến động của thị trường năng lượng. Vì vậy, bất ổn năng lượng đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính và kế hoạch chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp sản xuất.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong những thập kỷ gần đây, bất ổn về năng lượng đã tăng cao trên toàn cầu. Biến động trên thị trường năng lượng do nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi trong cung cầu, biến động trong sản xuất, điều kiện kinh tế, tiến bộ công nghệ, và các chính sách năng lượng tái tạo.
Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kéo giá dầu từ mức cao 140 USD/thùng vào tháng 7/2008 xuống còn 30 USD/thùng vào cuối năm đó. Trong vòng chưa đầy một năm sau, giá dầu tăng trở lại trên 80 USD/thùng.
Gần đây hơn, cuộc chiến tranh Nga- Ukraine đã dẫn đến gián đoạn trong việc cung cấp dầu từ Nga ra thị trường toàn cầu, khiến giá dầu tăng từ 74 USD/thùng vào tháng 1/2022 lên 129 USD/thùng vào tháng 3/2022.
Theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh bất ổn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào thiết bị mới, công nghệ và quy trình để đáp ứng các yêu cầu năng lượng mới, nhằm giảm tác động đến môi trường và nâng cao tính bền vững,.
Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cũng cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư phù hợp để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.
Cách doanh nghiệp Việt ứng phó bất ổn, nắm bắt cơ hội
Để ứng phó với tình hình bất ổn năng lượng và đồng thời nắm bắt cơ hội từ các xu hướng mới, nhóm nghiên cứu cho rằng doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần phát triển các chiến lược đầu tư dài hạn.
Thứ nhất, đầu tư vào năng lượng tái tạo. Một trong những giải pháp chính để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống là đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió. Vì vậy các doanh nghiệp sản xuất có thể xem xét việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng gió.
Thứ hai, cải tiến công nghệ và tăng cường hiệu quả. Việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến là rất quan trọng để nâng cao hiệu suất năng lượng. Các doanh nghiệp sản xuất nên cân nhắc áp dụng các hệ thống tự động hóa, máy móc tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất xanh để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí vận hành.
Chuyển đổi số và công nghệ như IoT (internet vạn vật) có thể giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sản xuất.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn cung cấp. Để giảm thiểu rủi ro từ biến động về giá và nguồn cung năng lượng, doanh nghiệp nên xây dựng các phương án dự phòng và đa dạng hóa nguồn cung cấp. Điều này bao gồm việc hợp tác với nhiều nhà cung cấp năng lượng khác nhau và đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng.
Việc sử dụng pin lưu trữ năng lượng hoặc các công nghệ dự trữ khác có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục ngay cả khi nguồn cung năng lượng gặp vấn đề.
Thứ tư, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh, sản xuất bền vững và trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường vào chiến lược kinh doanh của mình, bao gồm việc giảm lượng khí thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng nguyên liệu tái chế.
Tại Việt Nam, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi xanh hoạt động sản xuất và đã gặt hái được một số thành công trong mục tiêu phát triển bền vững.
Nhóm nghiên cứu cho rằng “mặc dù việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững có thể tạo ra chi phí cao và chưa ngay lập tức mang lại hiệu quả nhưng các doanh nghiệp sẽ gặt hái được những lợi ích lớn và lợi thế cạnh tranh trong tương lai”.
“Với tầm nhìn chiến lược và sự linh hoạt trong đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất có thể vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ trong một thế giới có nhiều biến động về năng lượng.”
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu cũng chỉ ra những ưu tiên mà Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung.
Theo đó, việc tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp là rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực của bất ổn năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Chính phủ có thể cân nhắc các chính sách khuyến khích và hỗ trợ hợp lý nhằm giúp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bền vững, trở thành “doanh nghiệp xanh”.
Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng và củng cố các quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch liên quan đến các tiêu chuẩn môi trường và bền vững. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Các quy định này giúp doanh nghiệp hiểu rõ yêu cầu và dễ dàng thực hiện các cam kết bền vững.
Cuối cùng, Chính phủ có thể thúc đẩy đổi mới công nghệ bằng cách hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ xanh. Việc tạo ra các quỹ nghiên cứu và các trung tâm đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến và cải thiện hiệu suất sản xuất theo hướng bền vững hơn.
Mặc dù việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững có thể tạo ra chi phí cao và chưa ngay lập tức mang lại hiệu quả nhưng các doanh nghiệp sẽ gặt hái được những lợi ích lớn và lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Ngọc Lan