Viên nén xuất khẩu được sử dụng làm nhiên liệu đầu vào
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Chi hội Viên nén (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam), Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức Tọa đàm “Vai trò của viên nén trong chuyển đổi nhiên liệu nồi hơi – Hướng tới nền sản xuất phát thải thấp tại Việt Nam“.
Tọa đàm nhằm góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi nguồn nhiêu liệu phát thải cao như than đá, dầu sang sử dụng viên nén gỗ có mức phát thải thấp tại các cơ sở sản xuất nhỏ sử dụng hệ nồi hơi.
Tại cuộc tọa đàm, ông Trần Văn Lượng – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nồi hơi công nghiệp được sử dụng để cấp nhiệt, hơi, nước nóng cho các ngành: Công nghiệp nhẹ: dệt may, giầy da, nhựa, thuốc lá, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thủy sản, chế biến nông nghiệp…; công nghiệp nặng: hóa chất cơ bản, phân bón, tuyển khoáng, thuốc trừ sâu, sản xuất đường, sản xuất cao su… Các loại nhiên liệu sử dụng cho nồi hơi là điện, dầu, khí, than, biomass (vỏ trấu, dăm gỗ, mùn cưa, viên nén gỗ…).
Việt Nam hiện chưa có một thống kê đầy đủ chính thức về số lượng nồi hơi công nghiệp. Theo thông tin từ nguồn các tổ chức kiểm định nồi hơi hàng năm và đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động, ước tính tại Việt Nam có khoảng 9.000 nồi hơi công nghiệp đang hoạt động.
Nhiều cơ sở này sử dụng nguồn than đá để vận hành hệ thống nồi hơi. Việc chuyển đổi nguồn than đầu vào của các cơ sở này sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải ở quy mô quốc gia.
Trong khi đó, ngành hàng viên nén Việt Nam nói chung và viên nén gỗ nói riêng phát triển rất mạnh trong những năm vừa qua. Các phế phụ phẩm của ngành gỗ như cành củi, ngọn cây, mùn cưa, dăm bào… được đưa vào sản xuất viên nén.
Khoảng 95% lượng viên nén sản xuất tại Việt Nam (khoảng 5 triệu tấn) được sử dụng để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Viên nén xuất khẩu được sử dụng làm nhiên liệu đầu vào, thay thế một phần cho lượng than đá hiện đang được sử dụng để sản xuất điện tại các quốc gia này.
Khoảng 5% tổng lượng cung viên nén hiện đang được sử dụng nội địa, chủ yếu đưa vào hệ thống nồi hơi của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Nhiều cơ sở đã và đang thực hiện việc chuyển đổi này nằm trong chuỗi cung toàn cầu, ví dụ các nhà cung ứng cho các hãng hàng lớn như Adidas, Nike, Samsung… Một số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp nơi có các cam kết về phát thải thấp, chuyển đổi xanh…
Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh
Với những tiềm năng đó, theo ông Trần Văn Lượng, cơ hội đối với doanh nghiệp chuyển đổi nồi hơi đốt than sang biomass là giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu về môi trường góp phần thực hiện cam kết của chính phủ Việt Nam; cơ hội tham gia thị trường carbon nội địa trong tương lai. Đồng thời, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh, nâng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với doanh nghiệp chuyển nồi hơi đốt sang biomass cũng không ít. Đó là doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho việc chuyển đổi; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chế tạo nồi hơi đốt biomass; năng lực thiết kế, chế tạo của nhiều nhà chế tạo nồi hơi còn hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư mới cao, chi phí cho phần cải tạo và chi phí do dừng sản xuất là các doanh nghiệp cần tính đến khi thực hiện chuyển đổi.
Một trong những thách thức nữa là thị trường carbon nội địa chưa hình thành nên chưa tạo thành động lực cho doanh nghiệp.
Ông Lượng cho rằng cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người sử dụng nồi hơi của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ về kiến thức sử dụng năng lượng hiệu quả phát thải thấp, hướng tới tham gia thị trường carbon khi thị trường carbon vận hành.
Cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nồi hơi đốt nhiên liệu sinh khối cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi nồi hơi đốt nhiên liệu hóa thạch sang đốt sinh khối.
Theo ông Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trends, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ với mục tiêu mức phát thải Net-Zero vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách; trong đó có Nghị định 06/2022/NĐ-CP yêu cầu các cơ sở sản xuất có mức phát thải cao cũng như các bộ ngành phải giảm phát thải khí nhà kính.
Chính phủ đang thiết kế các cơ chế chính sách cần thiết để xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước. Với cam kết Net-Zero của Chính phủ, dư địa cho việc sử dụng viên nén tại thị trường nội địa là rất lớn.
Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và cam kết này lại được Thủ tướng chính phủ một lần nữa khẳng định tại COP 28. Gần đây nhất là Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01/03/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đưa ra các mục tiêu: tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 – 20% năm 2030 và 65 – 70% năm 2045; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 – 10% vào năm 2030 và khoảng 14 – 20% vào năm 2045; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 – 35% vào năm 2030, lên mức 70 – 80% vào năm 2045.
Diệu Hoa