Kế hoạch xử phạt được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 17/8 như một phần của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU nhằm nhằm ngăn chặn tình trạng “rò rỉ carbon” qua biên giới bằng cách áp chi phí phát thải carbon lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại của EU.
Ban đầu, cơ chế này sẽ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào EU ở các lĩnh vực sản xuất phát thải lượng carbon lớn gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện nhưng miễn trừ cho một số sản phẩm nhất định như sắt phế liệu hay các loại phân bón không phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, tức áp dụng thử nghiệm, kéo dài 18 tháng, bắt đầu từ ngày 1/10, các nhà nhập khẩu châu Âu trong các lĩnh vực nói trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu.
Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu này sẽ phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM) tương ứng với lượng phát thải carbon ở hàng hóa mà họ nhập khẩu từ các nước có mức phí phát thải thấp hơn hoặc miễn phí.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, họ sẽ không phải mua chứng chỉ này nhưng sẽ phải đối mặt với mức từ 10- 50 euro cho mỗi tấn khí thải không báo cáo.
Các nhà nhập khẩu sản phẩm thép và xi măng ở EU sẽ phải đưa ra các báo cáo đầu tiên về lượng khí thải carbon từ từ hàng hóa của họ trước ngày 31/1/2024. Các sản phẩm nhập khẩu khác thuộc diện phải khai báo lượng phát thải carbon trong giai đoạn chuyên tiếp bao gồm điện, hydro, phân bón và nhôm.
Tuy nhiên, phí phạt thấp tính linh hoạt của CBAM vấp phải chỉ trích của các lãnh đạo ngành công nghiệp ở EU.
“Chúng tôi lo ngại mức phạt thấp một cách đáng lo ngại và việc thiếu các yêu cầu thực thi mạnh mẽ. Quy định này có rất nhiều điều khoản giảm nhẹ đối với các nhà nhập khẩu, có nguy cơ tạo cơ hội cho hành vi lách luật”, Adina Georgescu, giám đốc năng lượng của Hiệp hội kim loại màu châu Âu (Eurométeaux), nói.
Các nhà phân tích của S&P Global ước tính, CBAM sẽ tạo ra nguồn thu thuế carbon 80 tỉ đô la cho EU hàng năm vào năm 2040.
CBAM đã gây sốc cho nhiều đối tác thương mại của EU khi cơ chế này lần đầu tiên được công bố. Các nước như Ấn Độ và Brazil cho rằng, CBAM vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các nước khác bao gồm Mỹ và Nam Phi lo ngại thị trường của họ có thể có nguy cơ tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ từ các công ty không sẵn sàng trả thuế carbon ở EU.
Domien Vangenechten, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức tư vấn khí hậu E3G, cho rằng mức phạt thấp trong quá trình chuyển tiếp là để “khuyến khích các nhà nhập khẩu báo cáo về lượng khí thải của họ” và có thể cao hơn nhiều khi CBAM có hiệu lực đầy đủ.
Giấy phép phát thải carbon của EU đang giao dịch ở mức khoảng 88 euro cho mỗi tấn khí thải. Giá giấy phép này đã tăng hơn gấp ba lần trong ba năm qua khi Brussels công bố các quy tắc cắt giảm carbon và giảm số lượng giấy phép miễn phí được cấp cho các công ty trong ngành công nghiệp ô nhiễm.
Các lãnh đạo trong các ngành công nghiệp mà CBAM nhắm vào cũng cho rằng có quá nhiều sự linh động dành cho 27 nước thành viên EU trong việc quyết định cách thực hiện các quy định của CBAM. Họ yêu cầu mức xử phạt đối với nhà nhập khẩu phải tương đương với mức phạt đối những công ty trong các ngành công nghiệp ở EU bị bắt buộc tham gia Chương trình giao dịch khí thải (ETS) Hiện nay, mức xử phạt đối với những công ty này là 100 euro cho mỗi tấn khí thải carbon không báo cáo.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các khoản tiền phạt khi CBAM được thực hiện đầy đủ sẽ ngang bằng với khoản phạt được áp dụng theo ETS.
Vangenechten nhận định, sự phức tạp của các quy định trong CBAM, cũng như cách tính toán và báo cáo lượng khí thải, cho thấy những gì EU đang cố gắng thực hiện là “siêu phức tạp” và có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nhỏ ở các nước đang phát triển.
EC lập luận rằng CBAM sẽ khuyến khích các nước khởi động các hệ thống giao dịch khí thải cùa riêng họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia gần đây tuyên bố sẽ xây dựng các thị trường giao dịch carbon.
Khánh Lan (Theo Financial Times)