Giá điện âm lan rộng ở châu Âu
Trên thị trường điện bán buôn ở hầu hết các nền kinh tế lớn của châu Âu, số giờ mà giá điện được bán với mức 0 đồng hoặc giá âm vào thời điểm nhu cầu thấp tăng kỷ lục trong 5 tháng đầu năm. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất thường xuyên phải trả tiền cho khách hàng mua sỉ để họ tiếp nhận nguồn điện dư thừa, nếu không. họ buộc phải dừng hoạt động các nhà máy điện.
Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng mặt trời là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn cung điện dư thừa ở châu Âu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất thủy điện và năng lượng hạt nhân mạnh mẽ cũng góp phần gây ra tình trạng này.
Theo dữ liệu của SolarPower Europe, công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt ở Liên minh châu Âu (EU) tăng hơn gấp đôi lên 263 GW trong giai đoạn 2019-2023. Chỉ riêng trong năm 2023, có thêm 306.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt trung bình mỗi ngày ở EU.
Điều này khiến nhiều thị trường châu Âu chứng kiến giá điện giảm mạnh vào giữa ngày, lúc nhu cầu thấp điểm.
Trianel, nhà cung cấp năng lượng ở Đức, đã đầu tư điện mặt trời với công suất 800 MW và lên kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.000 MW. Tuy nhiên, giá điện quá thấp buộc công ty phải xem xét lại cách bán điện.
Sản xuất năng lượng mặt trời tăng trưởng bùng nổ ở châu Âu một phần vì khi các nhà phát triển không còn cần đến trợ cấp. Họ có thể chốt các hợp đồng bán điện với người mua theo các mức giá được neo với giá trên thị trường điện bán buôn.
Giá điện âm là điều không mới đối với Đức, nước có công suất sản xuất năng lượng mặt trời và gió lớn nhất châu Âu. Nhưng năm 2024 là năm đầu tiên Tây Ban Nha chứng kiến giá điện rơi xuống mức âm sau khi sản lượng điện mặt trời của nước này tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng là tình trạng giá điện âm sẽ tái diễn nhiều lần trong thời gian tới. Đầu tư vào năng lượng mặt trời đang chậm lại vì giá điện thấp”, José María González Moya, Tổng giám đốc của tổ chức vận động hành lang cho năng lượng tái tạo APPA Renovables ở Tây Ban Nha nói.
Jens Hollstein, người đứng đầu bộ phận tư vấn tại nền tảng định giá điện Pexapark, cho biết, Đức và Tây Ban Nha vẫn đang dẫn đầu thị trường mua bán điện theo các hợp đồng dài hạn ở châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà sản xuất năng lượng mặt trời buộc phải bán điện với mức chiết khấu ngày càng tăng với giá điện từ các nhà máy có thể phát điện suốt ngày đêm.
Đức, thị trường điện lớn nhất châu Âu, có khoảng 300 giờ giá điện bán buôn dưới mức zero vào năm ngoái. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2024, theo dự báo của Công ty phân tích năng lượng EnAppSys.
Tại Anh, số giờ điện bán với mức giá âm dự kiến tăng gấp 5 lần vào năm 2027 để vượt qua con số 1.000 giờ, Công tư vấn Modo Energy cho biết.
“Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng giá điện âm và phải sống chung với điều đó”, Anna Borg, CEO của Công ty năng lượng Vattenfall (Thụy Điển) nói.
Đầu tư hệ thống trữ điện để giải quyết vấn đề
Nhưng mặt khác, mức chênh lệch lớn hơn trong giá điện vào giờ cao điểm và giờ thấp điểm đang tạo ra động lực để đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện.
Trong báo cáo thường niên gần đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về lưu trữ điện. “Các nhà phát triển xây dựng các trang trại điện gió và mặt trời ở những khu vực không nằm gần với hệ thống trữ điện có thể chứng kiến doanh thu tiềm năng giảm trong thời gian phát điện cao điểm. Điều này sẽ kìm hãm lợi nhuận và không khuyến khích đầu tư”, báo cáo cho biết.
EU ước tính, với tỷ trọng năng lượng tái tạo dự kiến chiếm 69% tổng sản lượng điện của EU vào năm 2030, công suất lưu trữ điện trong khối sẽ cần tăng hơn ba lần trong giai đoạn 2022-2030.
Statkraft (Na Uy), nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu, có kế hoạch thoái vốn một số dự án năng lượng gió và mặt trời, nhưng sẽ tiếp tục nắm giữ các tài sản pin trữ điện.
Theo CEO Birgitte Ringstad Vartdal của Statkraft, biến động giá điện lớn hơn và giá điện âm là điều tích cực cho ngành công nghiệp trữ điện vì pin có thể được sạc khi giá điện thấp, rồi sau đó bán lại khi giá cao.
Công ty nghiên cứu thị trường trữ năng lượng Modo Energy cho biết, tình trạng giá điện âm sẽ chưa chấm dứt cho đến giữa thập niên 2030. Đó là khi hệ thống lưu trữ năng lượng của châu Âu có công suất đủ lớn để hấp thụ lượng năng lượng dư thừa và tạo ra tác động có ý nghĩa lên giá cả.
Hiện tại, các hộ gia đình ở châu Âu nhìn chung chưa chứng kiến hóa đơn điện thấp hơn vì họ thường bị ràng buộc bởi các hợp đồng mua điện dài hạn. Họ sẽ hưởng lợi nếu tình trạng giá điện âm diễn ra thường xuyên, kéo giá điện trung bình trên thị trường bán buôn giảm xuống trong dài hạn. Tuy nhiên, hàng triệu khách hàng trên khắp châu Âu của Tibber, nhà cung cấp năng lượng kỹ thuật số ở Đan Mạch, đang tiết kiệm được đáng kể hóa đơn tiền điện. Tibber sử dụng công cụ tự động để theo dõi giá điện trên thị trường bán buôn và mua điện thay mặt khách hàng khi giá xuống mức âm. Tibber không bán điện để kiếm lợi nhuận, thay vào đó, chỉ tính thuê bao với khách hàng khoảng 4 euro/tháng tùy thị trường.
Một số nhà cung cấp năng lượng tái tạo đang khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ điện khi giá thấp. Chẳng hạn, Octopus Energy, nhà sản xuất năng lượng tái tạo ở Anh, đã ký hợp đồng với hơn 150.000 khách hàng, cho phép họ sạc pin xe điện vào thời điểm giá điện rẻ nhất.
Lê Linh (Theo Reuters, Bloomberg)