
Nhiều khung tiêu chuẩn đang là rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Phạm Minh Hương – Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam – nhấn mạnh rằng một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay khi tiếp cận tài chính xanh là có quá nhiều khung tiêu chuẩn, quy định. Do đó, doanh nghiệp phải nhận thức được rõ những tác động trong từng hoạt động kinh doanh của mình để đưa ra được giải pháp.
Bà Hương dẫn chứng, doanh nghiệp nông nghiệp đã tiên phong trong phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tích cực hỗ trợ vùng nguyên liệu và các hộ nông dân đạt chuẩn thương mại công bằng, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương.
“Khi doanh nghiệp có thể tự nhìn thấy những tác động của mình với từng cá thể, họ sẽ có những chiến lược hỗ trợ”, bà Hương chia sẻ.

Ở góc độ chính sách, TS Mạc Quốc Anh – Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội – nhấn mạnh vai trò của cơ chế giám sát rộng rãi và sự tham gia tích cực từ người dân, người lao động trong quá trình triển khai ESG.
Ông cũng đề xuất cần phát triển hạ tầng mềm như bộ tiêu chuẩn, quy định kiểm soát ESG, và tổ chức các đối thoại định kỳ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi ESG.
Theo tôi cần sự nỗ lực của người dân, người lao động, có cơ chế mở và rộng rãi để giám sát thực thi ESG. Thứ 2 là phát triển hạ tầng mềm, bộ tiêu chuẩn ESG, quy định để kiểm soát việc thực thi ESG. Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để tăng cường nhận thức, giám sát triển khai ESG.

Tái định hình mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo, bền vững
Theo ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VCCI), yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững trong 10 năm tới là năng lực thể chế và quản trị Nhà nước. Một hệ thống thể chế minh bạch, hiệu quả và nhất quán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và phân bổ các nguồn lực vốn, công nghệ, nhân lực… một cách tối ưu.
Đồng thời, thể chế mạnh cũng giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong việc thực hiện các cam kết ESG, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao trách nhiệm xã hội.
Ông Huy cho rằng, để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, Việt Nam cần tái định hình mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững. Các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao và công nghiệp sạch phải trở thành động lực trung tâm.
Ông Nguyễn Tiến Huy cũng nêu, để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.
Theo ông, trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.

Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG.
“Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng “tự bơi” hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa”, ông Huy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục.
Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.
Cuối cùng là nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách. Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai.
Ông Huy cũng cho biết thực tế hiện nay cho thấy nhiều chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam còn chậm đi vào cuộc sống do thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành, chưa rõ ràng về cơ chế phối hợp và giám sát. SME, vốn chiếm hơn 97% doanh nghiệp, cũng gặp khó trong tiếp cận hỗ trợ do quy định thiếu linh hoạt và thông tin thiếu minh bạch.
Do đó, nếu cải thiện thể chế một cách thực chất, Việt Nam không chỉ tháo gỡ được “nút thắt” cho khu vực tư nhân, mà còn tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để huy động vốn đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo, và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững, một thể chế hiện đại, minh bạch và có năng lực thực thi hiệu quả sẽ là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghệ sạch trong thập kỷ tới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam, lễ vinh danh Vietnam ESG Awards là phần 2 của sự kiện, sau phần hội thảo.
Các danh vị đánh giá cũng phân chia theo 3 trụ cột chính của ESG là môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G). Bên cạnh đó, Vietnam ESG Awards trao các danh hiệu tiên phong cho các doanh nghiệp có mô hình ESG nổi bật, hướng tới phát triển bền vững.
Kết quả:
Hạng mục Tiên phong ESG
- Công ty cổ phần Vinhomes đã đạt danh vị Doanh nghiệp hành động vì cộng đồng xanh.
- Công ty cổ phần FPT nhận danh vị Doanh nghiệp tiên phong trong chiến lược quản trị ESG.
- Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – HDBank nhận danh vị Báo cáo ESG đổi mới và tạo giá trị bền vững.
- Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex nhận danh vị Doanh nghiệp tiên phong tích hợp ESG trong chiến lược phát triển.
- Trường Đại học VinUni – dự án “Chuyển đổi xanh, Tăng trưởng xanh” nhận danh vị Hành động thúc đẩy chuyển đổi xanh ở địa phương.
- Công ty cổ phần Greendfeed Việt Nam nhận danh vị Mô hình quản trị chuỗi cung ứng bền vững.
Hạng mục Environment (Môi trường)
- Công ty TNHH Viettel-CHT (Viettel IDC) đạt danh vị Doanh nghiệp tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu.
- Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân là đơn vị đạt danh vị Doanh nghiệp nổi bật trong giảm phát thải khí nhà kính.
- Công ty cổ phần Eurowindow được vinh danh danh vị Doanh nghiệp tiên phong kiến tạo tương lai xanh và bền vững.
- Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy – Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đạt danh vị Doanh nghiệp tiên phong trong quản lý tài nguyên bền vững.
- Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đạt danh vị Doanh nghiệp tiêu biểu về chiến lược giảm thiểu dấu chân carbon.
Hạng mục S (Xã hội)
- Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhận danh vị Doanh nghiệp có chính sách phúc lợi ưu việt.
- Ngân hàng TMCP Nam Á – Nam A Bank nhận danh vị Ngân hàng nổi bật gắn kết nhân viên trong triển khai ESG.
- Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam lên nhận danh vị Doanh nghiệp trách nhiệm nổi bật vì cộng đồng.
- Công ty cổ phần Cà phê Detech nhận danh vị Doanh nghiệp tiên phong phát triển nhân lực bền vững.
- Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công – TTC Tourist nhận danh vị Doanh nghiệp tiên phong kiến tạo du lịch xanh và phát triển bền vững.
Hạng mục G (Quản trị)
- Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB đã đạt danh vị Ngân hàng tiêu biểu về minh bạch và trách nhiệm xã hội.
- Công ty cổ phần TTP Phú Yên đạt danh vị Doanh nghiệp có chiến lược ESG tiêu biểu cho sự phát triển bền vững.
- Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đạt danh vị Ngân hàng tiên phong trong đổi mới quản trị vì sự phát triển bền vững.
- Công ty cổ phần Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Nhật Bản (JSC) đã đạt danh vị Doanh nghiệp đổi mới trong thực hành quản trị minh bạch.
- Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt danh vị Ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số và quản trị bền vững.
Hạng mục ESG Toàn diện

10 đơn vị được vinh danh hạng mục ESG Toàn diện:
- Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
- Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động
- Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam
- Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Tập đoàn DIC)
- Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
- Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast
- Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
- Công ty cổ phần Điện Gia Lai
Huỳnh Anh