Ngày 13/01, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã làm việc với tập đoàn Erex (Nhật Bản) về các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế JCM và nội dung trao đổi tín chỉ các-bon.
Tại buổi làm việc, Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Erex đã trao đổi với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy về các nỗ lực tiên phong của Tập đoàn Erex trong lĩnh vực đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong việc triển khai các dự án điện sinh khối và tạo tín chỉ các-bon đặc biệt theo Cơ chế JCM (Joint Crediting Mechanism). Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng quan tâm đến dung trao đổi tín chỉ các-bon và mong muốn có sự trao đổi thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của Tập đoàn Erex tại các địa phương như Yên Bái, Tuyên Quang, nơi công ty đang triển khai các dự án quan trọng, và gửi lời chúc mừng về những kết quả đạt được. Các dự án của công ty không chỉ góp phần vào việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung điện năng của Việt Nam, mà còn hỗ trợ đất nước thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, các dự án điện sinh khối của Erex đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam và Nhật Bản, nhằm hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trao đổi thêm với lãnh đạo Tập đoàn Erex, hiện nay nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng vấn đề phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trong đó tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đánh giá cao cơ chế JCM do Nhật Bản đề xuất và đến nay đã có nhiều nước tham gia. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam mong muốn là nước tiên phong đi đầu về phát triển các công nghệ phát thải các-bon thấp, đặc biệt là những chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này sẽ là hình mẫu trong hợp tác và phát triển cho các quốc gia khác học tập.
Đối với các nội dung ông Honna Hitoshi đưa ra tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, về Cơ chế JCM, Bộ trưởng cho biết tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản diễn ra vào ngày 31/10/2024, Việt Nam đã đề xuất hai nước tiếp tục trao đổi, đàm phán, và tiến tới ký kết điều ước quốc tế về hợp tác triển khai Cơ chế JCM. Điều ước này sẽ bảo đảm phù hợp với các quy định của Thỏa thuận Paris và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định).
Bộ trưởng cũng thông tin rằng, hiện nay, các cơ quan Nhật Bản đang tiến hành tham vấn về đề nghị ký kết điều ước quốc tế, và hy vọng sẽ nhận được phản hồi sớm từ phía Nhật Bản để tiếp tục thực hiện các thủ tục đàm phán và ký kết.
Sau khi điều ước quốc tế được ký kết, sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Cơ chế JCM. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị, trước khi điều ước quốc tế được ký kết, Ủy ban hỗn hợp JCM giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ cần thống nhất về cách thức phân chia tín chỉ các-bon cho một số dự án thí điểm, nhằm giải quyết những quan tâm của các doanh nghiệp như Erex.
Về đề xuất tỷ lệ phân chia tín chỉ của Công ty Erex, Bộ trưởng đề nghị Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Bộ trưởng cũng như Ủy ban hỗn hợp để xem xét tại Phiên họp của Ủy ban trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon ra nước ngoài. Dự thảo Nghị định này sẽ quy định về việc cho phép quốc gia đối tác sử dụng tín chỉ các-bon đã mua để đóng góp vào NDC của quốc gia đối tác.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng cảm ơn Chủ tịch Honna Hitoshi đã chia sẻ thông tin và đề xuất những nội dung cụ thể liên quan đến Cơ chế JCM, đặc biệt là về tỷ lệ phân chia tín chỉ. Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản, các đối tác Nhật Bản và Công ty Erex tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính không chỉ tạo động lực thúc đẩy quá trình giảm phát thải, mà còn cần bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính theo NDC của Việt Nam và Nhật Bản.
Khương Trung