Tại quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi những cam kết về các mục tiêu khí hậu và môi trường xuất phát từ ý chí tự nguyện chứ không bị bắt buộc, khoản kinh phí để theo đuổi các mục tiêu này thường được xem là một loại chi phí xa xỉ.
Thế nhưng, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Coteccons, có suy nghĩ khác. “Với Net Zero, chúng tôi không gọi là chi phí mà là khoản đầu tư vì chúng tôi tin vào những lợi ích mà Net Zero mang lại cả về trung và dài hạn”.
Lộ trình đến Net Zero
Ngành xây dựng góp phần tạo ra gần 40% lượng khí thải toàn cầu. Giảm lượng phát thải trong lĩnh vực xây dựng là một thách thức lớn khi hoạt động phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng và sự lựa chọn của các chủ đầu tư. “Điều quan trọng là phải nhận diện được những tác động môi trường từ hoạt động của chúng ta, hay nói cách khác là xác định chúng ta đang ở đâu trong bản đồ phát thải carbon”, ông Bolat phân tích.
2021 là một năm đầy thách thức với tập đoàn xây dựng đứng đầu thị phần lúc bấy giờ. Việc “thay ngôi đổi chủ” cũng đã khoác lên cho Coteccons diện mạo mới. Không bán hàng bằng mối quan hệ, Công ty quyết giành lại vị trí dẫn đầu bằng cách trở thành doanh nghiệp tiên phong trong nỗ lực giảm phát thải của ngành và có vai trò dẫn dắt trong ngành về thực hành Môi trường – Xã hội và Quản trị (ESG).
Tập đoàn xây dựng có tuổi đời 19 năm xác định giảm phát thải khí nhà kính là 1 trong 5 mục tiêu chính trong chiến lược ESG. Điều này được nêu rõ trong các chính sách ESG của Công ty đã được công bố cho tất cả nhân viên, đối tác và các bên liên quan và trên website của Công ty.
Coteccons đã làm việc với một số công ty tư vấn chuyên về các giải pháp biến đổi khí hậu để xác định một cách có hệ thống các nguồn phát thải trong chuỗi hoạt động và định lượng lượng phát thải. Đây sẽ là cơ sở để Coteccons xây dựng các biện pháp giảm thiểu và đặt KPI cho các năm tiếp theo.
Thực tế, các sáng kiến giảm phát thải đã được áp dụng tại tất cả các công trường của Coteccons từ nhiều năm trước khi ESG là cụm từ được phổ biến rộng rãi. Coteccons không ngừng tìm kiếm và sử dụng các vật liệu hiệu suất cao có tác động môi trường tối thiểu, chẳng hạn như vật liệu tái chế, vật liệu xanh hoặc những vật liệu ít phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, ông Võ Hoàng Lâm, CEO của Coteccons, cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất trong giảm phát thải chính là ở quy trình quản lý thi công mà nội dung giảm phát thải đã được tối ưu ngay từ các nhân tố đầu vào.
“Nhà máy trung hòa carbon của LEGO là một trong những dự án xanh nổi bật của Coteccons. Công trình có những yêu cầu đặc biệt về thiết kế xanh bền vững, sử dụng các nguyên vật liệu bền vững với môi trường. Điều này mang đến cho chúng tôi nhiều thách thức”, ông Lâm cho biết. Nhưng qua đó, Công ty đã nỗ lực phát huy tính chủ động, áp dụng triệt để các nguyên tắc quản lý Mega Project nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng là những tập đoàn toàn cầu.
“Dựa trên kinh nghiệm học được từ dự án LEGO, chúng tôi kỳ vọng sẽ xây dựng những tòa nhà Net Zero khác tại Việt Nam, bao gồm từ khâu thiết kế, xây dựng, đến vận hành, sử dụng 100% năng lượng mặt trời và áp dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả nhất”, CEO Coteccons lạc quan nói.
Hơn cả một quyết tâm
Đề cập trong phiên thảo luận chương trình “Bình chọn Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam 2023”, ông Herwig Guido H.Van Hove, Trưởng Tiểu ban ESG tại Coteccons, nhấn mạnh: “Hiện ngành xây dựng đang tác động lớn đến môi trường và xã hội, chúng tôi hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm xuất phát từ bản thân trong đó. Đây cũng là nhiệm vụ mà chúng tôi cần thực thi chính sách ESG trong suốt chuỗi cung ứng của mình”.
Tuy vậy, hiện chưa có bộ tiêu chí cụ thể cho công trình đạt tới mức không phát thải trong ngành xây dựng. Việc thúc đẩy đạt mức phát thải carbon bằng không có thể có ý nghĩa đối với một công ty này, nhưng lại là một điều rất khác đối với một công ty khác.
Trong lộ trình tiến tới Net Zero, Chính phủ Việt Nam sẽ tiến tới phân bổ hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp phát thải nhiều sẽ phải bỏ tiền để mua chứng chỉ ở những doanh nghiệp khác, hoặc từ các đơn vị trồng rừng. Bên cạnh đó, áp lực từ khách hàng, chủ đầu tư cũng như ngân hàng sẽ quy định chặt chẽ hơn về mức độ tuân thủ tiêu chuẩn ESG khi mỗi sự vi phạm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Kiểm kê khí nhà kính là bước đầu tiên trong lộ trình giảm phát thải. Đây là điều không dễ thực hiện nếu chỉ dựa trên nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là đối với các công ty xây dựng. Nguồn phát thải gián tiếp chiếm tới hơn 30% (nằm trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu) là thuộc quyền kiểm soát đối với các nhà cung cấp, trong đó có cả các nhà cung cấp nhỏ và từ nhiều địa phương khác nhau.
“Khoản đầu tư cho Net Zero cũng là một vấn đề”, ông Bolat bình luận. Thứ nhất, giá thành của các nguyên vật liệu thân thiện môi trường thường cao hơn các sản phẩm thông thường. Thứ 2, do đặc thù của hoạt động xây dựng là những dự án chỉ kéo dài một vài năm trong khi các khoản đầu tư lại có thời hạn dài hơn.
Cụ thể như việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho hoạt động chiếu sáng công trường với thời hạn sử dụng tương đối ngắn, cùng với chi phí lắp đặt, chuyển giao… sẽ đem lại hiệu suất thấp. Hay việc hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp địa phương cũng sẽ không được lâu dài khi các công trình thường linh hoạt tại nhiều địa phương khác nhau. “Để đạt được những mục tiêu giảm phát thải đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả giữa các khâu thiết kế, thi công, nhà cung ứng và tất cả các bên liên quan khác của dự án”, ông Lâm đề xuất.
Coteccons cũng đặc biệt lưu tâm khuyến khích và đưa ra những ưu đãi cho các nhà thầu phụ, các đối tác địa phương ủng hộ các sáng kiến ESG bao gồm các giải pháp giảm phát thải. “Hãy bắt đầu từ những đối tác có cùng tầm nhìn về Net Zero”, ông Herwig nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Bolat kỳ vọng Chính phủ, với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất, có thể tạo áp lực nhiều hơn tới các nhà cung cấp cũng như xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cho những dự án có giải pháp tốt về Net Zero và kinh tế tuần hoàn, như ban hành chính sách mua sắm công xanh; kích hoạt trái phiếu xanh, tín dụng xanh hoặc tài chính vi mô xanh…
Thanh Hằng