Diễn đàn có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành và nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng cùng trao đổi về các cơ hội và thách thức, triển vọng đầu tư cũng như những kinh nghiệm thực tiễn khi đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình phát triển kinh tế nhưng biến đổi khí hậu và những rủi ro về môi trường đang gây ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050. Một trong các trọng tâm của chương trình hành động là phát triển năng lượng xanh, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo phát triển bền vững.
Vào trung tuần tháng 5.2023 Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió. Không gian phát triển mới của ngành năng lượng mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đặng Minh Phương – chủ tịch PHC Media, nói: “Là một tổ chức báo chí có thương hiệu quốc tế hoạt động tại Việt Nam và theo dõi sát sao cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Forbes Việt Nam tổ chức hội nghị đầu tư vào năng lượng tái tạo để cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ và trao đổi thông tin, quan điểm, hướng phát triển trong lĩnh vực này, để cùng với chính phủ góp phần giải quyết thách thức lớn trong việc cung ứng và sử dụng năng lượng của Việt Nam một cách bền vững và hiệu quả.”
Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế tự nhiên để phát triển phong điện và quang điện cũng như tiềm năng lớn về điện sinh khối từ một nước sản xuất nông nghiệp. Trong tham luận chính có chủ đề “Mỏ vàng năng lượng tái tạo”, ông Hà Đăng Sơn – phó giám đốc chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) – USAID, sẽ phác thảo bức tranh về tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như các cơ hội và thách thức.
Chính sách thí điểm khuyến khích phát triển điện mặt trời và điện gió đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất thế giới giai đoạn 2018-2022. Các đại diện trong phiên thảo luận “Kinh nghiệm từ nhà đầu tư tiên phong” cùng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ trải nghiệm đầu tư vào lĩnh vực này: Ông Supa Waisayarat – giám đốc quốc gia Việt Nam tập đoàn Super Energy; ông Phạm Đăng An – phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group; bà Nguyễn Thanh Vân – giám đốc bộ phận Kỹ thuật và Xây dựng, UPC Renewables Việt Nam và ông Đặng Quốc Toản – chủ tịch & tổng giám đốc Asia Petroleum Energy Corporation.
Quy mô hệ thống điện Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 7-8 năm tới và ước tính cần khoảng 135 tỉ đô la Mỹ để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải từ nay đến 2030. Giai đoạn 2030-2050 nguồn vốn cho phát triển lên đến 399-523 tỉ USD. Bên cạnh nguồn vốn tư nhân trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế và tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Các đại diện đến từ các nhà cấp vốn, các quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ chia sẻ góc nhìn tại phiên thảo luận “Dòng vốn quốc tế”: ông Nguyễn Thanh Phát – giám đốc điều hành SP Group; bà Anita H. Holgersen – giám đốc cấp cao Phát triển Kinh doanh năng lượng Equinor; ông Vương Thành Long – giám đốc ban Khách hàng doanh nghiệp nước ngoài BIDV và ông Tomaso Andreatta – chủ tịch tiểu ban Phát triển xanh EuroCham Việt Nam. Ông Cao Trí Dũng – trưởng phòng Phát triển kinh doanh Ecoligo điều phối cùng các diễn giả.
Phiên thảo luận trên cũng khép lại Hội nghị Năng lượng 2023 của Forbes Việt Nam. Các chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Forbes Việt Nam trong tại Diễn đàn kinh doanh sẽ diễn ra vào tháng 8/2023.
Minh Tâm