Tăng tốc lên Net Zero – Góc nhìn đa chiều từ châu Phi và thế giới:
Theo Tổ chức Tài chính Allianz (có trụ sở tại Đức): Châu Phi là tâm điểm của cuộc khủng hoảng khí hậu. Mặc dù châu lục này đóng góp ít nhất vào sự nóng lên toàn cầu, nhưng lại phải gánh chịu những tác động và tổn thất cao nhất. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh là cơ hội có một cho sự phát triển của châu Phi, giúp giảm nghèo và nâng cao tiềm năng tăng trưởng. Allianz đã công bố một báo cáo về quá trình chuyển đổi số 0 ròng ở châu Phi, vai trò của đầu tư tư nhân vì một tương lai sạch của châu Phi, năng lượng là chất xúc tác cho bất kỳ sự phát triển nào và hydro là nguồn năng lượng xanh cần thiết.
Trên toàn cầu, cũng như đặc biệt đối với châu Phi, việc đặt biến đổi khí hậu làm trung tâm của phát triển kinh tế sẽ cho phép thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng và hợp lý. Nam Phi là một ví dụ.
Tiến sĩ Crispian Olver – Giám đốc điều hành của Ủy ban Khí hậu của Tổng thống Nam Phi (SACC) cũng lưu ý tình thế tiến thoái lưỡng nan của Nam Phi trong chiến lược Net Zero của họ – nơi thành công phụ thuộc vào kế hoạch đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của quốc gia. Cuộc khủng hoảng năng lượng của Nam Phi – nơi mà Công ty Điện lực Eskom trong những tháng qua đã không thể sản xuất đủ điện cho nhu cầu đất nước đã gây ra cuộc tranh luận xung quanh các nguồn năng lượng thay thế tại một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi này.
SACC thừa nhận rằng: Nam Phi đã trở nên dễ bị tổn thương hơn trước đòi hỏi phải giảm nhẹ biến đổi khí hậu, với những cú sốc ở hạ nguồn được cảm nhận trên khắp đất nước, bao gồm mất 50% giá trị xuất khẩu, hơn 1 triệu việc làm bị cắt giảm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 15%.
SACC đề xuất ưu tiên ngay lập tức dành nguồn lực cho quá trình khử cacbon thông qua cải cách hệ thống. Ví dụ, tăng cường công suất điện gió, mặt trời sẽ giúp hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng của Nam Phi. Các doanh nghiệp vẫn là cốt lõi của cuộc tranh luận về Net Zero và khử cacbon, với các mô hình tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi, hay “sự cam kết, hợp tác, đổi mới của tất cả các ngành, các doanh nghiệp và người dân đóng vai trò quan trọng”.
Theo Allianz: Để gặt hái cơ hội, có các đòn bẩy cần thực hiện: Tăng cường ổn định chính trị, pháp quyền, giảm rủi ro dự án bằng cách áp dụng tài chính kết hợp và xây dựng các chiến lược năng lượng xanh rõ ràng được hỗ trợ bởi các kế hoạch chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế với các lộ trình cụ thể theo ngành.
Đầu tiên, năng lực sản xuất điện của châu Phi sẽ phải tăng gấp 10 lần vào năm 2050, cần đầu tư 110 tỷ USD mỗi năm ngay từ năm 2030, sau đó sẽ cần tăng lên 190 tỷ USD vào năm 2050 để đáp ứng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C.
Thứ hai, nhu cầu đầu tư hàng năm vào thị trường hydro châu Phi sẽ phải đạt 2 – 3 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và 4 – 9 tỷ USD vào năm 2050. Các quốc gia châu Phi có sự kết hợp đầy hứa hẹn giữa các nguồn tài nguyên, khả năng tiếp cận ven biển và vị trí thuận lợi, định vị lục địa này là một trung tâm tiềm năng cho nền kinh tế toàn cầu dựa trên hydro.
Dự tính các khoản đầu tư vào hydro ở Nigeria sẽ cao hơn đáng kể so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác ở châu Phi và sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2040.
Cập nhật một số dự án năng lượng tiêu biểu đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư tại châu Phi:
1/ Trang trại gió lớn nhất của Nam Phi lên kế hoạch xây dựng tại Mpumalanga:
Ngoài dự án năng lượng gió hồ Turkana (LTWP) ở Kenya với 365 tua bin có cánh quạt dài 52 mét, vốn đầu tư 775 triệu USD đã được đưa vào hoạt động cuối tháng 7/2019, giờ đây, châu Phi lại có thêm một dự án điện gió lớn khác. Đó là trang trại gió lớn dự kiến sẽ xây dựng tại Mpumalanga, Nam Phi, công suất 155 MW giai đoạn đầu trên tổng công suất 900 MW.
Đầu tháng 2/2023, Seriti Green – hãng cung cấp năng lượng sạch Nam Phi đã ký thỏa thuận mua bán điện (PPA) với Seriti Resources có thời hạn 20 năm và dự kiến sẽ cung cấp 75% nhu cầu điện cho các mỏ than Mpumalanga của Seriti Resources với chi phí thấp hơn đáng kể so với điện từ Eskom. Nguồn điện này đến từ nhà máy điện gió 155 MW ở Mpumalanga – dự án điện gió lớn nhất ở Nam Phi sẽ khởi động ngay trong năm 2023 này.
Thông báo này được đưa ra chưa đầy 6 tháng, sau khi Seriti Resources – một trong những công ty khai thác than lớn nhất Nam Phi tuyên bố mua lại Windlab và ra mắt Seriti Green. Theo các điều khoản đã ký trong PPA, dự án Mpumalanga có vốn đầu tư trên 4 tỷ Rand Nam Phi (200 triệu USD). Công suất giai đoạn đầu của dự án là 155 MW, trong tổng 900 MW mà Seriti Green đặt mục tiêu xây dựng trong ba năm tới, với chi phí ước tính là 25 tỷ Rand (1,25 tỷ USD).
Khoảng 1,5 tỷ Rand trong chi phí 4 tỷ Rand cho giai đoạn 1 sẽ tài trợ cho nhu cầu cơ sở hạ tầng lưới điện của dự án. Khoảng một nửa cơ sở hạ tầng truyền tải này sẽ do Seriti Green sở hữu và bảo trì, trong khi nửa còn lại sẽ tạo thành một phần của lưới điện quốc gia Eskom.
2/ Những dự án năng lượng mặt trời ở châu Phi đang được xây dựng:
Dự án nhà máy quang điện mặt trời, vốn đầu tư 53,7 triệu USD của công ty Ergon Solair châu Phi sẽ được xây dựng tại hạt Kisumu ở Kenya.
Giấy phép được cấp bởi Ủy ban Điều tiết Năng lượng của Kenya, dự án nằm trên mặt bằng hơn 100 ha đất ven đường ở địa phương Kibos. Theo các thỏa thuận đã ký với chính quyền Kenya, điện do nhà máy điện mặt trời tạo ra sẽ được bán cho Công ty Điện lực Kenya (KPLC) thuộc sở hữu nhà nước theo hỏa thuận mua bán điện (PPA).
Còn nhà máy điện mặt trời Sheikh Mohammed Bin Zayed (SMBZ) ở Togo hiện đang được mở rộng từ 50 lên 70 MW và một hệ thống pin lưu trữ để đáp ứng nhu cầu điện vào ban đêm, được khởi công đầu tháng 3/2023 vừa qua. Dự án có vốn đầu tư 25 triệu USD vay của Abu Dhabi, thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
3/ Dự án sản xuất hydro xanh tại Ai Cập:
Trang tin Plantandequipment.new (PEN) vừa công bố danh sách những siêu dự án sẽ được xây dựng tại châu Phi (từ tháng 9/2022). Đứng đầu danh sách là dự án nhà máy sản xuất hydro xanh tại Ai Cập với vốn đầu tư dự kiến trên 4 tỷ USD. Dự án do Cơ quan Năng lượng Mới và Tái tạo (NREA) Ai Cập làm chủ đầu tư.
Alfanar Construction của Ả Rập Saudi gần đây đã ký biên bản ghi nhớ với Cơ quan quản lý chung của Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZONE), Quỹ đầu tư nhà nước của Ai Cập (TSFE), Công ty truyền tải điện Ai Cập (EETC) và Cơ quan năng lượng mới và tái tạo NREA cùng nhau xây dựng dự án nói trên, đặt tại Sokhna, Ai Cập.
Đồng thời trong khu Kinh tế Suez, Công ty Hassan Allam Utilities (của Ai Cập) và Masdar (của UAE) đặt mục tiêu thành lập một cơ sở sản xuất hydro xanh và amoniac, sẽ hoạt động vào năm 2026, sản xuất 100.000 tấn e-methanol hàng năm để cung cấp nhiên liệu trong khu vực kênh đào Suez. Cơ sở điện phân tại Khu kinh tế Kênh đào Suez có thể được mở rộng lên tới 4 GW vào năm 2030 để sản xuất 2,3 triệu tấn amoniac xanh để xuất khẩu, cũng như cung cấp hydro xanh cho các ngành công nghiệp địa phương.
Masdar và Hassan Allam Utilities coi Ai Cập là trung tâm sản xuất hydro xanh, nhắm đến thị trường nhiên liệu, xuất khẩu sang châu Âu và thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương. Theo thỏa thuận, nhà máy sản xuất hydro xanh sẽ được xây dựng với công suất hàng năm là 20.000 tấn, có thể mở rộng lên tới 220.000 tấn mỗi năm.
4/ Dự án Thủy điện Mendaia của Ethiopia:
Dự án Thủy điện Mendaia của Ethiopia có vốn đầu tư trên 2,7 tỷ USD, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Ethiopia (Ethiopian Electric Power). Mendaia có công suất 2.000 MW được lên kế hoạch xây dựng trên sông Abay (Nile), Ethiopia.
Dự án hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo khả thi. Việc xây dựng có thể sẽ bắt đầu vào năm 2027 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại vào năm 2031.
Khắc Nam – chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam
(Theo: AC/CTC/NEWS24/APC/PEN – 4/2023)
Link tham khảo:
1. https://www.allianz.com/en/press/news/commitment/environment/221116_Allianz-Africas-journey-to-net-zero-USD-7-trillion-just-for-energy.html
2. https://www.carbontrust.com/news-and-insights/news/accelerate-to-net-zero-a-view-from-africa
3. https://www.news24.com/fin24/companies/sa-largest-wind-farm-planned-for-mpumalanga-20230202
4. https://www.ameapower.com/president-of-togo-breaks-ground-on-west-africas-largest-solar-plant/
5. https://www.plantandequipment.news/news/projects/latest-africa-mega-projects-from-september-and-october-2022/
[ Kỳ 1: Kịch bản và một số dự án năng lượng tiêu biểu ở châu Âu ]
[ Kỳ 2: Hoa Kỳ, Trung Quốc ưu tiên đầu tư nguồn điện lớn ]
[ Kỳ 3: Cập nhật một số dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á ]