Tại Diễn đàn Cấp cao về chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam diễn ra chiều ngày 28/10 tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc trong khuôn khổ chuỗi sự kiện nhân dịp khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – NIC Hoà Lạc và Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023), nhiều ý kiến cho rằng, chuyển dịch xanh đang là xu thế tất yếu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Diễn đàn là sự kiện hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh mạnh mẽ để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Cơ hội tạo bước ngoặt đạt cam kết Net Zero
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo đánh giá gần đây của Ủy ban Châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Tại Mỹ, kinh tế xanh tạo việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, đóng góp vào GDP tương đương 1.300 tỷ USD/năm; với các nước OECD, con số này là 17,5 triệu lao động, tương đương 2.900 tỷ USD/năm. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh/sạch, nông nghiệp thông minh, đô thị – công trình xanh, tài chính xanh…
“Với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hiện thực hoá cam kết mang tính bước ngoặt của Việt Nam về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với những nỗ lực trong hồi phục kinh tế sau đại dịch, Việt Nam hiện đang được đánh giá cao với quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 trong ASEAN, quy mô FDI trên 445 tỷ USD, độ mở nền kinh tế trên 200%, vị thế địa chính trị ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.
Trong vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, xác định rõ tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững. Đồng thời, tăng trưởng xanh cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đạt được mục tiêu tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 – 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40 – 50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa.
“Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhận định và cho biết, tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 và Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), phát triển sản xuất và ứng dụng hydrogen trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, sản xuất điện và các nguồn năng lượng xanh được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở cả cấp quốc gia và cấp ngành vào năm 2050.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Các quốc gia điển hình và đi đầu như: EU, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. EU tập trung phát triển hydrogen xanh và đặt mục tiêu đạt 13 – 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050. Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển hydrogen sạch, bao gồm cả hydrogen xanh và hydrogen lam, với mục tiêu đạt lần lượt là 10% và 33% cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050. Mới đây, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược phát triển hydrogen với mục tiêu đạt 10 triệu tấn hydrogen sạch/năm vào năm 2030 để loại bỏ các-bon trong các lĩnh vực sản xuất amoniac và lọc dầu, và tăng lên 50 triệu tấn/năm để mở rộng phạm vi ứng dụng hydrogen vào năm 2050.
Nhiều chuyên gia tại Diễn đàn cho biết, Việt Nam đang có cơ hội tốt thúc đẩy phát triển hydrogen xanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững ngành năng lượng cũng như nền kinh tế đất nước.
Lên kế hoạch thúc đẩy hiện thực hoá cơ hội
Nhằm nắm bắt cơ hội thúc đẩy chuyển dịch xanh, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, trên cơ sở Quy hoạch năng lượng quốc gia và chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Chiến lược năng lượng hydrogen sẽ bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình, các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.
Khuyến nghị với Việt Nam, tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này cho rằng, Việt Nam đã có chiến lược rõ ràng, nhưng đang thiếu yếu tố khả thi để phát triển hydrogen xanh. “Nếu nói đến năm 2030, tôi cho rằng chúng ta cần phải tập trung vào yếu tố công nghệ, chẳng hạn thiết bị điện phân, bởi sản xuất hydrogen xanh không chỉ đơn giản là đưa nước vào để tạo năng lượng xanh mà nó còn là xây dựng cả chuỗi giá trị”, chuyên gia khyến nghị.
Ông Asheeshs Sastry, Đối tác cấp cao, Giám đốc năng lượng châu Á – Thái Bình Dương BCG cho rằng, để phát triển được hydrogen xanh, Việt Nam cần có thị trường trong nước đủ mạnh, nếu không có thị trường trong nước đủ mạnh thì khó mà xuất khẩu được hydrogen xanh trong tương lai.
Chia sẻ kinh nghiệm của SK, bà Joung Lee – Trưởng nhóm Kinh doanh toàn cầu Hydrogen của Tập đoàn SK cho biết, hydrogen xanh là năng lượng của tương lai. Muốn thu hút đầu tư vào ngành năng lượng này thì cần có cơ chế, chính sách cởi mở và hành lang pháp lý sẽ giúp quá trình thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này dễ dàng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để tiến trình “hydrogen hóa” diễn ra một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần sự chuẩn bị và trang bị kỹ càng về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao để tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh; đồng thời, không ngừng học hỏi và cập nhật kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đi trước để tối ưu hóa trong nghiên cứu và thử nghiệm, đạt hiệu quả cao trong quá trình đổi mới sáng tạo.
“Tôi tin rằng, diễn đàn cấp cao ngày hôm nay sẽ đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động nghiên cứu, đầu tư hợp tác sản xuất, kinh doanh trong ngành năng lượng sạch mà Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị; từ đó đóng góp vào việc tăng cường hợp tác giữa các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với các tổ chức về năng lượng sạch và khí hậu, các viện nghiên cứu và trường đại học; các quỹ đầu tư, quỹ tài chính – khí hậu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc chuyển dịch năng lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng.
Việt Anh