Những startup như Liefergrun của Đức, Zedify và Packfleet của Anh, và DutchX, có trụ sở tại New York đang tận dung nhu cầu của các nhà bán lẻ để đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay, họ đã huy động được tổng cộng khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, theo dữ liệu của Pitchbook và Reuters. Họ hy vọng sẽ giành được thị phần giao hàng không phát thải trong thời gian các công ty lớn dẫn đầu ngành vẫn chưa mở rộng dịch vụ này.
Chẳng hạn, hãng giao nhận toàn cầu FedEx (Mỹ) đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ thiết lập đội xe giao hàng không phát thải,
Deutsche Post DHL của Đức cho biết 60% đội xe giao hàng của tập đoàn này sẽ chạy bằng điện vào năm 2030. Đó cũng là năm mà Amazon có kế hoạch đưa 100.000 xe van chạy điện của Rivian vào hoạt động. United Parcel Service (UPS) của Mỹ dự kiến 40% phương tiện giao hàng của hãng sẽ vận hành bằng nhiên liệu sạch vào năm 2025.
Sử dụng công nghệ định tuyến riêng để giao hàng ở nội đô và ngoại ô, những startup nhỏ nói trên cần phải mở rộng quy mô đồng thời giữ giá ở mức thấp trong một thị trường đầy cạnh tranh.
“Không ai muốn trả nhiều tiền hơn cho hoạt động giao hàng bền vững”, Niklas Tauch, CEO của Liefergrun, có trụ sở tại Berlin, chuyên giao hàng tại các thành phố lớn trên khắp nước Đức và Áo, nói.
Liefergrun đang giao hàng cho các nhà bán lẻ thời trang như H&M, Inditex (chủ sở hữu của Zara).
H&M, nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, cho biết đang nhân rộng một số sáng kiến phân phối không phát thải “thông qua nhiều mối quan hệ đối tác như Liefergrun”.
Liefergrun xây dựng các điểm đóng gói hàng ở trung tâm thành phố. Sau đó, họ ký hợp đồng giao hàng với các bên thứ ba để cung cấp các dịch vụ giao hàng bằng xe van điện do xe Mercedes-Benz (Đức) hoặc Maxus của Trung Quốc sản xuất.
Tauch dự báo doanh thu của Leifergrun sẽ tăng gấp bảy lần trong năm nay từ “hàng triệu euro”vào năm 2022.
Cho đến nay Liefergrun đã huy động được 15 triệu euro (16 triệu đô la) và sẽ huy động thêm vốn vào năm tới để mở rộng nhanh chóng.
Cuộc đua đang gấp rút vì những gã khổng lồ giao hàng chuẩn bị đầu tư số tiền lớn để điện hóa đội xe của họ.
Trong một dự án thí điểm, DHL sẽ chuyển sang giao hàng thương mại điện tử chặng cuối 100% không phát thải ở Hà Lan vào cuối năm nay. Sau đó, dự án này sẽ mở rộng sang thị trường khác với tổng giá trị đầu tư hàng tỉ euro, Yin Zou, Giám đốc phát triển doanh nghiệp của Deutsche Post DHL tiết lộ.
Doanh thu của startup giao hàng Packfleet của Anh tăng gấp 10 lần vào năm 2022. Công ty dự kiến tăng đội xe van điện lên 400 vào năm 2024 từ khoảng 50 xe hiện nay khi có thêm khách hàng mới.
Packfleet sẽ mở rộng thị trường ra các thành phố như Liverpool, Birmingham và Manchester vào năm tới và có kế hoạch hiện diện ở 20 thành phố lớn nhất của Anh trong vòng hai năm.
“Yêu cầu lớn nhất từ khách hàng của chúng tôi là khi nào bạn có thể mở rộng và trong bao lâu bạn có thể nhận giao toàn bộ khối lượng này?” CEO Tristan Thomas của Packfleet nói.
Tại New York, DutchX đang triển khai dịch vụ mới, đưa các thùng hàng nhỏ đến khu Manhattan bằng phà, sau đó chất chúng lên xe đạp điện Fernhay để giao hàng trong thành phố. Công ty sử dụng xe đạp điện để giao hàng cho những cửa hàng bán lẻ thực phẩm như Amazon Fresh và Whole Foods.
Theo Marcus Hoed, người đồng sáng lập DutchX, doanh thu của DutchX sẽ tăng hơn 1/3 lên khoảng 40 triệu đô la trong năm 2023. Công ty sẽ bắt đầu hoạt động tại thành phố Philadelphia trong năm nay và sẽ có mặt ở ba hoặc bốn thành phố nữa của Mỹ vào năm tới.
Yin Zou, của Deutsche Post DHL cho biết, nhà đầu tư đang gây áp lực lên các công ty hậu cần cũng như khách hàng trong việc cắt giảm khí thải.
Một số nhà bán lẻ đã đặt ra những mục tiêu tham vọng. Chẳng hạn, hãng nội thất IKEA muốn giao hàng chặng cuối không phát thải 100% vào năm 2025.
Thách thức đối với các startup giao hàng là việc mở rộng quy mô rất khó khăn. Nhiều công ty sử dụng các phương tiện nhỏ hơn xe tải giao hàng thông thường, làm giảm tỷ suất lợi nhuận vì khó có thể giao đủ gói hàng để bù đắp chi phí nhân công và các chi phí khác.
“Giao hàng chặng cuối là mảng kinh doanh khắc nghiệt”. Sven Etzelsberger, CEO của URB-E, trụ sở tại California, chuyên sản xuất thùng chở hàng cho xe đạp điện, nhận xét.
Chuyên gia hậu cần Thomas Goldsby của Đại học Tennessee cho biết, trong khi các hãng giao nhận khổng lồ như FedEx, UPS và DHL có thể tận hưởng lợi thế về quy mô, các công ty nhỏ hơn khó có thể theo kịp họ.
Theo Goldsby, chắc chắn các ‘ông lớn’ giao hàng sẽ để mắt đến mối đe dọa mà các startup giao hàng đang tạo ra. Và họ sẵn sàng thâu tóm bất cứ đối thủ nào nhỏ hơn nhưng đang hoạt động hiệu quả.
Yin Zou cho rằng các startup giao hàng không phát thải không phải là một mối đe dọa, và Deutsche Post DHL muốn hợp tác thương mại với họ.
Startup giao hàng bằng xe đạp điện Zedify đang hoạt động tại 10 thành phố của quốc Anh, và có kế hoạch hiện diện ở 7 bảy thành phố nữa trong sáu tháng tới.
Bên cạnh việc phục vụ cho các nhà bán lẻ, công ty cũng đang giao các gói hàng cho các hãng giao nhận lớn như FedEx.
CEO Rob King của Zedify cho rằng, việc mở rộng ra thêm nhiều thành phố sẽ mang lại các hợp đồng giao hàng từ các nhà bán lẻ lớn. Điều này sẽ tăng gấp đôi số lượng giao hàng của Zedify lên 2 triệu gói trong năm nay và tăng gấp bốn lần lên 8 triệu gói hàng vào năm 2024.
Trong bốn năm tới, Zedify đặt mục tiêu có mặt ở gần 50 thành phố của Anh có dân số 100.000 dân trở lên.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng với số lượng giao hàng lớn, chúng tôi kiếm được tiền. Nhưng để đạt được quy mô đó là thách thức mà bất kỳ ai cũng sẽ cần giải quyết”, King nói.
Chánh Tài (Theo Reuters)