Mặc dù sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo là một tin tuyệt vời cho các mục tiêu khử cacbon của Trung Quốc, nhưng nó đang gây căng thẳng cho lưới điện và thị trường năng lượng, thậm chí dẫn đến giá năng lượng âm định kỳ ở một số khu vực, nhà báo Hayley Zaremba – người phụ trách chuyên mục của tờ OilPrice nhận xét.
Mặt trời và gió là những nguồn năng lượng thay đổi, nghĩa là mức độ sản xuất điện của chúng dao động tùy theo thời tiết, thời gian trong ngày và các mùa theo những cách không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được.
Điều này đặt ra thách thức trong việc cân bằng dòng năng lượng vào và ra khỏi lưới điện, vì việc sản xuất điện gió và mặt trời không thể kiểm soát để phù hợp với nhu cầu năng lượng, không giống như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Đây là lúc việc lưu trữ năng lượng phát huy tác dụng. Công nghệ lưu trữ thu thập và tích lại phần dư thừa khi nguồn cung năng lượng tái tạo vượt quá nhu cầu và sau đó trả lại cho lưới điện khi nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp.
Điều này giúp ổn định dòng năng lượng ra vào mạng lưới và cũng giảm thiểu sự biến động của thị trường thông qua một quá trình được gọi là chênh lệch giá.
Tuy nhiên Trung Quốc đang hụt hơi trong việc lưu trữ năng lượng. Tổng công suất điện suất gió và mặt trời ở nước này đã vượt quá 1.200 gigawatt, trong khi công suất pin lưu trữ lắp đặt chỉ đạt 44 gigawatt.
Dung lượng lưu trữ ngày càng tăng nhưng không đủ nên hiện tại toàn bộ hệ thống điện của Trung Quốc đang đứng trước bờ vực khó khăn, do sự gia tăng đột biến của những nguồn năng lượng tái tạo.
Theo các chuyên gia, không nơi nào trên thế giới sự tăng trưởng siêu nhanh của năng lượng tái tạo mang tới nhiều nguy hiểm hơn ở Trung Quốc – nơi những tiến bộ về sản xuất điện gió và mặt trời đe dọa làm quá tải lưới điện, gây suy yếu an ninh năng lượng quốc gia và có khả năng khiến những thay đổi mang tính cách mạng này trở nên kém hiệu quả.
Bạch Dương (Theo OilPrice)