Kế hoạch của hãng máy in Nhật Bản buộc mọi người nhớ đến lệnh cấm tiêu hủy giày dép, quần áo không bán được của EU có hiệu lực từ cuối năm 2025. Theo hãng nghiên cứu MarketsandMarkets của Ấn Độ, thị trường hàng dệt may tái chế sẽ đạt trị giá 9,4 tỉ đô la vào năm 2027, tăng gần 40% so với năm 2022.
Công nghệ mới giúp Seiko Epson có nguồn thu mới
Công nghệ tái chế quần áo thông thường là dùng máy cắt có lưỡi quay tròn để tách sợi và cần lượng lớn bông nguyên liệu tươi để duy trì độ bền. Công nghệ này đạt tỷ lệ thu hồi sợi chỉ khoảng 10%. Phương pháp mới của Seiko Epson được cho là có thể thu hồi hơn 50% sợi, nhưng công ty đặt mục tiêu cuối cùng là sẽ thu hồi 100%.
Máy tái chế khô sẽ phân hủy vải trước khi kết hợp lại bằng cách ép lớp bột vải – giống như bột giấy – thành một loại nỉ mỏng. Quy trình chỉ sử dụng một lượng nước rất nhỏ, đặc biệt là so với các quy trình tái chế truyền thống trước đây tốn nhiều nước.
Seiko Epson đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dệt may Hồng Kông vốn có công nghệ kéo sợi tiên tiến. Trung tâm này có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tập đoàn thời trang nhanh toàn cầu, bao gồm cả sự hỗ trợ tài chính từ hãng H&M của Thụy Điển.
Seiko Epson sẽ tận dụng mối quan hệ của trung tâm để phát triển kênh bán hàng cho các nhà sản xuất thời trang trên toàn thế giới.
Loại vải tái chế được in với máy in kỹ thuật số của Seiko Epson có hoạt tiết và màu sắc tươi tắn, sắc nét. Doanh thu của Seiko Epson từ thiết bị văn phòng chủ lực đang có xu hướng giảm do nhu cầu giấy giảm. Để tìm nguồn doanh thu mới, hãng đặt mục tiêu phát triển các hoạt động kinh doanh mới với quy mô doanh thu 10 tỉ yen (67,9 triệu đô la) vào năm 2025.
Hâm nóng “vấn đề của tương lai”
Theo Nghị viện Châu Âu, sản lượng quần áo toàn cầu đạt 109 triệu tấn vào năm 2020, tăng mạnh từ mức 58 triệu tấn năm 2000 và dự kiến sẽ tăng lên 145 triệu tấn vào năm 2030. Ngoài việc tiêu thụ nước trong sản xuất nguyên liệu thô như bông và cây gai dầu, một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch cũng được sử dụng trong sản xuất quần áo. Thời trang nhanh ngày càng bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí bị tẩy chay bởi lối sản xuất và tiêu thụ gây lãng phí tài nguyên và năng lượng.
Hôm 5/12/2023, EU đã công bố một thỏa thuận tạm thời cấm tiêu hủy giày và hàng dệt may tồn kho. Thỏa thuận này sẽ thành lệnh cấm chính thức, có hiệu lực hai năm sau khi được thông qua. Các oanh nghiệp nhỏ sẽ được loại trừ khỏi lệnh cấm. Các doanh nghiệp cỡ trung bình có tổng số nhân viên dưới 250 người và doanh thu hàng năm thấp hơn 50 triệu euro, sẽ được miễn trừ trong sáu năm. Lệnh cấm có thể mở rộng đến những sản phẩm khác, bên cạnh quần áo và giày dép.
Giới phân tích cho rằng quy định mới của EU sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh, vốn có tác động nghiêm trọng tới môi trường. Theo EU, ngành dệt may có tác động lớn thứ tư đối với môi trường và biến đổi khí hậu chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông.
Hàng năm, tại EU ước tính có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị tiêu hủy, tương đương 11 kg trên một người. Phần lớn những hàng loại bỏ này sẽ được đưa vào bãi chôn lấp hoặc đốt cháy ở những nước kém phát triển ở châu Phi hay châu Á.
Quy định mới của EU sẽ thiết lập tiêu chuẩn cụ thể cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng vòng đời sản phẩm. “Các sản phẩm có tác động lớn”, bao gồm đồ nội thất, giường ngủ, quần áo và đồ điện tử sẽ được ưu tiên. EU cũng buộc các sản phẩm phải có “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số”, có thể là mã QR, nhằm giúp người mua đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi mua hàng.
Toàn cầu chống rác thải từ thời trang nhanh
Hành động của EU đã lan tỏa toàn cầu.
Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nhật Bản thảo luận bộ quy tắc để giảm thiểu chất thải. Đến tháng 9-2023, chính phủ ra báo cáo ghi nhận vấn đề và các các biện pháp tái chế và tái sử dụng quần áo.
Các doanh nghiệp Nhật đang nỗ lực cải thiện hiệu suất tái chế, tái sử dụng. Nhà điều hành Fast Retailing của thương hiệu Uniqlo đã hợp tác với hãng vật liệu Toray thu gom lông vũ và lông tơ bị loại bỏ hay làm sạch từ áo khoác đã qua sử dụng được thu gom ở cửa hàng. Hai loại lông này được làm sạch, tái chế thành áo khoác lông vũ năm 2020. Phương pháp này được cho là giúp giảm 20% lượng khí thải carbon dioxide từ quá trình sản xuất.
Patagonia, nhà cung cấp bàn ghế, thiết bị ngoài trời của Mỹ, có kế hoạch sản xuất tất cả sản phẩm của mình từ vật liệu tái chế và có nguồn gốc môi trường vào năm 2025. H&M có kế hoạch thực hiện điều này vào năm 2030.
Tuy nhiên, hàng tồn kho đang là gánh nặng với nhà bán lẻ. Theo Eluxe Magazine, việc loại bỏ hoặc lưu trữ hàng tồn kho tiêu tốn của các nhà bán lẻ Mỹ khoảng 50 tỉ đô la mỗi năm. Trên quy mô toàn cầu, chi phí này còn lớn hơn rất nhiều.
Bridget Veals, Tổng Giám đốc ngành quần áo, giày dép và phụ kiện nữ của cửa hàng bách hoá cao cấp David Jones tại Úc, cho biết công ty đang thực hiện cách quản lý chặt hơn khi mua hàng, lưu giữ hàng tồn nhằm giảm lượng quần áo dư thừa cuối mùa. Chẳng hạn, số hàng tồn kho sẽ được phân loại thành các nhóm: một số chuyển đến các tổ chức từ thiện, số khác được đưa đến cửa hàng cho thuê.
Một số thương hiệu có hàng tồn có thể chọn bán giảm giá ở kho hoặc cửa hàng riêng, hoặc ký gửi các nền tảng trực tuyến. Nhà thiết kế có thể tận dụng các vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại để tái chế. Thay vì đốt vải cũ, tập đoàn xa xỉ Kering quyết định quyên tặng vải cho các nhà thiết kế có triển vọng. Tập đoàn xa xỉ LVMH cũng hợp tác với WeTurn để thu gom quần áo và nguyên liệu không bán được để tái chế thành sợi và vải mới.
Các tập đoàn như Kering hay đối thủ là LVMH cũng chú trọng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý tốt hơn nguồn hàng. Ngoài việc thay đổi cách quản lý nguồn hàng, các thương hiệu cũng có những giải pháp khác để xử lý hàng tồn. Ngoài việc bán cho khách hàng với giá rẻ, họ chọn để lại cho nhân viên với mức giá tốt.
Các tập đoàn thời trang lớn đều có đông đảo nhân viên. Chẳng Kering là 38.000 người, LVMH có đến 150.000 người. Một số thương hiệu cải tiến nền tảng mua sắm trực tuyến bằng cách cho phép đặt hàng trước và sản xuất theo nhu cầu giúp giảm lãng phí.
Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia, PrintWeek, Eluxe Magazine, SMH)