Thuế carbon sẽ giúp giữ lại nguồn tiền phải đóng theo cơ chế CBAM để phục vụ cho các hành động mang tính dài hạn để giảm nhẹ phát thải và chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Phân bón và hóa chất là 2 sản phẩm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của thị trường EU. Do đó, theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường PVN, doanh nghiệp này đang rất quan tâm đến cơ chế CBAM.
Theo đó, các sản phẩm thuộc danh mục điều chỉnh của CBAM khi xuất khẩu sang EU sẽ phải chịu đóng mức phí carbon tương đương với mức thuế phí carbon của sản phẩm được sản xuất tại thị trường này. Phần thuế, phí carbon đã được đóng ở trong nước (nếu có) sẽ được khấu trừ.
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Huy nhìn nhận, các loại thuế, phí về môi trường ở Việt Nam tương đối đầy đủ và hoàn thiện khi doanh nghiệp Việt Nam phải đóng tiền cho cả khí thải, nước thải và chất thải rắn.
Tuy nhiên, so với EU, mức thuế, phí môi trường ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam khoảng 10USD cho mỗi tấn khí thải carbon. Còn ở EU, giá carbon có thể lên đến khoảng 100USD mỗi tấn.
Với mức chênh lệch lớn như vậy, rõ ràng là dù chứng minh được đã đóng thuế bảo vệ môi trường như một loại phí carbon, doanh nghiệp vẫn phải bù một số tiền lớn để đáp ứng yêu cầu của CBAM.
Điều này đặt ra khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Mai Kim Liên, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết, việc cắt giảm khí thải carbon là “luật chơi” mới của thương mại và đầu tư toàn cầu nên các chính sách tương tự như CBAM sẽ không thể nào tránh khỏi.
Bên cạnh việc áp dụng các công nghệ mới, đổi mới quy trình nhằm giảm phát thải, bà Liên cho rằng, cần phải sử dụng cả những công cụ định giá carbon, bao gồm đánh thuế carbon và trao đổi tín chỉ carbon. Đây cũng là giải pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Hiện tại, Việt Nam đã xác định sẽ sử dụng hệ thống thương mại trao đổi tín chỉ carbon nội địa làm công cụ định giá carbon để thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Bên cạnh đó, thuế carbon cũng đang được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất.
Đồng quan điểm với bà Liên, tại Hội thảo tham vấn Đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động CBAM của EU đối với Việt Nam, ông Đỗ Mạnh Toàn, Điều phối quốc gia Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tại Việt Nam, nhìn nhận, xây dựng và áp dụng cơ chế định giá và thuế carbon là việc làm cần thiết để đáp ứng các mục tiêu kinh tế và khí hậu.
Thuế carbon sẽ giúp giữ lại nguồn tiền phải đóng theo cơ chế CBAM để phục vụ cho các hành động mang tính dài hạn để giảm nhẹ phát thải và chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Gợi ý về cách thức triển khai thuế carbon, ông Axel Michaelowa, chuyên gia đến từ Perspectives Climate Group, cho biết, mức thuế cần được thiết kể sao cho không quá thấp để tạo ra động lực giảm phát thải nhưng cũng không được quá cao để tránh gây tác động tiêu cực đến sự ổn định của nền kinh tế.
Việc sử dụng nguồn tiền thu được từ thuế carbon cần phải đảm bảo tính minh bạch, từ đó thúc đẩy sự ủng hộ của cộng đồng. Thuế carbon cũng có thể được miễn giảm hoặc áp dụng từ từ đối với một số nhóm ngành có yếu tố vùng sâu vùng xa, có liên quan đến đối tượng dễ bị tổn thương hoặc các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Văn phòng Luật NH Quang & Cộng sự, nhìn nhận, nếu tích hợp thuế carbon vào phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ có nhiều điểm tương đồng hơn đối với cơ chế CBAM của EU, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu chịu điều chỉnh của CBAM.
Dự kiến, cuối năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét dự thảo nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Theo ông Minh, đây là cơ hội quan trọng để tích hợp thuế carbon vào loại phí này trước khi CBAM đi vào hiệu lực vào năm 2026.
Vị luật sư này đề xuất, một số hàng hóa có thể được đưa vào diện chịu thuế carbon ở Việt Nam như xăng dầu, dầu nhờn, than đá, túi nylon, dung dịch HCFC (chất làm lạnh có khả năng gây suy giảm tầng ozon)…
Phạm Sơn