Sự phát triển nhanh chóng của các mô hình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đang đặt ra những câu hỏi lớn về tác động môi trường. Bên cạnh tiềm năng vượt trội trong sáng tạo, học tập và sản xuất nội dung, AI cũng đang tiêu tốn lượng điện khổng lồ và tạo ra lượng phát thải carbon đáng báo động.
Trong bối cảnh công nghệ AI đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, tài chính đến dịch vụ khách hàng, ChatGPT – một sản phẩm nổi bật của OpenAI đang trở thành công cụ quen thuộc với hàng triệu người dùng trên thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của sự phổ biến này chính là cái giá môi trường mà ít ai để ý đến.
Theo báo cáo mới công bố trên Earth.com, ChatGPT được ước tính tạo ra khoảng 8,4 tấn khí CO₂ mỗi năm, chỉ tính riêng trong quá trình vận hành. Mỗi lần người dùng đặt câu hỏi hoặc truy vấn, mô hình này tạo ra trung bình 4,32 gam CO₂ – cao hơn nhiều so với một truy vấn tìm kiếm trên Google. Khi cộng dồn hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày, dấu ấn carbon mà ChatGPT để lại thực sự đáng quan ngại.
Không chỉ dừng lại ở khí thải, mô hình này còn tiêu tốn một lượng điện khổng lồ. ChatGPT sử dụng khoảng 226,8 GWh mỗi năm, tương đương với lượng điện đủ để sạc đầy hơn 3,1 triệu xe điện hoặc cung cấp điện cho hơn 21.000 hộ gia đình tại Mỹ trong vòng một năm. Nếu quy đổi theo nhu cầu sử dụng thiết bị cá nhân, lượng điện này đủ để sạc gần 48 triệu chiếc iPhone 15 mỗi ngày trong cả năm. Đây là con số vượt xa tưởng tượng với một dịch vụ thuần túy số.
Những số liệu này đang đặt ra thách thức lớn cho ngành công nghệ và cộng đồng phát triển AI. Các mô hình càng mạnh, càng thông minh thì càng đòi hỏi nhiều tài nguyên tính toán đồng nghĩa với việc phát thải nhiều hơn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng AI dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt khi các mô hình mới được tích hợp vào công cụ tìm kiếm, phần mềm văn phòng, trợ lý ảo, và cả thiết bị di động.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kêu gọi các công ty công nghệ cần chủ động hơn trong việc giảm thiểu dấu chân carbon của AI. Một số giải pháp khả thi bao gồm: tối ưu hóa thuật toán và phần cứng để giảm tiêu thụ năng lượng, chuyển đổi trung tâm dữ liệu sang sử dụng năng lượng tái tạo, minh bạch công bố lượng khí thải và mức tiêu thụ điện, đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình AI thân thiện với môi trường (Green AI).
Với xu hướng toàn cầu hướng đến Net Zero và trung hòa carbon, tác động môi trường của AI cần được đưa vào quá trình đánh giá vòng đời công nghệ, tương tự như các ngành công nghiệp truyền thống. Sự tiện lợi và quyền năng của trí tuệ nhân tạo không thể đánh đổi bằng sự im lặng với khí hậu. Khi công nghệ ngày càng tiến gần đến cuộc sống con người, trách nhiệm môi trường của nó cũng cần được đặt lên bàn thảo luận một cách nghiêm túc và công khai.
Minh An – Net Zero Việt Nam
Bài viết tổng hợp từ Earth.com