Văn bản công nhận sinh khối (đốt gỗ để sản xuất năng lượng) là “xanh”, khiến các tổ chức phi chính phủ môi trường thất vọng và lo lắng về tác động đến rừng, cũng như tính đến vai trò của năng lượng hạt nhân để sản xuất hydro không carbon, mầm mống bất đồng giữa 27 nước thành viên EU.
Sau một đêm đàm phán cuối cùng, thỏa thuận đã được thông qua và đặt mục tiêu bắt buộc đạt ít nhất 42,5% năng lượng tái tạo được tiêu thụ ở châu Âu đến năm 2030, tăng gần gấp đôi so với mức hiện tại là khoảng 22% (19% ở Pháp). Đồng thời các quốc gia sẽ phải cố gắng đạt được mục tiêu “chỉ định” là 45% trong tương lai gần.
“Năng lượng tái tạo sẽ góp phần vào chủ quyền năng lượng của chúng ta bằng cách giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và sẽ giảm được chi phí hóa đơn”, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans hoan nghênh.
Tuy nhiên, Tổ chức phi chính phủ Môi trường Châu Âu tiếc nuối về mục tiêu “thấp và lỗi thời”, trong khi “các kịch bản được mô hình hóa cho thấy có tới 50% tính khả thi và được khuyến nghị phải tôn trọng Thỏa thuận Paris”.
Trên thực tế, EU đã đi đúng hướng.
Sau khi tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo kể từ năm 2004, “trong điều kiện hiện tại”, tỷ lệ này đang trên đà đạt 45% đến năm 2030, thậm chí có thể đạt 50% “trong trường hợp dồn sức hỗ trợ”, theo ước tính của nội các Ember vào cuối tháng 2, đồng thời đặc biệt lưu ý đến mức tăng trưởng theo cấp số nhân của năng lượng mặt trời.
Đơn giản hóa thủ tục
Văn bản đẩy nhanh các thủ tục cấp phép thể hiện qua việc thiết lập các “khu vực dành riêng” cho các cơ quan quốc gia có thẩm quyền, yêu cầu họ phê duyệt các cơ sở năng lượng tái tạo mới trong vòng tối đa 18 tháng (hạn cuối là 27 tháng).
EU lên kế hoạch sử dụng 49% năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà, với lộ trình phủ xanh dần để sưởi ấm và làm mát.
Trong giao thông vận tải, đến năm 2030, các quốc gia thành viên phải giảm 14,5% cường độ khí nhà kính nhờ năng lượng tái tạo và đạt 29% năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của lĩnh vực vận tải.
Mục tiêu ràng buộc được đặt ra để sử dụng “nhiên liệu sinh học tiên tiến” (có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp) hoặc “nhiên liệu tái tạo phi sinh học” (như hydro, nhiên liệu tổng hợp).
“Tình trạng đặc thù” của hạt nhân
Các nhà sản xuất sẽ phải tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo lên 1,6% mỗi năm. Ở mỗi quốc gia, tỷ lệ hydro tái tạo trong ngành công nghiệp sử dụng hydro phải đạt 42% vào năm 2030.
Tuy nhiên, Thụy Điển, nước đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên EU, thay mặt các quốc gia để đàm phán, đã nới lỏng mục tiêu cho các quốc gia có hạm đội hạt nhân có thể sản xuất hydro khử cacbon.
Vấn đề gây chia rẽ 27 nước thành viên EU: trong khi Pháp và các đồng minh yêu cầu đối xử bình đẳng với hydro tái tạo và “carbon thấp” thì nhiều nước coi đây là lằn ranh đỏ (gồm Đức, Áo, Luxembourg, Tây Ban Nha…), các nước này từ chối khuyến khích điện hạt nhân trong một văn bản dành cho năng lượng xanh khiến quá trình đầu tư vào năng lượng tái tạo có nguy cơ bị kìm hãm.
Cuối cùng, thỏa thuận cũng đã đạt được, trong đó quy định mục tiêu hydro tái tạo năm 2030 có thể giảm 20% đối với các quốc gia có tỷ lệ “hóa thạch” trong tổng mức tiêu thụ hydro thấp hơn 23%.
“Pháp sẽ không bắt buộc xây dựng cơ sở năng lượng tái tạo để tạo ra hydro cho ngành công nghiệp và giao thông, nhưng Pháp sẽ có thể sử dụng năng lượng hạt nhân”, ở “trạng thái cụ thể, không xanh cũng không hóa thạch”, thành viên Nghị viện châu Âu Pascal Canfin cho biết.
Điều này làm thỏa mãn cả Paris và các quốc gia từ chối tất cả sự tương đương chính thức giữa nguyên tử và năng lượng xanh.
“Thỏa thuận này thể hiện sự công nhận về vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc đạt được các mục tiêu khử cacbon của chúng tôi, một bước tiến quan trọng dựa trên nguyên tắc”, Bộ trưởng Pháp Agnès Pannier-Runacher hoan nghênh.
Tính linh hoạt này sẽ được áp dụng với điều kiện là quốc gia đó phải hoàn thành đóng góp bắt buộc cho mục tiêu tổng thể là 42,5% năng lượng tái tạo ở EU, thành viên Nghị viện châu Âu Markus Pieper nhấn mạnh.
Sinh khối
Thỏa thuận vừa duy trì trạng thái “tái tạo” của năng lượng sinh học vừa củng cố các tiêu chí “bền vững” đối với sinh khối, các nguồn sẽ được ưu tiên theo “giá trị gia tăng về kinh tế và môi trường”. Một số khu vực rừng sẽ bị loại bỏ và hạn chế viện trợ công hơn.
Các nước vùng Scandinavi bảo vệ quyết liệt các hoạt động này, trong khi đó các nhà sinh thái học lên án hành vi đốt một nửa sản lượng khai thác gỗ ở châu Âu để sản xuất năng lượng.
Luật này sẽ “tiếp tay cho các công ty năng lượng đốt cháy hàng triệu cây xanh, bể chứa carbon chính trên mặt đất, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học, đồng thời làm suy yếu tình trạng sức khỏe của mọi người”, ông Martin Pigeon, thuộc tổ chức phi chính phủ Fern, phẫn nộ.
Nh.Thạch (Theo AFP)