Nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ giảm hơn nữa
Khi mùa đông đến gần, các kho dự trữ khí đốt ở châu Âu vơi nhanh hơn bình thường và giá của mặt hàng năng lượng này đang tăng vọt. Diễn biến này gợi lại ký ức về cú sốc thiếu hụt năng lượng ở châu Âu vào năm 2022 khi Nga bóp nghẹt nguồn cung để đáp trả sự hậu thuẫn của khu vực này dành cho Ukraine trong cuộc chiến tranh với Nga.
Chiến sự Nga-Ukraine leo thang đã góp phần đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 45% trong năm nay. Mức giá hiện nay còn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục năm 2022, nhưng đủ cao để có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình và gia tăng áp lực đối với các nhà sản xuất đang gặp khó khăn ở châu Âu.
Các cơ sở trữ khí đốt giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng vọt ở châu Âu trong những giai đoạn lạnh nhất. Nhưng lượng khí đốt tồn kho của khu vực trong năm nay đang giảm nhanh do nhiệt độ lạnh làm tăng nhu cầu sưởi ấm và công suất điện gió giảm (do thiếu gió), đòi hỏi sử dụng khí đốt nhiều hơn để sản xuất điện.
Đã hơn 2 năm kể từ khi Nga “vũ khí hóa” năng lượng, châu Âu vẫn còn phải vật lộn để bảo vệ hệ thống năng lượng. Thị trường khí đốt đang thắt chặt, phản ánh thách thức của lục địa này trong việc thoát hoàn toàn khỏi nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
Tình hình sắp trở nên tồi tệ hơn khi các lô hàng khí đốt đốt giúp lấp đầy các cơ sở dự trữ ở châu Âu trong năm 2024 có khả năng không có sẵn vào năm tới, kéo dài tình trạng giá cao.
“Chúng ta vẫn gặp khó khăn về nguồn cung khí đốt. Nếu thực sự muốn độc lập khỏi khí đốt của Nga, chúng ta cần tăng năng lực nhập khẩu trong mùa đông này vì các cơ sở lưu trữ khí đốt đang cạn kiệt khá nhanh khi nhiệt độ bắt đầu trở lạnh”, Markus Krebber, CEO của tập đoàn năng lượng đa quốc gia RWE (Đức) chia sẻ trong một hội nghị gần đây.
Chiến sự Nga-Ukraine đang leo thang, với cả hai bên đều tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa trong tuần trước nhằm giành lợi thế trước khi ông Donald Trump trở lại điều hành Nhà Trắng.
Giữa lúc đó, Mỹ quyết định áp các biện pháp mới trừng phạt mới nhằm vào ngân hàng Gazprombank, đơn vị xử lý các khoản thanh toán cho khí đốt của Nga. Theo đó, Gazprombank bị cấm giao dịch với người Mỹ và tài sản của ngân hàng này ở Mỹ bị đóng băng.
Hôm 21/11, trong thông báo về lệnh trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Gazprombank là kênh trung gian để Nga mua vật tư quân sự trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Chính phủ Nga cũng sử dụng ngân hàng này để trả lương cho binh lính, bao gồm cả tiền thưởng chiến đấu, và bồi thường cho gia đình của những người lính thiệt mạng trong chiến tranh.
Lệnh trừng phạt nhằm mục đích cắt giảm thu nhập của Điện Kremlin từ xuất khẩu năng lượng, nhưng làm tăng nguy cơ Moscow dừng cung cấp khí đốt tự nhiên, vẫn đang chảy đến một số ít quốc gia ở Trung Âu.
Châu Âu đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Dù vậy, nếu khí đốt của Nga ngừng chảy vào một trong những tuyến đường ống còn hoạt động cuối cùng sang châu Âu, điều này sẽ gây thêm áp lực lên thị trường khí đốt, khiến giá toàn cầu tăng vọt, theo các nhà phân tích của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects.
Châu Âu cũng đang đối mặt khả năng dòng khí đốt của Nga qua Ukraine bị cắt đứt khi thỏa thuận trung chuyển mặt hàng năng lượng này giữ hai nước hết hạn vào cuối năm. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể khiến dòng khí đốt này ngừng chảy trước thời điểm đó. Gần đây, Hungary cảnh báo, an ninh năng lượng của nước này đang bị đe dọa.
Khủng hoảng năng lượng năm 2022 có thể lặp lại
Giá cả khí đốt tăng nhanh ở châu Âu, phản ánh rủi ro khu vực này mất một phần dòng khí đốt giá rẻ còn lại của Nga, sự chậm trễ trong việc cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và một mùa đông lạnh giá.
Giá khí đốt giao cho mùa hè năm sau thường đủ rẻ để giúp châu Âu mua lấp đầy các cơ sở dự trữ. Nhưng trong một dấu hiệu bất thường khác về áp lực đối với hệ thống nặng lượng của khu vực, giá khí đốt giao mùa hè năm 2025 sau lai đắt hơn giá của những lô hàng giao vào mùa đông năm sau. Điều đó báo hiệu chi phí năng lượng của châu Âu sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài. Nếu mức dự trữ khí đốt cạn nhanh trong mùa đông năm nay, nhiệm vụ bổ sung càng trở nên khó khăn hơn.
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, Đức đã ra lệnh các công ty năng lượng mua nhanh khí đốt để lưu trữ từ thị trường toàn cầu với giá kỷ lục.
“Tình hình có thể bắt đầu giống với kịch bản năm 2022 khi các nước EU mua khí đốt ở bất kỳ mức giá nào. Năm tới, điều này có khả năng xảy ra trong năm tới do nhu cầu khí đốt dự kiến tăng mạnh mẽ ở châu Á”, Arne Lohmann Rasmussen, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Global Risk Management (Đan Mạch) nói.
Fatih Birol, giám đốc của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, châu Âu cần có đủ khí đốt dữ trữ để sử dụng cho cuối mùa đông này nếu dòng khí đốt của Nga trung chuyển đến châu Âu thông qua Ukraine chấm dứt vào đầu năm 2025 khi thỏa thuận giữa Moscow và Kyiv hết hạn.
Tại Đức, nơi nhiều nhà máy buộc phải dừng sản xuất hoặc giảm sản lượng do chi phí năng lượng cao, tình hình khí đốt dự trữ cạn kiệt nhanh hơn gửi đi những tín hiệu đáng lo ngại rằng, áp lực lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể kéo dài sang năm thứ 3 liên tiếp.
“Một lần nữa, các nền kinh tế thâm dụng năng lượng, dẫn đầu là Đức, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do giá khí tốt đắt đỏ, gây tổn hại đến nền kinh tế vốn đã chao đảo vì những khó khăn trong các lĩnh vực ô tô, hóa chất và máy móc”, Ole Hansen, giám đốc bộ phân chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo Bank nhận định.
Vào mùa đông năm 2022, châu Âu tránh được tình trạng thiếu hụt khí đốt một phần nhờ vào mùa đông ôn hòa. Hiện tại, các lô hàng LNG vẫn đang hướng đến châu Âu nhờ giá ở khu vực này cao hơn châu Á. Nhưng một mùa đông lạnh giá ở những khu vực khác có thể tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn về nguồn cung và đẩy giá lên cao hơn nữa. Điều này sẽ gây thêm khó khăn cho nền kinh tế châu Âu, vốn vẫn đang phục hồi yếu ớt sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng.
Chánh Tài (Theo Bloomberg)