
Từ ngày 7 đến 11/4, đại diện từ 176 nước thành viên của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) họp ở London để thảo luận các biện pháp ‘xanh hóa’ ngành vận tải biển. IMO hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận sơ bộ về chương trình hành động để đạt mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) trong vận tải biển vào năm 2050. Theo tổ chức này, vận tải biển chiếm gần 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Có hai đề xuất chính đang được đưa thảo luận, bao gồm thành lập cơ chế định giá carbon đối với ngành vận tải biển thông qua thuế carbon, và một chương trình giao dịch tín chỉ carbon trong ngành này.
Thuế carbon là biện pháp tham vọng nhất nhằm thúc đẩy các hãng vận tải biển giảm phát thải carbon nếu không sẽ tốn kém chi phí thuế carbon đáng kể. Có hơn 60 nước từ châu Âu, châu Á, châu Phi, Thái Bình Dương và Caribean ủng hộ đánh thuế carbon từ 18 đến 150 đô la cho mỗi tấn carbon tương đương phát thải từ các tàu thương mại. Số tiền thu được từ thuế có thể được phân phối lại cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu để giúp thích ứng và giảm thiểu tác động.
“Biến đổi khí hậu là một thực tế đáng sợ đối với đất nước chúng tôi”, Albon Ishoda, đại diện Cộng hòa Quần đảo Marshall tại IMO nói.
Theo Tổng thư ký IMO Arsenio Dominguez, cần xây dựng các biện pháp ràng buộc để ngành vận tải biển toàn cầu chuyển sang nhiên liệu và nguồn năng lượng không phát thải hoặc phát thải ít carbon.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, việc buộc các chủ tàu phải trả một khoản phí nhỏ cho mỗi tấn khí carbon mà tàu của họ thải ra là giải pháp quan trọng để huy động hàng trăm tỉ đô la cần thiết cho tài chính khí hậu.
Tuy nhiên, một nhóm 15 nước gồm Trung Quốc, Brazil và Saudi Arabia phản đối với lý do thuế carbon sẽ làm tăng giá các mặt hàng như dầu cọ, và ngũ cốc, có thể gây mất an ninh lương thực.
Mỹ vẫn không đưa ra bình luận nào về các đề xuất khử carbon trong ngành vận tải biển kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Liên minh châu Âu (EU) từng ủng hộ thuế carbon nhưng gần đây quan tâm hơn đến đề xuất xây dựng hệ thống giao dịch tín chỉ carbon dựa trên tiêu chuẩn nhiêu liệu vận tải biển toàn cầu. Một hệ thống như vậy sẽ cho phép các hãng tàu sử dụng nhiên liệu carbon thấp tạo ra tín chỉ carbon và bán lại cho các hãng tàu sử dụng nhiên liệu phát thải cao.
Một số nước thành viên cho rằng, đề xuất đánh thuế carbon với ngành vận tải biển có thể được thông qua bằng hình thức bỏ phiếu đa số. Thế nhưng, Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả như vậy và đe dọa rút khỏi IMO nếu bị ép buộc tuân thủ.
Fanny Pointet, giám đốc vận chuyển bền vững của Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (T&E) cho biết, rất khó để dự đoán kết quả cuối cùng của cuộc họp tại London.
Theo nghiên cứu của Đại học London (UCL), phương án không đánh thuế carbon sẽ gây rủi ro lớn nhất đối với mục tiêu khí hậu của ngành vận tải biển.
Các nhà nghiên cứu của UCL cho biết, việc không đánh thuế sẽ dẫn đến sân chơi không công bằng, có lợi cho các quốc gia có chính sách công nghiệp mạnh mẽ như Trung Quốc.
“Quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh nhất và rẻ nhất cần được thực hiện thông qua một khoản thuế mạnh mẽ, kết hợp với tiêu chuẩn nhiên liệu hàng hải toàn cầu nhằm giảm cường độ phát thải carbon của các con tàu”, các nhà nghiên cứu này viết trong một báo cáo.
Tuy nhiên, Pointet của T&E lưu ý, hệ thống tiêu chuẩn nhiên liệu vận tải biển toàn cầu cũng vấp nhiều thách thức, đặc biệt là rủi ro khi sử dụng nhiên liệu thay thế như dầu cọ và dầu đậu nành, có thể gián tiếp góp phần làm tăng khí thải nhà kính thông qua nạn phá rừng để lấy đất canh tác.
Hơn 60 tổ chức bảo vệ môi trường phản đối việc đưa các loại dầu thực vật này vào hỗn hợp nhiên liệu vận tải biển trong tương lai. Các giải pháp tiềm năng khác bao gồm sử dụng nhiên liệu tổng hợp gốc hydro, hiện rất tốn kém để sản xuất.
Chánh Tài (Theo AFP, Guardian, Bloomberg)