Đề án vào giai đoạn tăng tốc đầu tư hạ tầng
Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy đề án nêu trên diễn ra ở thành phố Cần Thơ chiều 15/10, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 12 địa phương vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre không tham gia đề án) tham gia đề án đang có nhu cầu rất lớn trong đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thuỷ lợi.
Theo đó, đối với lĩnh vực thuỷ lợi, 12 địa phương có nhu cầu đầu tư nạo vét 1.924 km kênh cấp II trong vùng sản xuất lúa; xây thêm và nâng cấp 1.628 km đê bao khép kín kết hợp với vận chuyển hàng hoá, vật tư nông nghiệp; xây dựng 724 cống hở để tưới tiêu và 43 công trình điều tiết nước.
Để đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thuỷ lợi như nêu trên cũng như đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật khác, nhu cầu nguồn lực đầu tư là rất lớn.
Theo ông Nam, từ cuối năm ngoái, đơn vị này đã xây dựng đề xuất dự án “hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) với trị giá 430 triệu đô la Mỹ, trong đó, 330 triệu đô la Mỹ là vốn vay ưu đãi và 100 triệu đô la Mỹ là vốn đối ứng.
Ông Nam cho biết, đề xuất dự án hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. “Để kịp triển khai theo tiến độ của đề án và yêu cầu của nhà tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc trực tiếp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội của 12 địa phương tham gia đề án thống nhất đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù trong việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện đề án”, ông cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với các đơn vị, tổ chức quốc tế khác để huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ cho đề án, bao gồm khoản viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc (ủy thác qua WB) với trị giá 1,6 triệu đô la Mỹ; Quỹ tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) của WB đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ nguồn vốn chi trả lượng giảm phát thải thu được từ kết quả đo thực tế với trị giá khoảng 40 triệu đô la Mỹ.
Ngoài các nguồn vốn nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành dự thảo Chương trình tín dụng cho vay liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trình Chính phủ xin ý kiến.
Theo ông Nam, trong giai đoạn 2025-2027, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của WB và nguồn vốn đầu tư công của nhà nước, cần huy động khoảng 20.000 tỉ đồng (tương đương 800 triệu đô la Mỹ) từ vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Trong đó, cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng (tương đương 400 triệu đô la Mỹ) từ các ngân hàng thương mại để mua sắm vật tư, mua lúa gạo, đầu tư cho cơ giới, trang thiết bị bảo quản, chế biến, xây dựng hệ thống kho và logistics trong quá trình triển khai đề án.
Được biết, để có cơ sở triển khai đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với 5 địa phương vùng ĐBSCL (Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng) xây dựng các mô hình thí điểm theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 4 trên 7 mô hình thí điểm vụ Hè thu năm 2024 báo cáo với kết quả đạt được rất tích cực.
Theo đó, các mô hình thí điểm giúp giảm 20-30% chi phí sản xuất (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất khoảng 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/héc ta so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/héc ta); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/héc ta so với đối chứng).
Đồng thời, việc canh tác theo quy trình kỹ thuật của đề án giúp giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương/héc ta. Tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg.
Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung vào 200.000 héc ta có điều kiện về hạ tầng, năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp; giai đoạn 2 (2026-2030) sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000 hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Chủ thể tham gia liên kết lúa gạo được vay vốn ưu đãi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 11/10, NHNN đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Cụ thể, về các giai đoạn triển khai, Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 02 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các TCTD.
Về nguồn lực và nguyên tắc cho vay, TCTD thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của TCTD; do đó, việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của TCTD đối với khách hàng.
Về thời hạn và mục đích cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo.
Về lãi suất cho vay, TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.
Về khả năng giải ngân, NHNN cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố chưa công bố định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo và xác định, công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết theo Quyết định 1490 nên các TCTD chưa có cơ sở đánh giá về nhu cầu vốn phục vụ các chuỗi liên kết theo Đề án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khả năng giải ngân phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn thực tế của các chủ thể tham gia liên kết.
Ngoài ưu đãi về mức giảm lãi suất tối thiểu 1% nêu trên, các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo còn được hưởng nhiều ưu đãi khác theo quy định tại theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là từ 100 triệu đồng đến 3 tỉ đồng (tùy đối tượng khách hàng cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã).
Chính sách cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị phương án, dự án; đồng thời, quy định về quản lý dòng tiền trong cho vay liên kết nông nghiệp nhằm hạn chế rủi ro, khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay.
Cơ chế xử lý nợ đặc thù như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; Cơ chế khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc khách hàng là tổ chức đầu mối liên kết, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Chính sách khuyến khích người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Trung Chánh