Phóng viên báo VietNamNet phỏng vấn ông Mark Hutchinson – Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) liên quan đến câu chuyện thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam thời gian tới.
PV: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tuy nhiên hiện chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho điện gió ngoài khơi. Thưa ông, Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu 6.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như đã nêu trong Quy hoạch điện VIII?
Ông Mark Hutchinson: – Để thực hiện mục tiêu 6.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, Chính phủ cần tập trung nhanh chóng thúc đẩy các chính sách về điện gió ngoài khơi.
Hiện nay, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến điện gió ngoài khơi còn tương đối mới mẻ. Hơn nữa, khi xem xét khoảng thời gian phát triển và xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi thường kéo dài từ 6-8 năm, mục tiêu có được những dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên đi vào vận hành thương mại vào năm 2030 ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Quá trình xây dựng các quy định pháp luật và khung pháp lý cần nhiều thời gian, trung bình từ 2-3 năm, và có thể cần ban hành một bộ luật mới. Thêm vào đó, do nhiều quy định liên quan bị chồng chéo giữa các Bộ, cơ quan Chính phủ khác nhau, nên sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan là vô cùng quan trọng.
Với những thách thức chung như hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu 6.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 sẽ đòi hỏi sự nỗ lực lớn và những hành động nhanh chóng từ phía Chính phủ.
Theo ông, rào cản lớn nhất hiện nay đối với sự phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là gì?
– Thứ nhất, Quy hoạch không gian biển và Nghị định giao biển đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các vị trí phù hợp để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Nếu không có hướng dẫn rõ ràng từ Quy hoạch không gian biển, các nhà phát triển dự án không thể tiến hành phân bổ vị trí dự án, từ đó không thể triển khai khảo sát về điều kiện gió, điều kiện môi trường cũng như những khảo sát cần thiết khác, vốn cần khoảng 2 năm để hoàn thành, khó đáp ứng tiến độ nói chung của các dự án điện gió ngoài khơi.
Thứ hai, sự phối hợp liên Bộ là yếu tố tiên quyết giúp toàn bộ quá trình phát triển và xây dựng dự án điện gió ngoài khơi được thuận lợi, đảm bảo sự nhất quán giữa các bộ, ngành khác nhau cùng tham gia vào quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.
Thứ ba, việc cho phép thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm là vô cùng quan trọng nhằm chứng minh tính khả thi và hiệu quả của nguồn năng lượng tái tạo này trong bối cảnh thực tế của Việt Nam.
Thứ tư, việc xây dựng một khuôn khổ Hợp đồng Mua bán điện (PPA) phù hợp là cần thiết nhằm đảm bảo sự minh bạch và chắc chắn cho cả nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Một Hợp đồng mua bán điện rõ ràng sẽ đảm bảo nguồn thu dài hạn cho dự án và giảm thiểu rủi ro đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi. Điều này cũng đóng vai trò then chốt để các tổ chức tín dụng quốc tế chấp thuận cho vay, những tổ chức này vốn luôn bị yêu cầu phải giới hạn mức cho vay đối với thị trường vốn nội địa.
Và điểm cuối cùng, việc thiết kế một cơ chế đấu giá hiệu quả là cần thiết nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành điện gió ngoài khơi. Một cơ chế đấu giá hiệu quả sẽ khuyến khích đầu tư vào ngành, đồng thời thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Trong số những rào cản nêu trên, Quy hoạch không gian biển là vấn đề đặc biệt cấp bách trong năm 2024. Việc ban hành Quy hoạch không gian biển trong năm nay đang được các thành viên trong ngành điện gió ngoài khơi mong chờ, được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa phát triển điện gió ngoài khơi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Cơ chế biểu giá điện hỗ trợ (FIT) đã kết thúc. Ông có nghĩ rằng chúng ta cần cơ chế giá đặc biệt để khởi tạo ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam?
– Mặc dù cơ chế giá FIT đã kết thúc, song điều quan trọng là chúng ta đều đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc thiết lập một cơ chế giá đặc biệt trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Một kế hoạch triển khai dự án rõ ràng, kèm theo hợp đồng mua bán điện (PPA) với các thỏa thuận thương mại phù hợp là điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo khả năng tài chính của các dự án điện gió ngoài khơi
Ông đánh giá như thế nào về cơ chế thí điểm trong ngành điện gió ngoài khơi?
– GWEC và các đơn vị khác trong ngành điện gió ngoài khơi đã đề xuất một cơ chế “phát triển nhanh” hay còn gọi là cơ chế thí điểm để áp dụng cho các dự án đầu tiên tại Việt Nam. Chính phủ, các nhà phát triển quốc tế và nhà phát triển trong nước đều thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế thí điểm. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn chưa rõ những chính sách để hỗ trợ triển khai những dự án thí điểm này.
Lương Bằng (VietNamNet)