Theo tiến sĩ Trần Minh Hải – Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT (Bộ NNPTNT) – nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trồng lúa, trồng dừa, cây ăn trái chủ yếu theo phương pháp truyền thống.
Để tạo ra tín chỉ các bon, cần áp dụng các biện pháp trồng trọt hiện đại, đầu tư công nghệ mới. Phần khí thải nhà kính giảm sau khi đầu tư so với mức ban đầu sẽ được đo đạc và chứng nhận để bán, mua. Để có tín chỉ các bon từ trồng lúa hoặc trồng dừa, nông dân hoặc HTX phải làm dự án trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt và đăng ký với đơn vị thu mua, thẩm định.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng – chuyên gia cao cấp của IRRI – lưu ý, khi triển khai đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa, cần giúp nông dân giảm lượng giống từ 100 – 150kg/ha trước đây xuống còn 60 – 80kg/ha, quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, tưới ngập khô xen kẽ.
Sau khi thực hiện tốt các việc trên thì bước tiếp theo là thuê công ty thẩm định và chứng nhận quy trình, mức giảm phát thải khí nhà kính, cấp chứng nhận về tín chỉ các bon. Lúc này, nông dân và HTX có thể bán tín chỉ các bon để thu tiền về.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) – cho biết, cục sẽ nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp, hộ nông dân và các đối tượng liên quan đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Cụ thể, trong giai đoạn 2024-2025, Cục sẽ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác tham gia đề án, 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng, 1.200 cán bộ quản lý nhà nước; đào tạo về quy trình canh tác lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh cho khoảng 200.000 nông dân; đào tạo kỹ năng đánh giá mức giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.
Đến giai đoạn 2026-2030, Cục sẽ hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật trong các HTX nông nghiệp và tổ hợp tác, 8.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng, 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ đoàn thể của 12 tỉnh, thành thực hiện đề án; đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh cho 800.000 nông dân; tập huấn kỹ năng đăng ký, đánh giá mức giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT – khẳng định, chủ thể trung tâm của đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” là HTX, mục tiêu hỗ trợ chính cũng là HTX. Đề án thành công tức là HTX thành công, HTX thất bại tức là đề án thất bại.
Do đó, cần tập huấn thường xuyên để nâng cao năng lực của các thành viên HTX và cán bộ khuyến nông. Không có 2 lực lượng này thì đề án khó thành công được.
Huỳnh Trọng