Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không phải là không tốt, nhưng nó bị hạn chế khá nhiều khi bị tuyệt đối hóa, gần như được xem là thước đo duy nhất về quy mô và tăng trưởng của nền kinh tế. Những ngành kinh tế gây ô nhiễm môi trường vẫn được đề cao trong GDP là một ví dụ về thiếu sót của chỉ tiêu này.
Trong nhiều năm qua, các báo cáo, thậm chí cả các bài viết mang tính nghiên cứu đều mặc nhiên thừa nhận tăng trưởng GDP và cơ cấu của khu vực II (các ngành công nghiệp và xây dựng) và khu vực III (các ngành dịch vụ) trong GDP cần phải tăng lên và coi đó như một sự phát triển kinh tế đúng hướng; ý tưởng trong tái cấu trúc kinh tế là cần đẩy mạnh cả khu vực II và khu vực III. Trên thực tế, Việt Nam vẫn lấy tăng trưởng và cấu trúc ngành với thứ tự ưu tiên công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp như là mục đích tối thượng của quá trình công nghiệp hóa mà không cần tính đến hậu quả về môi trường, gánh nặng nợ…
Mối liên hệ giữa ma trận ô nhiễm và cấu trúc kinh tế đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến như W. Leontief (1970, 1986), Miller và Blair (1985). Schoonbeek (1990), Ebiefung và Udo (1999), Xiaoming Pan và Steven Kraines (2001), Dobos và Floriska (2005), Yu Fan và cộng sự (2016).
Song song với Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), Liên hiệp quốc cũng đưa ra Hệ thống tài khoản kinh tế – môi trường (System of Environmental – Economic Accounts, SEEA). Nếu mô hình cân đối liên ngành truyền thống là trung tâm của SNA thì mô hình cân đối liên ngành hỗn hợp (Hybrid input – output framework) là trung tâm của hệ thống SEEA.
Tính toán từ mô hình cân đối liên ngành cho thấy nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số lan tỏa đến giá trị gia tăng thấp nhưng lại có chỉ số phát thải ra hiệu ứng nhà kính cao; nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có chỉ số lan tỏa đến giá trị gia tăng cao nhưng chỉ số phát thải ra hiệu ứng nhà kính cũng khá cao; nhóm ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa đến giá trị gia tăng cao và lan tỏa đến phát thải khí nhà kính thấp.
Xét về phía cầu, sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu lan tỏa kém nhất đến giá trị gia tăng nhưng lại gây nên phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 47,5% trong tổng phát thải khí nhà kính gây nên bởi các yếu tố của cầu cuối cùng. Điều này trái ngược với chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa cả về chính sách thuế và chính sách tín dụng. Dường như nguồn lực về vốn và nguồn lực về chính sách một lần nữa cho thấy đổ nhầm chỗ.
Đáng chú ý là, nhu cầu về năng lượng và lượng phát thải (CO2) cho một đơn vị của giá trị gia tăng đến năm 2016 của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, nhưng nếu loại phần chi phí trung gian là nhập khẩu cho sản xuất thì hệ số về nhu cầu năng lượng và phát thải CO2 của Việt Nam lại thấp hơn Trung Quốc. Phải chăng Việt Nam nhập khẩu công nghệ lạc hậu chỉ tính đến lợi nhuận mà không tính đến những ảnh hưởng về môi trường?
Như vậy, nếu Việt Nam chỉ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao mà không tính đến thay đổi cấu trúc trong nội tại mỗi ngành và cơ cấu ngành kinh tế trong tổng giá trị gia tăng, thì đến năm 2035, Việt Nam có thể sẽ là một trong những nước dẫn đầu về ô nhiễm.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính đến năm 2013 lượng phát thải khí nhà kính khoảng 293 triệu tấn, tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy lượng phát thải này đến năm 2016 đã là 423 triệu tấn. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo đến năm 2020 lượng phát thải khí nhà kính là 466 triệu tấn thì năm 2016 lượng phát thải đã là 423 triệu tấn! Tăng trưởng về khí nhà kính bình quân từ năm 2010-2022 khoảng hơn 8%, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn này (khoảng 6%)(*).
Nghiên cứu cho thấy dường như Việt Nam chưa quan tâm tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Cấu trúc kinh tế và những ưu tiên chính sách như Việt Nam đang áp dụng cho thấy nền kinh tế không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn không hiệu quả trong kinh tế.
Về phía cung: Nhóm ngành Việt Nam tự hào có tốc độ tăng trưởng cao như nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm ngành có mức lan tỏa đến thu nhập thấp trong khi lan tỏa đến nhập khẩu và phát thải ra môi trường lớn.
Về phía cầu: Các chính sách ưu tiên dường như hướng vào xuất khẩu, nghiên cứu cho thấy sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải khí nhà kính lớn nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng.
Bùi Trinh