Doanh nghiệp khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô suy giảm
Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô các quý đầu năm 2023, Vietnam Report cho rằng, những sự khó khăn của nền kinh tế được phản ánh rõ ràng theo 2 xu hướng: Thứ nhất, tăng trưởng GDP suy giảm, trong đó tăng trưởng quý I/2023 chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 12 năm gần đây nếu loại trừ nửa đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Thứ hai, tính chung nửa đầu năm, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 164,4 tỷ USD (-15.2% so với cùng kỳ năm trước) xuất phát từ sự sụt giảm về nhu cầu của các thị trường chính, nhập khẩu theo đó cũng giảm mạnh (18,2% so với cùng kỳ) do nhu cầu về dự trữ hàng tồn kho suy thu hẹp.
Cùng với xu hướng suy giảm của nền kinh tế vĩ mô, đáng chú ý lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT, tính tới cuối tháng 8/2023 đã có 1.085 công ty niêm yết (chiếm 95% vốn hóa thị trường) công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với mức tổng lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trước đó mức giảm trong quý I lên tới 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có những động thái mạnh tay trong việc kích thích kinh tế như: Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, thực hiện hàng loạt các biện pháp quyết liệt nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản… Những hành động này cùng với một số tác động khách quan khác đang góp phần tạo nên những dấu hiệu tích cực nhất định của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ảm đạm chưa có dấu hiệu phục hồi, căng thẳng xung đột địa chính trị leo thang tại nhiều khu vực, đặc biệt là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu, cũng như gia tăng các rào cản thương mại mới thông qua việc áp dụng các quy định, cơ chế mới ngày càng ngặt nghèo gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu (CBAM, EUDR…), xu hướng giá năng lượng và lương thực tăng cùng với sự bất ổn của các khu vực…, các doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn và khó có động lực để phục hồi nếu không có các giải pháp hỗ trợ căn cơ, đồng bộ và triệt để.
3 vấn đề lớn của doanh nghiệp
Theo nhận định của các chuyên gia Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn, đó là áp lực về dòng tiền, áp lực chuyển đổi xanh và áp lực tuân thủ thủ tục hành chính.
Đối với vấn đề áp lực chuyển đổi xanh, chuyên gia về phát triển khu vực tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV nhận định, đây là bài toán vượt ngoài khung khổ điều chỉnh của các quy định cụ thể. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng với tác động ngày càng lớn tới đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu, đòi hỏi thế giới chung tay thực hiện mục tiêu giảm mạnh phát thải carbon, cùng với nguy cơ khủng hoảng giá và nguồn cung năng lượng luôn thường trực, một xu hướng ngày càng định hình rõ ràng là các quốc gia phát triển đã và đang hướng tới định hình lại vị trí, trật tự năng lượng và trật tự xanh trên bản đồ thế giới thông qua việc đặt ra các luật chơi và quy định mới.
Một Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu khó có thể đứng ngoài cuộc chơi này. Do đó, trước khi có thể được tiếp cận với những cơ hội lớn mở ra trong tương lai trong xu hướng chuyển đổi xanh, thì trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực rất lớn để vượt qua được hàng loạt các thách thức đang đặt ra trong quá trình này. Một trong số đó là vấn đề kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và tham gia thị trường carbon mà Chính phủ đã và đang hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan để tiến tới thí điểm, vận hành trong thời gian tới.
Cụ thể, các cơ sở có mức phát thải cao sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các biện pháp nhằm đưa mức phát thải về giới hạn cho phép. Việc thay đổi quy trình hoạt động, áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm phát thải được nhận định là sẽ làm tăng mạnh chi phí cho doanh nghiệp khi mới tiếp cận. Sau khi thực hiện các giải pháp giảm phát thải mà mức phát thải của các doanh nghiệp vẫn cao hơn hạn ngạch phát thải được cho phép, thì doanh nghiệp cần tính đến phương án mua tín chỉ carbon từ các đơn vị khác để bù đắp. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn trong ngắn hạn. Đơn cử như ngành điện, theo tính toán của McKinsey & Company. Tại Việt Nam chỉ tính riêng cho ngành điện để đưa mức phát thải của ngành về 0 năm 2050, thì vốn đầu tư mới của ngành mỗi năm cần tăng thêm 5-6 tỷ USD. Đây là một con số vô cùng lớn đối với một lĩnh vực có sự tham gia đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với đó, Việt Nam hiện nằm trong chuỗi cung toàn cầu về hàng hóa. Nhiều công ty toàn cầu đang có hệ thống gia công, chế biến tại Việt Nam. Các công ty này cam kết hiện thực hóa mục tiêu net-zero có nghĩa rằng các doanh nghiệp Việt Nam là một bộ phận của chuỗi này bắt buộc phải áp dụng các biện pháp giảm phát thải để đáp ứng với các yêu cầu của các công ty đó, dẫn tới chi phí gia tăng.
Ngoài ra, một vấn đề rất đáng chú ý liên quan tới thách thức sức ép chuyển đổi xanh khác là áp lực tại các thị trường quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU do việc thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ tác động ngay lập tức đến các mặt hàng có hàm lượng phát thải cao như nhôm, sắt và thép, phân bón, xi măng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này hiện chỉ chiếm dưới 4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, tuy nhiên theo lộ trình, EU sẽ mở rộng danh mục các mặt hàng nhập khẩu chịu tác động của CBAM. Điều này sẽ gây ra tác động lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong tương lai. Tương tự, nếu dự luật Cạnh tranh sạch của Hoa Kỳ được áp dụng, các sản phẩm của Việt Nam có dấu chân carbon cao xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm và thậm chí sản phẩm sẽ không thể tiếp tục tiếp cận được với thị trường này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức rất lớn, song các thách thức này chỉ là trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, việc thay đổi theo hướng phát thải thấp nên được coi là cơ hội để thay đổi. Nếu doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi tổng thể, có kế hoạch hành động cho từng giai đoạn và thường xuyên điều chỉnh theo tình hình thực tiễn thì về dài hạn, chuyển đổi xanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp những giá trị tăng thêm không hề nhỏ.
Doanh nghiệp thay đổi theo hướng phát thải thấp không những để đáp ứng với các yêu cầu của Việt Nam, mà còn của thị trường xuất khẩu và của người tiêu dùng. Chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc trên toàn cầu. Các yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn về dấu chân carbon trong các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn, do đó, không sớm thì muộn, như đã phân tích ở trên, doanh nghiệp Việt Nam trong thế buộc phải tuân thủ luật chơi và đi theo xu hướng này nếu muốn tham gia thị trường toàn cầu.
Đối với vấn đề áp lực tuân thủ các thủ tục hành chính, câu chuyện mà các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt là vấn đề hoàn thuế VAT chậm trễ, đáp ứng các quy định về phòng cháy chữa cháy và nhiều quy định tạo rào cản cho kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực trước sức ép dòng tiền ngày càng lớn
Một vấn đề đáng lo ngại được chuyên gia Ban IV đề cập gần đây là áp lực dòng tiền ngày càng lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mọi nguồn lực và kinh tế vĩ mô suy giảm. Đây có thể là yếu tố khiến sức khỏe khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng cạn kiệt nếu không có những giải pháp hỗ trợ căn cơ kịp thời và mang tính dài hạn để tìm hướng phục hồi. Minh chứng cho vấn đề này, Báo cáo phân tích áp lực dòng tiền của doanh nghiệp và khuyến nghị chính sách giai đoạn cuối năm 2023 do Ban IV vừa thực hiện đã đưa ra một bức tranh không mấy tích cực của doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2018-2023. Báo cáo dựa trên phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam (chia thành 10 ngành cụ thể) trong thời gian từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023 đã có nhiều phát hiện rất đáng chú ý.
Thứ nhất, doanh thu các ngành giảm từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là hai ngành Bất động sản và Xây dựng. Đến hết quý II/2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022, chỉ có ngành công nghệ thông tin là tăng quy mô và ngành Hàng và dịch vụ tiêu dùng giữ nguyên quy mô doanh thu so với cùng kỳ.
Thứ hai, trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp. Ngành nào có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lớn thì càng gặp khó khăn (Xây dựng: 1,14 lần; Hàng và dịch vụ tiêu dùng: 0,78 lần; Bất động sản: 0.62 lần và Vật liệu xây dựng: 0,62 lần). Điều này cho thấy một thực tế là dù đã niêm yết nhưng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi việc huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay lập tức.
Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu cho biết khi so sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thì thấy tỷ lệ rất đáng kể: Năm 2022, ngành Xây dựng có tỷ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là Hàng và dịch vụ tiêu dùng 44,8% và Bất động sản 40,2%. Điều này hàm ý, khi kinh doanh, doanh nghiệp chịu rủi ro chính nhưng thành quả được hưởng không nhiều, lợi nhuận của doanh nghiệp bị xói mòn do chi phí tài chính nên không có tích lũy để tái đầu tư.
Liên quan đến vấn đề chi phí thuế, Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ % nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhất 3 sàn có áp lực lớn nhất. Năm 2020, tỷ lệ chi phí thuế/lợi nhuận sau thuế lên đến 51.5%. Năm 2022, đa số doanh nghiệp nhóm này đều lỗ. Số liệu từ báo cáo chỉ ra rằng, trong các nhóm ngành, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần: Số ngày phải thu trung bình của doanh nghiệp xây dựng quý I/2022 là 463 ngày thì sang quý I/2023 lên đến 1.165 ngày. Dù hết quý II/2023 giảm xuống còn 598 ngày nhưng áp lực dòng tiền của doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, số ngày tồn kho trung bình quý I/2023 lên đến 4.527 ngày, so với 661 ngày của quý I/2022. Số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt là có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày (ước tính với tình hình bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng).
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết như phân tích tại báo cáo nghiên cứu, Ban IV đề xuất một số giải pháp chính sách kết hợp trung và ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi. Theo đó, nhóm chuyên gia Ban IV cho rằng các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo kiến nghị này, Chính phủ có thể tập trung trọng tâm thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách) theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Cùng với đó là nhóm chính sách tiền tệ với trọng tâm là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần ưu tiên lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các ngành có nhiều rủi ro cần chấp nhận lãi suất cao hơn. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, theo khuyến nghị của Ban IV, hệ thống ngân hàng có thể cân nhắc cho phép các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu thiết yếu/ưu tiên (như hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khu công nghiệp, văn phòng…) được giãn nợ/ giữ nhóm nợ theo tinh thần Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với nhóm chính sách tài khóa, Ban IV đề xuất cần xem xét thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, bao gồm các khía cạnh: Đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng lớn, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vừa nâng cao năng lực của quốc gia; chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực của người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp Bất động sản; xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp… Tiếp tục thực hiện các chính sách giãn chu kỳ đóng thuế theo tinh thần Nghị định số 12/2023/NĐ- CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023; chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2013/QH15 để giảm bớt khó khăn dòng tiền, đồng thời kích cầu tiêu dùng trong nước. Tháo gỡ vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành gỗ, sắn, cao su… để doanh nghiệp có thể quay vòng vốn, duy trì xuất khẩu…
Để tránh phát sinh gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, Ban IV cũng kiến nghị trong ngắn hạn không ban hành các quy định làm phát sinh các loại phí, chi phí mới cho doanh nghiệp ít nhất trong nửa cuối năm 2023 và có thể cả nửa đầu năm 2024. Trong trung hạn, xem xét chưa tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong dài hạn, cần tiếp tục có những phân tích để thiết kế chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đại hơn, phù hợp với từng nhóm quy mô doanh thu và ngành nghề của doanh nghiệp để vừa đảm bảo mục tiêu tăng thu ngân sách vừa đảm bảo việc phát triển nội lực doanh nghiệp.
Để giải quyết một cách dài hạn các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, một trong các giải pháp được Ban IV khuyến nghị cần đặc biệt lưu tâm là phát triển thị trường vốn hiện đại, đáp ứng chuẩn mực quốc tế nhằm dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào tín dụng; chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán làm kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế…/.
(EFR)