Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023 với chủ đề “Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam: Hợp tác châu Âu – Việt Nam thúc đẩy sáng kiến xanh” diễn ra ngày 2/11 tại Hà Nội do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam không thể đi một mình khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững, bởi tuy là một nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá.
Minh chứng là Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) hướng đến các mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.
“Các định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đang được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể cùng với các phương án huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và bên ngoài nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, địa phương, người dân và doanh nghiệp” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định và nhắc lại một lần nữa, trên hành trình đi đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam không thể đi một mình.
Do vậy, Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững, đặc biệt với sự ra đời của Thoả thuận xanh của EU vào năm 2020 cùng hàng loạt các chính sách và sáng kiến hướng tới các khu vực như: Chiến lược hợp tác với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Cổng kết nối toàn cầu…, trong đó Việt Nam là đối tác ưu tiên hợp tác của EU trong các lĩnh vực như năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng,… Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng, hơn 3 năm triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), bất chấp bất ổn thị trường, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU vẫn ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tốt. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN; tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Rõ ràng đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại hai bên trong thời gian tới với đòn bảy từ EVFTA và tới đây là EVIPA, đưa mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU lên tầm cao mới với nhiều dư địa trong các lĩnh vực “xanh”, “số” và “đổi mới sáng tạo”.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt, như: Công nghiệp nền tảng (cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất, vật liệu và năng lượng), công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo…
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Đánh giá cao quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Eurocham Gabor Fluit cho biết, để hiện thực hóa những mục tiêu như: Ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030, loại bỏ than vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050… Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội.
Một dấu hiệu nổi bật của việc này là việc triển khai năng lượng xanh. Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện và hơn 1/4 sản lượng năng lượng được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu trong tương lai và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, còn rất nhiều việc phải làm.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Eurocham Gabor Fluit, sự ủng hộ của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi xanh cũng được thể hiện rõ qua việc tham gia Thỏa thuận Xanh châu Âu. Cách tiếp cận của quốc gia trong việc tuân thủ các quy định của Thỏa thuận Xanh như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và Quy định phá rừng của EU minh họa cho nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được hiệu quả tài nguyên và sự thịnh vượng. Điều này càng được củng cố bởi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, hướng tới các sản phẩm bền vững.
Tuy nhiên, bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là một sự phát triển lớn trong hành vi của người tiêu dùng.
“Những công ty nhắm mắt làm ngơ trước điều này có nguy cơ trở nên không còn phù hợp, trong khi những công ty thích ứng được sẽ tự khẳng định mình là người dẫn đầu thị trường trong tương lai. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc đón nhận sự thay đổi này là cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
Lãnh đạo EuroCham khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, điều hướng quá trình chuyển đổi này không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Nó đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ, đặc biệt là để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, triển khai công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy môi trường kinh doanh thúc đẩy đổi mới.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim” là câu tục ngữ được ông Gabor Fluit dẫn chứng, thể hiện một cách hoàn hảo ý tưởng rằng thành công thực sự đến từ sự kiên trì. Giống như một hạt giống được nuôi dưỡng sẽ phát triển thành một cái cây hùng mạnh. “Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023 sẽ hướng chúng ta tới một tương lai xanh, hiệu quả và sử dụng năng lượng sạch”, Chủ tịch Eurocham Gabor Fluit kỳ vọng.
Hoàng Hòa – Cấn Dũng