Ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất mà các thành phố lớn trên thế giới phải đối mặt, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, đang chịu áp lực nặng nề từ tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo số liệu từ các tổ chức nghiên cứu môi trường, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các thành phố này thường xuyên vượt mức an toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM chủ yếu đến từ giao thông, công nghiệp và các hoạt động xây dựng. Hàng triệu xe máy, ô tô lưu thông mỗi ngày tại các thành phố này là nguồn phát thải lớn các chất ô nhiễm như CO, NO2 và bụi mịn PM2.5.
Bên cạnh đó, các nhà máy, khu công nghiệp với công nghệ lạc hậu cũng đóng góp một phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm. Các hoạt động xây dựng, đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cũng tạo ra lượng bụi và khí thải đáng kể.
Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, mà còn tác động xấu đến tim mạch và hệ thần kinh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi ô nhiễm không khí.
Do đó, chuyên gia cho rằng, Hà Nội và TP.HCM cần ban hành và thực thi lộ trình giải pháp giảm ô nhiễm không khí, để đưa chỉ số chất lượng không khí về mức không có hại cho sức khoẻ cộng đồng.
Về lộ trình, trước tiên, hai thành phố cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và thuận tiện. Theo đó, cầm đầu tư vào việc mở rộng mạng lưới xe buýt, xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe đạp, xe điện. Ngoài ra, cũng nên đưa ra các chính sách ưu đãi, giảm giá vé cho người dân khi sử dụng phương tiện công cộng.
Hai thành phố cần đẩy nhanh việc thiết lập và nâng cao tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông và nhà máy công nghiệp. Việc kiểm tra định kỳ khí thải của xe cộ và các cơ sở sản xuất phải được thực hiện nghiêm ngặt. Đối với các xe cũ, không đạt tiêu chuẩn, cần có chính sách khuyến khích người dân thay thế bằng các phương tiện mới, ít gây ô nhiễm hơn.
Cùng với đó, hai thành phố hành phố cần lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng không khí tại nhiều điểm, từ đó cung cấp thông tin kịp thời cho người dân về tình trạng không khí. Đồng thời, các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường cũng cần được thực thi mạnh mẽ.
Song song, là đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch. Việc chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió sẽ góp phần giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Cuối cùng giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí và các biện pháp bảo vệ môi trường. Các chương trình truyền thông, giáo dục môi trường nên được triển khai rộng rãi trong cộng đồng, từ trường học đến các tổ chức xã hội. Việc nâng cao ý thức của người dân sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi gây ô nhiễm.
Việc ban hành và thực thi lộ trình giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Chỉ khi tất cả các bên cùng hợp tác và hành động quyết liệt, chúng ta mới có thể đưa chỉ số chất lượng không khí về mức an toàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
H.A