Phát triển kinh tế xanh đang là xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới, hướng đi này có thể giải quyết đồng thời vấn đề giữa tăng trưởng và môi trường – xã hội, đảm bảo cho thế hệ tương lai tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngành ngân hàng – vốn là “huyết mạch” của nền kinh tế, đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Xung quanh câu chuyện phát triển xanh, ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc BIDV đã có những chia sẻ về quá trình thực hiện ESG và xây dựng Ngân hàng xanh tại BIDV, một trong những ngân hàng đầu tiên đẩy mạnh hướng đi này.
BIDV tiên phong thực hiện ESG – xây dựng Ngân hàng xanh
Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển Ngân hàng xanh và thực hành ESG tại Việt Nam hiện nay? Việc áp dụng ESG tại BIDV đang diễn ra như thế nào?
– ESG là một tập hợp các tiêu chuẩn định tính và định lượng phác thảo các yếu tố chính về Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance). Nhiều ngân hàng trên toàn cầu đã xác định ESG là một cơ hội tiềm năng do nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng, các nhà đầu tư và áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp và tổ chức cũng đã bắt đầu nhận thức về tầm quan trọng của ESG trong việc quản lý kinh doanh và thu hút đầu tư. BIDV cũng rất quan tâm và đã lên kế hoạch từ sớm để thực hiện ESG. Ngay từ khi xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến 2030, BIDV đã xác lập mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển, đồng thời nghiên cứu mô hình Chi nhánh/Phòng giao dịch “Ngân hàng xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Chúng tôi đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý dự án Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững. Đây là bước đánh dấu quan trọng và khẳng định quyết tâm của toàn hệ thống BIDV trong việc thực hành ESG.
Đồng thời, chúng tôi cũng sớm tham gia vào việc đẩy mạnh nguồn vốn cho phát triển xanh của nền kinh tế, xây dựng các tiêu chuẩn, khung quản trị về các sản phẩm tài chính xanh.
Danh mục tài chính xanh của BIDV hiện nay gồm những sản phẩm gì và dư nợ ra sao thưa ông?
– BIDV đã cho vay các dự án xanh từ rất sớm với dư nợ tín dụng xanh nằm trong top những ngân hàng dẫn đầu thị trường.
Ngay từ đầu năm 2023, BIDV đã triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực xanh (đáp ứng các tiêu chí chứng nhận Viet Gap, Viet GaHP, Global Gap, OCOP…) với lãi suất cho vay cạnh tranh (thấp hơn đến 1%/năm) nhằm khuyến khích, hỗ trợ khách hàng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường – xã hội; trong đó bao gồm cả các khách hàng kinh doanh thương mại hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đáp ứng chứng nhận nêu trên. Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất cạnh tranh nhằm góp phần cung cấp các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường, kiến tạo cuộc sống xanh.
Tháng 10/2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh, BIDV đã triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng (3.000 tỷ đồng và 50 triệu USD) với các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá. Hiện toàn bộ dư nợ phát sinh đều là tài trợ cho các doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn/chứng chỉ bền vững quốc tế.
Về Trái phiếu xanh, ngày 25/10/2023, BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (International Capital Market Association – ICMA) tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, BIDV còn hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thông qua dịch vụ tư vấn, thu xếp vốn cho doanh nghiệp để phát hành trái phiếu xanh. Với nền tảng nhà đầu tư lớn, BIDV hỗ trợ tổ chức triển khai, kết nối doanh nghiệp với các nguồn vốn xanh trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Tính đến 31/12/2023 , BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.700 khách hàng với 2.100 dự án/phương án thuộc lĩnh vực xanh, tổng dư nợ đạt trên 74.000 tỷ đồng, chiếm ~ 4,2% tổng dư nợ của BIDV và chiếm 12% tổng dư nợ tính dụng xanh toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh được BIDV xác định là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Với nền tảng về quy mô dư nợ xanh hiện tại, BIDV dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng dư nợ, tỷ trọng tín dụng xanh hàng năm và phấn đấu duy trì vị thế là một trong những ngân hàng dẫn đầu về thị phần, quy mô tín dụng xanh cung cấp ra thị trường.
Trong năm 2024, BIDV tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng xanh đã ban hành trong năm 2023 và phát triển các chương trình tín dụng xanh mới như: gói tín dụng trung dài hạn các địa bàn đặc thù (Tây Nguyên, ĐBSCL…) khuyến khích cho vay phát triển cây trồng (tái canh, chuyển đổi cây trồng có giá trị cao),…
Để đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh phải cần nguồn vốn rất lớn. Vậy BIDV đã chuẩn bị nguồn vốn đó như thế nào?
– Một trong những thách thức với Việt Nam là phải đáp ứng nhu cầu về tài chính nhằm hiện thực hóa lộ trình hướng đến mục tiêu Net-zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 368-380 tỷ USD hoặc tương đương 6,8% GDP hàng năm cho đến năm 2040. Vì vậy, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Tại BIDV, bên cạnh nguồn vốn thương mại thông thường huy động từ các tổ chức và cá nhân, chúng tôi đã kết nối, hợp tác với nhiều nhà tài trợ nước ngoài thu hút nguồn vốn xanh, nâng cao năng lực thể chế, quy trình sản phẩm để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mang tính bền vững.
Trong nhiều năm qua, BIDV đã kết nối được với nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới để thực hiện điều này, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Thế giới (WorldBank),…Đặc biệt, gần đây BIDV đã ký kết Hạn mức tín dụng xanh (Sustainable Use of Natural Resources and Energy Finance – SUNREF) trị giá 100 triệu USD với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Đây là khoản tài trợ đầu tiên AFD cấp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo hình thức cho vay ưu đãi trực tiếp không qua bảo lãnh Chính phủ và được AFD đánh giá là một trong những dự án triển khai thành công nhất AFD đã thực hiện.
Bên cạnh đó là nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh 2.500 tỷ như đã đề cập ở trên. Toàn bộ tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, củng cố thêm nguồn lực của BIDV đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
Với việc là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo nguyên tắc quốc tế tại Việt Nam, vừa qua BIDV đã được Global Banking and Finance Review (GBFR) trao tặng giải thưởng Ngân hàng triển khai giao dịch phát hành trái phiếu ESG tốt nhất Việt Nam 2023 (Best ESG Bond Vietnam 2023).
Ngoài ra, BIDV cũng đã nhận được 2 giải thưởng: “Best issuer for sustainable finance in Vietnam 2024” (tổ chức phát hành bền vững xuất sắc nhất Việt Nam) và “Best green Bond in Vietnam 2024” (giao dịch trái phiếu xanh xuất sắc nhất Việt Nam) thuộc hệ thống giải Tripple A Awards của Tạp chí The Asset (Hongkong).
Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục làm việc, đàm phán với các Nhà tài trợ AFD, EIB, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)… để thu hút thêm các nguồn vốn mới tài trợ lĩnh vực xanh tại BIDV.
Còn công tác quản trị rủi ro đối với tài chính xanh thì thế nào thưa ông? Hoạt động quản trị rủi ro có gì khác so với trước, hiện BIDV xây dựng quy trình nội bộ về quản lý tài chính xanh ra sao?
– BIDV đã có những thay đổi căn bản trong khung quản trị nội bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong quá trình theo đuổi con đường phát triển ngân hàng xanh/bền vững.
Như đã đề cập ở trên, từ năm 2022 chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý dự án Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững. Trong năm 2023, BIDV đã kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tổng thể. Trong đó, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của từng cấp/nhóm nghiệp vụ liên quan trong tiến trình phát triển xanh/bền vững.
Triển khai Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN, chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy định quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, BIDV sẽ triển khai đánh giá kĩ lưỡng các yếu tố rủi ro môi trường trong quá trình xem xét cấp tín dụng; đồng thời thực hiện song song việc giám sát, quản lý rủi ro môi trường trong quá trình giải ngân dự án.
Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để hoàn thiện, ban hành Khung quản lý rủi ro môi trường – xã hội, Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu xanh…
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh/bền vững để cung cấp ra thị trường.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, ngân hàng phát triển trên thế giới để kiện toàn khung quản trị nội bộ ngân hàng xanh.
Chiến lược Ngân hàng xanh đặc biệt tại BIDV
Theo ông, đâu là điểm khác biệt của BIDV trong xu hướng Ngân hàng xanh hiện nay?
– BIDV đã triển khai toàn diện và xuyên suốt chiến lược phát triển bền vững, sớm thành lập Ban quản lý dự án Tài chính Bền vững từ tháng 6/2022 nhằm nghiên cứu, tư vấn, tham mưu, xây dựng các chiến lược: (i) Triển khai tài chính bền vững tại BIDV; (ii) Quản lý rủi ro ESG trong hoạt động tín dụng; và (iii) Định hướng BIDV trở thành ngân hàng trung hòa carbon/Net-zero trong hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn xanh/bền vững trong nước và quốc tế.
Sau một thời gian hoạt động, BIDV tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình triển khai thực hành ESG bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo (do Chủ tịch Hội đồng quản trị là Trưởng ban) và Ban quản lý dự án Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) tổng thể với mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường Việt Nam trong thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.
Ngay từ thời điểm ban đầu khi xác lập ngân hàng xanh, tín dụng xanh là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu, xuyên suốt trong chiến lược kinh doanh dài hạn, chúng tôi đã xác định bốn trụ cột, động lực tạo nên lợi thế khác biệt của BIDV trong hoạt động ngân hàng xanh.
Một là phấn đấu duy trì quy mô, vị thế dẫn đầu thị trường về tài chính xanh. Cần lưu ý rằng, tài chính xanh sẽ được xét trên cả hai khía cạnh là tài sản (danh mục tín dụng/đầu tư) và nguồn vốn (huy động, phát hành trái phiếu). Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày, chủ động nghiên cứu, áp dụng các thông lệ quốc tế, các hướng dẫn của cơ quan quản lý, tranh thủ sự tư vấn hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức nước ngoài,… để nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ, cũng như cập nhật, hoàn thiện các quy định nội bộ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trụ cột này.
Hai là xác định việc triển khai hoạt động ngân hàng xanh tại BIDV một cách toàn diện, tổng thể, trên tất cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi, không chỉ dừng lại ở yếu tố xanh – môi trường mà chúng tôi còn chú trọng vào yếu tố xã hội và quản trị để đem lại lợi ích, tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội.
Ba là xây dựng, lan tỏa văn hóa phát triển xanh/bền vững trên toàn hệ thống, kiên định chỉ đạo thông suốt từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc đến các đơn vị, từng cá nhân, người lao động. Phát triển đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, liên tục cập nhật, nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực phát triển xanh/bền vững. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, là trung tâm kiến thức để triển khai, lan tỏa hoạt động, sáng kiến ngân hàng xanh tại BIDV.
Bốn là tập trung số hóa toàn diện cả trong quản trị điều hành và phát triển hoạt động kinh doanh để giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam đang có những thuận lợi to lớn từ sự ủng hộ tạo điều kiện của Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo của NHNN, chúng tôi tin tưởng rằng, với tầm nhìn, định hướng của Ban lãnh đạo, sự quyết tâm, nhất quán của toàn thể cán bộ trong hệ thống BIDV, mô hình, hoạt động ngân hàng xanh của BIDV sẽ ngày càng phát triển, hoàn thiện một cách toàn diện, tổng thể hơn trong thời gian tới. Đây cũng là sự chuyển dịch tất yếu, giúp BIDV tận dụng được những cơ hội, lường đón được những thách thức, thay đổi của thị trường để đưa hoạt động kinh doanh của BIDV tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp vào nỗ lực tăng trưởng xanh /bền vững của đất nước.
Trong quá trình xây dựng Ngân hàng xanh, BIDV gặp phải thách thức, khó khăn gì? Ông có đề xuất gì để giúp BIDV cũng như toàn hệ thống ngân hàng triển khai Ngân hàng xanh được thuận tiện hơn?
– Mặc dù có sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan, sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức tài chính có năng lực và kinh nghiệm trên thế thới, tuy nhiên tại Việt Nam, đây còn là lĩnh vực khá mới và đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, bao gồm cả BIDV.
Trong đó, khuôn khổ pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chẳng hạn, việc Việt Nam chưa chính thức ban hành tiêu chí môi trường (taxonomy) cũng ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động tài chính bền vững tại các ngân hàng thương mại.
Đối với các quy định liên quan đến trái phiếu xanh, hiện các hướng dẫn phần lớn đều tập trung vào doanh nghiệp để tài trợ cho dự án của chính doanh nghiệp phát hành, chưa có hướng dẫn/quy định riêng phù hợp với đặc thù hoạt động nếu chủ thể phát hành trái phiếu xanh là ngân hàng thương mại.
Một khó khăn khác là nhận thức của doanh nghiệp trong việc thực hành ESG mới chỉ bắt đầu tiếp cận. Do đó, việc đào tạo, thuyết phục, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành để thực hiện phát triển bền vững sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực.
Tôi cũng nhận thấy, đội ngũ chuyên gia cho lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế. Trong khi đó, các dự án xanh có các yêu cầu rất khắt khe về thông số kỹ thuật, đa dạng về ngành nghề và cần có đội ngũ chuyên gia để thực hiện đánh giá và thẩm định.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển bền vững (ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng cho các tổ chức cho vay và các doanh nghiệp…) cần tiếp tục được xây dựng và ban hành với mức đủ lớn để khuyến khích doanh nghiệp /ngân hàng thương mại. Trong thời gian tới, nếu những khó khăn trên được tháo gỡ, chắc chắn việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn.
Nhịp sống kinh tế (Báo điện tử Tổ quốc)