SBTi là gì?
Khái niệm
SBTi (Science Based Target initiative) – Sáng kiến Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học là tổ chức quốc tế hướng dẫn doanh nghiệp đặt mục tiêu, triển khai các hoạt động cắt giảm lượng phát thải nhà kính cần thiết với tốc độ nhanh nhất có thể.
Đây là kết quả hợp tác của liên minh gồm CDP (formerly the Carbon Disclosure Project), UN Global Compact, World Resources Institute (WRI) và World Wide Fund for Nature (WWF), nhằm điều hướng doanh nghiệp toàn cầu chung tay ngăn chặn những tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra, hướng tới nền kinh tế net zero (loại bỏ hoàn toàn khí thải cacbon).
Được tham vấn bởi chuyên gia và tổ chức chuyên môn hàng đầu, những mục tiêu do SBTi xây dựng (Science Based Targets) được hình thành trên cơ sở khoa học, tạo thành lộ trình cắt giảm khí thải rõ ràng. Các doanh nghiệp thực hành ESG thường tận dụng SBTi để khắc phục điểm số ở trụ cột E-environment của bộ tiêu chuẩn ESG vì gần như hướng dẫn của SBTi giải quyết được hết các vấn đề liên quan đến xử lý khí thải cho doanh nghiệp ESG ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thực trạng áp dụng SBTi
Với xu hướng ESG nở rộ, doanh nghiệp ở nhiều châu lục thực hiện các mục tiêu của SBTi nhằm tối ưu điểm số ESG. Năm 2022, tổ chức SBTi ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội số lượng các doanh nghiệp ESG đăng ký mới, một số số liệu nổi bật như sau:
- 1.097 doanh nghiệp mới triển khai các mục tiêu của tổ chức SBTi, nhiều hơn tổng số lượng doanh nghiệp của cả 7 năm trước cộng lại. Trong đó, 130 doanh nghiệp đã đạt netzero ở cuối năm 2022, nhiều hơn mục tiêu ban đầu 12%.
- So với năm 2021, năm 2022 có nhiều hơn 27% tổng số lượng công ty hoàn thành scope 1 và 2 emission (phạm vi phát thải nhà kính theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ESG).
- Những doanh nghiệp đăng ký SBTi đặt mục tiêu đại diện cho 34% nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2022.
- Ở châu Á, Nhật Bản bứt phá với số lượng đăng ký SBTi nhiều nhất và nhiều doanh nghiệp từ quốc gia khác trong khu vực cũng hưởng ứng SBTi sôi nổi, trong đó có cả Việt Nam.
Nền kinh tế dần chuyển dịch sang định hướng phát triển mạnh mẽ dẫn đến các doanh nghiệp nỗ lực triển khai ESG, nhằm đáp ứng thị hiếu mới. SBTi giống như “kim bài” minh chứng cho các hoạt động giảm thiểu khí thải, cải thiện điểm số ESG của doanh nghiệp. Vì vậy, “ức nóng của SBTi ngày càng tăng lên ở khắp các châu lục.
Cụ thể SBTi mang đến lợi ích gì mà khiến các doanh nghiệp ESG hưởng ứng nhiệt tình đến vậy?
Lợi ích của SBTi đối với doanh nghiệp thực hành ESG
Trong 1 khảo sát mới đây, ban điều hành, giám đốc của nhiều doanh nghiệp ESG đã đồng loạt phản hồi SBTi mang lại cho họ 6 lợi ích đặc biệt quan trọng. Cụ thể như sau:
1.Gia tăng danh tiếng thương hiệu
Người tiêu dùng ngày càng thông thái và ý thức được những tác động tiêu cực đến môi trường thông qua hành vi mua sắm của mình. Vậy nên, những doanh nghiệp chứng thực được tính bền vững dần được ưa chuộng hơn. Thậm chí, thị trường đã chấp nhận và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm/dịch vụ “xanh”.
79% doanh nghiệp đăng ký SBTi cho rằng danh tiếng thương hiệu được công chúng yêu thích là lợi ích lớn và rõ ràng nhất mà họ nhận được. Khi các chủ đề bàn tán về việc tiêu dùng có đạo đức và các chiến dịch xã hội chống biến đổi khí hậu không ngừng diễn ra, giá trị thương hiệu là “lá chắn” để doanh nghiệp trụ vững, phát triển mạnh mẽ theo nhịp thị trường.
2. Củng cố niềm tin cho nhà đầu tư
Không chỉ người tiêu dùng mới, nhà đầu tư cũng rất quan tâm và xem điểm số ESG như thước đo uy tín cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng nhà đầu tư của họ tự tin hơn khi họ theo đuổi mục tiêu SBTi.
Tesco – thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới, là một case study điển hình trong cộng đồng doanh nghiệp làm theo hướng dẫn SBTi. Thương hiệu này trở nên sáng giá trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư khi cho thấy sự nghiêm túc của mình trong việc chống biến đổi khí hậu. Sự tín nhiệm từ người dùng và những nguồn vốn mới tạo tiền đề cho doanh nghiệp này liên tục bành trướng quy mô của mình.
3. Ứng biến trước những điều chỉnh của luật định
Sau thỏa thuận chung Paris (1 thỏa thuận trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020), chính phủ các nước nhanh chóng điều chỉnh luật định để cùng hướng tới định hướng chung của quốc tế. Doanh nghiệp các nước vì thế mà cũng phải ứng biến theo những quy định mới này.
SBTi hỗ trợ doanh nghiệp từng bước 1 trước những điều chỉnh này. Nhờ đây doanh nghiệp không mất thời gian loay hoay mà còn nâng cấp được hiệu suất hoạt động.
4. Thúc đẩy đổi mới trong nội bộ doanh nghiệp
Hơn ⅔ doanh nghiệp ESG (gần 63%) cho biết đặt mục tiêu theo SBTi thúc đẩy sự đổi mới trong công ty của họ. Trong khi đó, hơn 50% doanh nghiệp nói rằng họ kỳ vọng ít nhất 1 nửa sản phẩm/dịch vụ đạt netzero vào năm 2030. Cho nên những sáng kiến này đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm/dịch nhằm hoàn thành mục tiêu này.
5. Tiết kiệm chi phí
Việc thực hành ESG thường bị mặc định sẽ tốn nhiều chi phí. Thế nhưng, dựa trên kinh nghiệm của những chuyên gia đầu ngành, SBTi giữ cho cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tinh gọn nhưng vẫn hiệu quả. Điểm nổi bật nhất là nguyên liệu sử dụng cũng được cắt giảm. Trong bối cảnh khủng hoảng nguồn nguyên liệu cộng với tình hình chính trị bất ổn, lợi ích này giúp doanh nghiệp không bị rơi vào thế bị động và luôn duy trì các hoạt động kinh doanh.
6. Gia tăng lợi thế cạnh tranh
55% doanh nghiệp cam kết thực hiện SBTi tự tin hơn với năng lực cạnh tranh của mình. Với vị thế tiên phong đặt mục tiêu chống biến đổi khiến hậu, doanh nghiệp không những được ưa chuộng bởi người tiêu dùng, nhà đầu tư mà còn được hậu thuẫn từ chính quyền. Nhiều lợi thế cùng lúc giúp tạo ra sức bật lớn cho doanh nghiệp.
Một trong những nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp theo đuổi ESG đó là thay đổi mọi mặt, từ những tác động trực tiếp trong quá trình sản xuất cho đến tác động gián tiếp như lựa chọn đối tác vận chuyển đều không được gây hại đến môi trường. Và hướng dẫn của SBTi chính là cẩm nang giải quyết những vấn đề đang bủa vây những doanh nghiệp mới bắt đầu đường đua ESG.
Phát triển bền vững không còn là cuộc chơi của các quốc gia phát triển mà chính là đích đến của nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp biết tận dụng sự hỗ trợ từ những tổ chức chuyên môn hàng đầu như SBTi sẽ sớm làm chủ vị thế trên thương trường. Bằng chứng cho thấy những lợi ích to lớn từ SBTi đã được xác nhận bởi doanh nghiệp đi trước.
(Nguồn: Trường quản lý SOM-AIT)