Chiều 14/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ 6 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021 ở thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đánh giá Việt Nam trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt hơn 20.100 MW, chiếm tỷ trọng hơn 25%.
Theo các chuyên gia, để phát triển ngành điện tái tạo, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách, các doanh nghiệp cũng phải tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp cận được nguồn thông tin, công nghệ và những hỗ trợ cần thiết khác.
Ngọc Anh