Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (sau đây được viết tắt là KNK) tối thiểu trong lĩnh vực Xây dựng được Chính phủ phân bổ cho Bộ Xây dựng đến năm 2030 theo quy định tại Phụ lục 01 của Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng Ozone là 74,3 triệu tấn CO2 (bao gồm ba lĩnh vực là các quá trình công nghiệp, tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất xi măng và toà nhà).
Đồng thời, Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) quy định đối tượng, lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch hành động của ngành Xây dựng là quy hoạch, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng, quản lý công trình. Vậy, hiện tại ngành xây dựng đang có những giải pháp gì để đạt mục tiêu giảm nhẹ tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 vào năm 2030 và xa hơn là cùng chung tay thực hiện cam kết Việt Nam sẽ giảm mức thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050?
Công trình ZEB và xu hướng Net Zero trong lĩnh vực xây dựng hiện nay
Trong lĩnh vực xây dựng, việc phát triển các “công trình sử dụng năng lượng bằng không” sẽ là một trong những hành động cụ thể để hiện thực hoá cam kết Việt Nam sẽ giảm mức thải ròng bằng không vào năm 2050. Tại Việt Nam, các công trình xanh (sau đây viết tắt là CTX) xuất hiện đầu tiên vào khoảng giữa những năm 2000. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có hơn 230 CTX với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng. Hết quý II năm 2023, Việt Nam có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Như vậy, trong khoảng 6 tháng, Việt Nam có thêm khoảng 70 CTX với khoảng 1 triệu m2 sàn xây dựng là một tín hiệu tích cực cho mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững.
Qua tổng kết kinh nghiệm phát triển các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trên thế giới trong thời gian qua cho thấy, việc phát triển các công trình xanh (CTX) mới chỉ đạt được mức tiết kiệm năng lượng khoảng 10 – 30% so với các công trình xây dựng truyền thống, không thể đáp ứng yêu cầu giảm thiểu phát thải khí nhà kính nhằm hạn chế biến đổi khí hậu theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Tòa nhà Zero-Energy building (ZEB), còn gọi là tòa nhà Net Zero-Energy (NZE) được định nghĩa là tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng bằng không, nghĩa là tổng lượng năng lượng mà tòa nhà sử dụng hàng năm bằng với lượng năng lượng tái tạo được tạo ra tại chỗ hoặc bởi các nguồn năng lượng tái tạo từ bên ngoài gần đó. Để toà nhà có mức tiêu thụ năng lượng bằng không thì toà nhà phải sử dụng các thiết bị, phương tiện tiêu thụ năng lượng ở mức thấp nhất có thể và phải ứng dụng các công nghệ, thiết bị, phương tiện sản xuất ra năng lượng tái tạo tại chỗ với mức cao nhất có thể. “Mức tiêu thụ năng lượng bằng không” ở đây được hiểu là “không tiêu thụ năng lượng được sản xuất theo các phương thức có tác động xấu đến môi trường tự nhiên như thủy điện, nhiệt điện (than, dầu, gas)… và được cung cấp theo hệ thống truyền tải điện của quốc gia hoặc khu vực.
Tòa nhà ZEB là sự phát triển cao hơn của CTX do mong muốn loại bỏ sự phụ thuộc của công trình vào hệ thống cung cấp năng lượng chung (lưới điện, nước nóng, gas) mà đa phần sẽ xâm nhập hay gây hại cho môi trường trong quá trình sản xuất. Với các tòa nhà bền vững, sinh thái và xanh thì mục tiêu là tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong khi tiêu thụ ít năng lượng hơn so với tiêu chuẩn trong mặt bằng chung của công trình cùng thời điểm hiện tại. Các CTX vẫn phải tiêu thụ (một phần) năng lượng không thể tái tạo và như vậy vẫn tạo ra khí nhà kính.
Tuy nhiên, tính đến quý II năm 2023, Việt Nam chưa có công trình xây dựng nào được thiết kế, xây dựng và vận hành đạt tiêu chuẩn phát thải ròng bằng không.
Những thuận lợi cho việc triển khai công trình ZEB tại Việt Nam
Thứ nhất, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định về hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả năm 2010; Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020. Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành QCXDVN 09:2005 – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến năm 2013, quy chuẩn này được xem xét bổ sung và chỉnh sửa, thay thế bằng QCVN 09:2013/BXD sau đó là QCVN 09:2017/BXD. Ngoài ra, Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã có định nghĩa về công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh và tại Điều 7 của Nghị định 15/2021 quy định khi đầu tư xây dựng công trình phải có giải pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển và đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh. Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh. Như vậy, những quy định này dù chưa trực tiếp đề cập đến công trình ZEB nhưng cho thấy sự quyết tâm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam, là tiền đề cho lộ trình luật hoá quy định về công trình ZEB cũng như là tiền đề cho việc triển khai những công trình ZEB – công trình được xem là sự phát triển cao hơn của CTX.
Thứ hai, đối với vấn đề về tài chính, chính sách về “tài chính xanh” đang được triển khai và trên đà hoàn thiện.
“Tài chính xanh” đề cập đến sự phát triển đồng bộ của ngành tài chính song song với cải thiện môi trường và tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu huy động các nguồn tài chính để mang lại lợi ích cho môi trường, đồng thời giảm thiểu tác hại và quản lý rủi ro môi trường.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 06/8/2015; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… quy định về nhiều loại công cụ tài chính như: trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.
Thứ ba, chính sách, lộ trình phát triển đối với thị trường giao dịch hạn ngạch phát thải KNK đang được triển khai và hoàn thiện về cơ bản cũng là một động lực để các chủ đầu tư triển khai công trình ZEB.
Đối với lộ trình, chính sách cho thị trường giao dịch hạn ngạch phát thải KNK, Nghị định 06/2022/NĐ-CP đề xuất bộ thủ tục (được công bố theo Quyết định 59/QĐ-BTNMT ngày 10/01/2022 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thuộc phạm vi chức năng trong quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường), hồ sơ xác nhận tín chỉ các-bon phục vụ các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch hạn ngạch phát thải KNK và hoạt động chuyển nhượng sẽ được tiến hành tại “sàn giao dịch” . Hạn ngạch phát thải KNK sẽ được quy đổi sang tín chỉ các-bon để giao dịch trên sàn giao dịch. Một (01) đơn vị hạn ngạch phát thải KNK bằng một (01) tín chỉ các-bon, tương đương một tấn CO2.
Thứ tư, đối với yếu tố kỹ thuật, công nghệ, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn bảo đảm các mục tiêu quốc gia, ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn đang được triển khai, thực hiện. Quyết định 1266/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050 ngày 18/8/2020 nêu quan điểm tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Với chiến lược này, sẽ là tiền đề để những công trình ZEB có thể sử dụng trực tiếp các vật liệu xây dựng trong nước mà không phải nhập khẩu với chi phí cao hơn.
Thứ năm, sự hỗ trợ về kinh nghiệm triển khai công trình ZEB ở những quốc gia đã triển khai, xây dựng thành công các công trình ZEB, chẳng hạn như Nhật Bản. Với kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ về kiến thức cũng như khoa học công nghệ cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những khó khăn trong việc triển khai công trình ZEB tại Việt Nam
Thứ nhất, chi phí đầu tư cho công trình ZEB là yếu tố quan trọng quyết định việc triển khai dự án của chủ đầu tư. Bởi công trình ZEB dù chất lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng, ít tác động đến môi trường hơn nhiều so với những công trình thông thường nhưng nếu bài toán về chi phí được cho là vượt ngoài khả năng tài chính của chủ đầu tư hoặc là yếu tố làm giảm sức cạnh tranh về giá bán sản phẩm, không thoả mãn bài toán kinh doanh… là những khía cạnh khiến công trình ZEB khó có thể được triển khai trong thực tiễn.
Bởi để có được toà nhà ZEB, các vấn đề về công nghệ, năng lực thiết kế, chi phí cho nguyên vật liệu là các vấn đề chủ đầu tư công trình cần phải lưu tâm. Và để giải quyết được vấn đề về công nghệ (việc chế tạo và lắp đặt các máy móc thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng thấp (điều hòa không khí, máy bơm, bếp nấu, chiếu sáng…); chế tạo và lắp đặt các thiết bị sản xuất điện tái tạo tại chỗ (điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, thủy điện công suất nhỏ), nhiên liệu đốt, sưởi bằng sinh khối), năng lực thiết kế (thiết kế cùng tính toán chi tiết các vấn đề về vật lý công trình như tính toán nhiệt, thông gió, độ ồn, khả năng cháy… mà hiện nay chưa có ngành học tại Việt Nam, đòi hỏi phải sử dụng phương pháp mô phỏng như biểu kiến, bóng đổ, gió, nhiệt độ, mưa, cháy… trên nền tảng các phần mềm chuyên dụng), nguyên vật liệu cao cấp hơn đều cần đến nguồn tài chính nhiều hơn so với những công trình thông thường.
Thứ hai, đối với yếu tố con người (nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng), hiện chưa có đội ngũ có năng lực thiết kế với khả năng tính toán chi tiết các vấn đề về vật lý công trình như tính toán nhiệt, thông gió, độ ồn, khả năng cháy… chưa có ngành học đào tạo chuyên sâu tại Việt Nam. Ngoài ra, việc tính toán hàm lượng các- bon trong vật liệu xây dựng, cũng như lượng phát thải CO2 của công trình chưa được cập nhật và phổ biến cho các kiến trúc sư và kỹ sư trong ngành Xây dựng.
Thứ ba, công trình ZEB chưa được định danh, chưa được luật hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật nên dẫn đến chưa có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng chi tiết, cụ thể đối với công trình ZEB. Chưa xây dựng công cụ đánh giá các tiêu chuẩn của dạng công trình ZEB. Các nội dung của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD và QCVN 09:2017/BXD) chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn của công trình ZEB . Đồng thời, hiện chưa có văn bản pháp lý định nghĩa về công trình ZEB (Nghị định 15/2021/NĐ-CP chỉ mới có định nghĩa về công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh).
Thứ tư, chưa có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thủ tục/quy trình pháp lý dự án đặc thù nhằm khuyến khích, tạo động lực đối với những chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình ZEB.
Thứ năm, tâm lý của người mua công trình xây dựng khi phải chi trả cao hơn đối với những công trình ZEB cũng là một yếu tố khiến các chủ đầu tư e ngại khi triển khai xây dựng các công trình này.
Vậy đâu là giải pháp để triển khai công trình ZEB và để có thể đạt được Net Zero trong lĩnh vực xây dựng?
Từ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai xây dựng công trình ZEB như đã phân tích trên, có thể nhận thấy rằng những giải pháp quan trọng của ngành xây dựng để Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp thế giới về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, phát triển bền vững và đảm bảo cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là các vấn đề về pháp lý của công trình ZEB, chính sách đặc thù về pháp lý dự án, chính sách hỗ trợ về thuế; giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng, giải pháp phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ZEB,…
Thứ nhất, các chủ đầu tư cần nhìn nhận theo hướng công trình ZEB nên được xem là chiến lược liên quan đến kinh doanh, đến định vị thương hiệu, gia tăng giá trị kinh doanh cho chủ đầu tư và trực tiếp liên quan đến quyền lợi của khách hàng. Hiện nay, trong thực tế, đã có những dự án gắn thương hiệu CTX nhằm tạo điểm nhấn trong những chiến dịch truyền thông về sản phẩm nhằm thu hút một phân khúc khách hàng quan tâm đến môi trường sống xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường. Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhiều người dân chưa nhận thức chính xác về CTX và dẫn đến việc một số chủ đầu tư trục lợi, mượn danh hiệu dự án bất động sản xanh để quảng bá nhằm gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.Từ đó, VARS đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể.
Ngoài ra, với quyền được giao dịch hạn ngạch phát thải KNK trên sàn giao dịch (giao dịch quyền tài sản là quyền phát thải KNK), với giá trị thu được từ quyền tài sản này và giá trị từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm hơn so với những công trình thông thường trong suốt thời hạn sử dụng công trình với khả năng có thể bù trừ, bù đắp với một phần chi phí đầu tư về công nghệ cho công trình ZEB là khía cạnh tích cực mà chủ đầu tư có thể cân nhắc, xem xét cho quyết định thực hiện dự án ZEB.
Thứ hai, đối với yếu tố về con người (yếu tố nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng), để có đội ngũ có năng lực thiết kế với khả năng tính toán chi tiết các vấn đề về vật lý công trình như tính toán nhiệt, thông gió, độ ồn, khả năng cháy… cần có ngành học đào tạo chuyên sâu tại Việt Nam. Ngoài ra, việc tính toán hàm lượng các – bon trong vật liệu xây dựng, cũng như lượng phát thải CO2 của công trình cần được cập nhật và phổ biến cho các kiến trúc sư và kỹ sư trong ngành xây dựng. Đội ngũ tư vấn thiết kế, thi công, vận hành công trình ZEB cần được đào tạo chuyên sâu để họ có được những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về mặt thiết kế, thi công, vận hành công trình ZEB. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm kê KNK; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cho các cơ sở, ngành và địa phương.
Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét đến các chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ chế pháp lý dự án đặc thù… đối với những chủ đầu tư xây dựng công trình ZEB nhằm khuyến khích, tạo động lực để chủ đầu tư thực hiện dự án.
Thứ tư, cần luật hoá công trình ZEB trong các văn bản quy phạm pháp luật và tiếp đó là phải xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình ZEB để tạo điều kiện cho việc triển khai công trình tự cân bằng năng lượng (văn bản pháp lý cần định nghĩa rõ về công trình ZEB). Cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình ZEB bằng các con số, định lượng cụ thể. Khi đã xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn thì sẽ có quy trình đánh giá và xác định cơ quan có thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận đối với công trình ZEB.
Thứ năm, các cơ quan quản lý cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các công trình xanh đã được triển khai trong thực tiễn (thông tin về phương thức, cách thức triển khai, các thông số kỹ thuật liên quan…) cũng như số liệu thực tiễn chứng minh tính hiệu quả về kinh tế do các công trình mang lại khi sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, số liệu giảm phát thải CO2 ở mỗi công trình và chia sẻ thông tin rộng rãi, cấp quyền truy cập thông tin miễn phí cho những chủ đầu tư có nhu cầu thu thập thông tin về công trình xanh và xa hơn là thu thập thông tin về những công trình ZEB để có thông số tham chiếu cho việc triển khai các công trình ZEB.
Thứ sáu, những chiến dịch tuyên truyền về pháp luật bảo vệ môi trường, truyền thông rộng rãi về xu thế phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng, lợi ích của những công trình ZEB đối với môi trường sống… cần được thực hiện sớm và phổ biến trong cộng đồng dân cư, trong các chương trình giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Từ đó, tâm lý e ngại khi tiếp cận với dòng sản phẩm bất động sản thân thiện, bảo vệ môi trường như công trình ZEB của người mua cũng sẽ được giải quyết. Chiến dịch tuyên truyền, truyền thông này khi mang lại hiệu quả tích cực sẽ là công cụ hỗ trợ việc cắt giảm chi phí cho những đợt truyền thông, marketing về dòng sản phẩm thuộc công trình ZEB của các chủ đầu tư (giảm chi phí bán sản phẩm bất động sản).
Như vậy, khi những ưu đãi về chính sách “tín dụng xanh”, chính sách và lộ trình phát triển sàn giao dịch hạn ngạch phát thải KNK với giao dịch về quyền tài sản là quyền phát thải KNK được hình thành và vận hành vào năm 2028, sự chung tay của toàn xã hội, những cơ chế ưu đãi về chính sách thuế, pháp lý dự án đặc thù cho các công trình ZEB (nếu có) thì việc triển khai các công trình ZEB trong xây dựng có thể sẽ là cơ hội cho những chủ đầu tư tiên phong trong xu thế phát triển bền vững mà cả thế giới đều đang mong muốn hướng tới.
ThS. Dương Thị Chiến – Công ty Luật TNHH Pros Legal