Việc xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi phải tuân theo 6 luật, 10 nghị định và quyết định, cùng 7 thông tư hướng dẫn, nhưng cuối cùng vẫn không thống nhất, dẫn tới phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Rào cản pháp lý tạo rủi ro, tăng chi phí vốn
Nhóm công tác môi trường tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023 cho rằng, các rào cản pháp lý đang tạo ra rủi ro, tăng chi phí vốn và dẫn đến mất cơ hội cho Việt Nam.
Ví dụ cụ thể tại lĩnh vực điện gió ngoài khơi, việc xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi phải tuân theo 6 luật, 10 nghị định và quyết định, cùng 7 thông tư hướng dẫn do Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành. Ủy ban nhân dân và các Sở ban ngành tương tự chịu trách nhiệm giám sát quy định ở cấp tỉnh.
Mặc dù vậy, quy trình thủ tục cấp phép và xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi vẫn chưa hoàn thiện, dẫn đến các cuộc đàm phán kéo dài và phải đưa ra quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
Các chủ đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi ước tính chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 100-150 triệu USD. Đây là khoản nợ có rủi ro cao trên bảng cân đối kế toán, trong đó lộ trình và thời gian đưa ra thị trường là những chỉ số chính về tính khả thi.
“Tiềm năng to lớn đối với điện gió ngoài khơi đã thu hút các chủ đầu tư đến với Việt Nam, nhưng nếu lộ trình đưa ra thị trường không rõ ràng hoặc quá xa vời, họ sẽ rời đi. Trong trường hợp đó, họ cũng sẽ từ bỏ luôn lời hứa về phát triển chuỗi cung ứng trong nước và đào tạo kỹ năng, cũng như cung cấp các nguồn năng lượng điện tái tạo. Đó là tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt khi không có các quy trình thủ tục hỗ trợ đầu tư vào điện gió ngoài khơi, và không có cơ chế nào để sửa đổi những quy trình hiện hành một cách có hệ thống”, báo cáo của Nhóm công tác môi trường cho biết.
Tuy nhiên, nếu thủ tục được quy định rõ ràng và thời gian đưa ra thị trường hợp lý, việc đầu tư ban đầu sẽ có thể được thực hiện, các điều khoản về vốn xây dựng sẽ phản ánh rủi ro thấp hơn, phát triển kỹ năng và chuỗi cung ứng cũng như hạ giá thành cho người tiêu dùng điện.
Việc giảm phát thải các-bon đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ từ khu vực tư nhân
Tăng trưởng kinh tế dài hạn, có khả năng chống chịu và giảm phát thải đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, Việt Nam sẽ cần khoảng 254 tỷ USD để thích ứng và 114 tỷ USD để giảm phát thải các-bon.
Sẽ ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn nếu Việt Nam có thể huy động tài chính dự án thông qua các ngân hàng nước ngoài, cơ quan tín dụng xuất khẩu, quỹ hưu trí, quỹ cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư khu vực nhà nước.
Hiện tại, vốn ngoại đang sẵn sàng chờ để vào Việt Nam chứ chưa hiện diện ở các dự án hiện hữu. Trong vài năm qua, thị trường tài chính trong nước là nguồn cung cấp gần như toàn bộ vốn cho phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Yếu tố then chốt để nhận được tài trợ cho các dự án này là khả năng tận dụng các mối quan hệ ngân hàng hiện có và tình hình tài sản, tài chính như được thể hiện qua bảng cân đối kế toán của công ty.
Một số doanh nghiệp hiện đang có tình hình tài chính rất căng thẳng. Do đó, tài chính bảng cân đối kế toán có rất ít khả năng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho quá trình chuyển đổi ngày càng tăng của Việt Nam, hiện được ước tính là 114 tỷ USD đến năm 2040.
“Việt Nam nên nhắm đến nguồn lực của khu vực tài chính nước ngoài, những lĩnh vực sử dụng nợ không truy đòi cho phép tăng trưởng cao hơn do không phụ thuộc vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Việc giảm thiểu và loại bỏ các rủi ro pháp lý, đồng thời phân bổ các rủi ro khác một cách hiệu quả sẽ giúp cho việc tài trợ trở nên khả thi với chi phí thấp hơn”, Nhóm công tác môi trường khuyến nghị.
Lam Phong