Chia sẻ tại hội nghị Quốc tế về Khí hậu, Tài chính và Phát triển bền vững (ISCFS-2024) tại Paris mới đây, GS. Ben Caldecott, Giám đốc Nhóm Tài chính Bền vững Oxford, nhấn mạnh rằng sự nóng lên toàn cầu đang cần sự vào cuộc của các tổ chức tài chính để thúc đẩy quá trình chuyển đổi khí hậu hiệu quả.
Chính sách “Net Zero” (Phát thải ròng về không) là một nỗ lực toàn cầu nhằm cân bằng lượng khí nhà kính thải ra với lượng khí được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Mục tiêu là giảm khí thải carbon xuống mức có thể được tự nhiên hấp thụ bên cạnh các biện pháp loại bỏ carbon dioxide khác. Chính sách “Net Zero” rất quan trọng vì đó là trạng thái mà sự nóng lên toàn cầu dừng lại. Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) về sự nóng lên toàn cầu gợi ý rằng mục tiêu “Net Zero” cần đạt được trước năm 2050.
Giáo sư Ben Caldecott là Giám đốc của Nhóm Tài chính Bền vững Oxford và Giáo sư Tài chính Bền vững Lombard Odier tại Đại học Oxford, Anh Quốc.
Từ năm 2022, ông giữ vai trò đồng lãnh đạo Nhóm Công tác Kế hoạch Chuyển đổi (TPT), nhóm này đã được sáp nhập vào IFRS Foundation vào tháng 10/ 2024.
Tháng 11/2024, ông trở thành Chủ tịch Nhóm Tư vấn Mạng lưới Kế hoạch Chuyển đổi Quốc tế (ITPN). ITPN được ra mắt tại COP29 nhằm hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu về kế hoạch chuyển đổi do khu vực tư nhân xây dựng và thúc đẩy chính sách khí hậu.
Quá trình chuyển đổi khí hậu toàn cầu
Tại hội nghị ISCFS-2024, trong phần bàn tròn thảo luận chính sách về chủ đề “Chuyển đổi Công bằng, Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng”, Giáo sư Ben Caldecott đã nêu bật vai trò then chốt mà các tổ chức tài chính sẽ cần đảm nhận trong quá trình chuyển đổi khí hậu toàn cầu để đạt được mục tiêu phát thải ròng về không.
Đối với các doanh nghiệp, GS. Ben Caldecott khẳng định rằng nếu bản thân các doanh nghiệp không đạt được và duy trì mục tiêu Net Zero, xã hội sẽ không thể đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 (COP21). Do vậy, để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện vai trò của mình, chúng ta phải làm rõ hơn về các nghĩa vụ của họ và cách các nghĩa vụ này liên quan đến vai trò của các tổ chức tài chính và các bên liên quan khác bao gồm cả các chính phủ.
Tốc độ mà một doanh nghiệp có thể giảm phát thải carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính khả thi về mặt kinh tế, sự sẵn có của các công nghệ mới và điều kiện thị trường. Ngoài ra, quá trình giảm phát thải carbon của các doanh nghiệp còn bị phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bền vững. Các quy định hợp lý từ chính phủ và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ giảm phát thải carbon của doanh nghiệp, trong khi môi trường chính sách không nhất quán hoặc thiếu rõ ràng sẽ làm chậm quá trình này.
Đối với các tổ chức tài chính, ông nhấn mạnh rằng các tổ chức tài chính có vị trí quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi khí hậu bằng cách cung cấp vốn và dịch vụ tài chính thiết yếu cho các doanh nghiệp. Họ không chỉ là nhà đầu tư mà còn là người giám sát hành vi của các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nỗ lực giảm phát thải carbon của họ.
Lộ trình chuyển đổi
Một điểm quan trọng từ bài phát biểu của GS. Ben Caldecott là tầm quan trọng của các kế hoạch chuyển đổi khí hậu toàn diện. Các kế hoạch này nên được tích hợp vào chiến lược tổng thể của một tổ chức, chi tiết các mục tiêu cụ thể, hành động và nguồn lực cần thiết để đạt được cả việc giảm phát thải. Giáo sư Ben Caldecott nhấn mạnh rằng các kế hoạch này phải vừa đảm bảo tính tham vọng và khả thi, với các cơ chế trách nhiệm rõ ràng để đảm bảo tiến độ.
Các tổ chức tài chính phải đặt ra các mục tiêu thực tế, thực hiện các bước hành động có thể thực hiện được và thiết lập các khung trách nhiệm mạnh mẽ. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng tính “bền vững” không chỉ là một từ thông dụng mà là một mục tiêu cụ thể được tích hợp vào các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Có hai lộ trình chuyển đổi khí hậu toàn diện.
Thứ nhất, để đảm bảo tính tin cậy của các kế hoạch chuyển đổi, điều quan trọng là phải có các lộ trình Net Zero theo ngành có tham vọng cao nhưng thực tế. Cần đánh giá liệu các doanh nghiệp có đang giảm phát thải carbon với tốc độ tham vọng nhưng có thể đạt được hay không. Tiếp theo, cần cập nhật thường xuyên để xem liệu doanh nghiệp có đang tiến hành nhanh nhất có thể một cách hợp lý không.
Thứ hai, chúng ta cần có các lộ trình tổng thể, từ trên xuống dưới, phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C, với nỗ lực hạn chế mức tăng lên 1,5°C. Điều này giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá khoảng cách giữa tiến độ hiện tại và những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (COP21).
Nếu thiếu cả hai lộ trình này, sẽ rất khó để giữ các doanh nghiệp chịu trách nhiệm hoặc đánh giá đóng góp của họ đối với các mục tiêu khí hậu. Khi ngân sách carbon thu hẹp lại, khoảng cách giữa hai lộ trình này sẽ ngày càng lớn, khiến việc làm rõ các lộ trình được sử dụng để đánh giá tiến độ trở nên cực kỳ quan trọng.
Khung pháp lý
Ông kêu gọi các trách nhiệm pháp lý mới cho các doanh nghiệp để đạt được mức phát thải ròng bằng không càng nhanh càng tốt. Các nhiệm vụ này nên được tích hợp vào quản trị doanh nghiệp và được hỗ trợ bởi các chính sách và quy định toàn diện ở các cấp độ quản lý địa phương, quốc gia và quốc tế. Các khung pháp lý như vậy sẽ cung cấp cấu trúc và động lực cần thiết để các doanh nghiệp nhằm ưu tiên tính bền vững.
Ben Caldecott nhấn mạnh rằng cần có các nghĩa vụ pháp lý mới đối với các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu Net Zero nhanh nhất và hợp lý. Các nghĩa vụ này có thể được tích hợp vào các khuôn khổ pháp lý hiện có, chẳng hạn như Luật Công ty Vương quốc Anh, và mở rộng ra các khu vực pháp lý khác. Khái niệm về sự hợp lý đã được xác lập rõ ràng trong luật.
Trong bối cảnh giảm phát thải carbon, điều này có nghĩa là công ty phải hành động một cách cẩn trọng và tỉ mỉ trong việc giảm phát thải, đồng thời xem xét các tình huống cụ thể, đặc điểm ngành và điều kiện thị trường của mình. Những gì được coi là hợp lý sẽ thay đổi khi các công ty tích lũy kinh nghiệm, công nghệ mới, mức độ tham vọng của các chính sách, và môi trường kinh tế thay đổi.
Ngoài ra, việc kết hợp các nỗ lực hợp lý ở cấp công ty sẽ không được mâu thuẫn với các nghĩa vụ của khác của giám đốc doanh nghiệp. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, các giám đốc bị ràng buộc bởi Luật Công ty năm 2006 phải thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp, và xem xét các yếu tố như hậu quả lâu dài, lợi ích của nhân viên và tác động môi trường. Tiêu chuẩn nỗ lực hợp lý để đạt được mục tiêu Net zero nhanh nhất có thể cần phải phù hợp với các nghĩa vụ khác này.
Hướng về tương lai
Hành trình hướng tới tính bền vững đầy thách thức, đặc biệt là trong việc cân bằng khả năng kinh tế với trách nhiệm môi trường. Các tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc giảm rủi ro đầu tư và đảm bảo phân bổ vốn hiệu quả. Sự hợp tác giữa khu vực công và tư là cần thiết để thúc đẩy thay đổi hệ thống và vượt qua những thách thức này.
Nhìn về phía trước, GS. Ben Caldecott kêu gọi chuyển từ các cam kết tự nguyện sang các hành động khí hậu bắt buộc. Các tổ chức tài chính nên làm gương, tích hợp các yêu cầu chuyển đổi khí hậu vào hoạt động của họ và vận động cho việc áp dụng rộng rãi hơn trong các ngành công nghiệp. Sự chuyển đổi này là cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu được đặt ra trong các thỏa thuận quốc tế.
Kết luận, bài phát biểu của GS. Ben Caldecott mạnh vai trò then chốt của các tổ chức tài chính trong quá trình chuyển đổi khí hậu. Bằng cách tích hợp tính bền vững vào chiến lược và hoạt động của họ, các tổ chức này có thể thúc đẩy tiến bộ đáng kể hướng tới một nền kinh tế toàn cầu bền vững và kiên cường hơn. Lời kêu gọi hành động là rõ ràng: Các tổ chức tài chính phải dẫn đầu trong việc chuyển đổi hệ thống kinh tế của chúng ta để đáp ứng các yêu cầu cấp bách của biến đổi khí hậu.
Diễn ra trong hai ngày 21 và 22 tháng 11 năm 2024, Hội nghị Quốc tế về Khí hậu, Tài chính và Phát triển Bền vững (ISCFS-2024) tại thủ đô Paris, Pháp được đồng tổ chức bởi Tổ chức các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global), Trường Kinh doanh EMLV, Đại học Paris Dauphine, Khoa Kinh tế đất đai – Đại học Cambridge và Đại học Paris-Saclay. Hội nghị đã quy tụ các nhà khoa học, quản lý, và hoạch định chính sách từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 4 châu lục để cùng nhau thảo luận chuyên sâu về các giải pháp tài chính cho phát triển bền vững. Hội nghị có 78 bài tham luận, 20 phiên họp cùng các bài giảng chính và thảo luận bàn tròn.
Hội nghị ISCFS-2024 diễn ra cùng thời điểm với Hội nghị Thượng đỉnh COP29 tại Baku, Azerbaijan, nơi các nhà lãnh đạo thế giới, các chuyên gia khí hậu và các nhà hoạt động đang tụ họp để đàm phán và thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu. Các kết quả từ COP29 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con đường phía trước của tất cả các quốc gia. Các cuộc thảo luận từ hội nghị ISCFS-2024 hy vọng bổ sung thêm vào các nỗ lực toàn cầu bằng cách tập trung vào mối liên hệ giữa chính sách khí hậu, phát triển kinh tế và công bằng xã hội.
TS. Thảo Nguyễn – Giảng viên cao cấp về Tài chính – Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh; Phó Giám đốc Mạng lưới Phát triển đô thị bền vững (SudNet), AVSE Global, Pháp