Năng lượng tái tạo sẽ chiếm 35% tổng sản lượng điện toàn cầu
Báo cáo được IEA công bố cuối tuần trước, dự báo tiêu thụ điện toàn cầu tăng khoảng 4% trong năm 2024. Tỷ lệ này đánh dấu tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện mạnh nhất kể từ năm 2007 ngoại trừ các mức tăng đột biến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và sau khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nhu cầu điện toàn cầu được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong năm 2025.
Theo IEA, Ấn Độ sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu điện trong năm nay, với tốc độ tăng 8% trong khi Trung Quốc dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện 6%, chậm lại so với mức tăng 7% trong năm 2023.
Nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu điện sau một năm nhiệt độ toàn cầu nóng kỷ lục.
“Tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu trong năm nay và năm tới sẽ đạt mức nhanh nhất trong hai thập niên qua. Điều này làm nổi bật vai trò ngày càng quan trọng của điện trong nền kinh tế cũng như tác động của các đợt nắng nóng khắc nghiệt”, Keisuke Sadamori, Giám đốc phụ trách an ninh năng lượng và thị trường năng lượng của IEA nói.
Cơ quan này cũng cho biết, nhu cầu điện tăng mạnh từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến giới chức trách tăng cường giám sát các trung tâm dữ liệu, sử dụng để đào tạo các mô hình AI.
Sau hai năm suy giảm liên tiếp, tiêu thụ điện ở Liên minh châu Âu (EU) dự kiến phục hồi trong năm 2024 với mức tăng trưởng 1,7%.
Tiêu thụ điện ở Mỹ cũng sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 3% sau khi suy giảm vào năm 2023 nhờ thời tiết ôn hòa. Tiêu thụ điện của Mỹ tăng nhờ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ và nhu cầu từ lĩnh vực trung tâm dữ liệu.
IEA dự báo, sản lượng năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời, thủy điện và các nguồn điện tái tạo khác) sẽ tăng mạnh 5% trong năm 2024. Đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 35% tổng sản lượng điện toàn cầu, tăng từ 30% trong năm 2023. Điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên, thị phần của năng lượng sạch vượt qua than để trở thành nguồn cung điện lớn nhất. Trong năm tới, thị phần của điện mặt trời và điện gió sẽ vượt qua thị phần của thủy điện trong cơ cấu sản lượng điện toàn cầu.
“Thật đáng khích lệ khi tỷ trọng năng lượng sạch trong cơ cấu điện tiếp tục tăng nhưng điều này cần phải diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều để đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu quốc tế”, Keisuke Sadamori của IEA nói.
Dù vậy, sản lượng nhiệt điện than toàn cầu dự báo tăng ít nhất 1% trong năm nay, tùy thuộc vào tình hình sản lượng thủy điện, đặc biệt là ở Trung Quốc. Do đó, lượng khí thải carbon từ ngành điện toàn cầu dự kiến tăng nhẹ trong năm nay trước khi giảm trở lại vào năm 2025, IEA cho biết.
IEA ước tính, tiêu thụ than toàn cầu tăng 2,6% vào năm 2023, đạt mức cao nhất mọi thời đại, do sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ than lớn nhất. Trong khi nhu cầu than tăng ở cả lĩnh vực điện và sản xuất công nghiệp, động lực chính là việc sử dụng than là do sản lượng thủy điện thấp và nhu cầu điện tăng nhanh.
Tiêu thụ than giảm mạnh ở châu Âu
Tại Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu, sản lượng thủy điện đang phục hồi từ mức đặc biệt thấp vào năm ngoái. Sự cải thiện này cùng với tốc độ triển khai năng lượng mặt trời và gió nhanh chóng đang làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng sử dụng than trong năm 2024 ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, một sự gia tăng lớn hàng năm khác về nhu cầu điện, được dự báo ở mức 6,5% vào năm 2024, khiến mức tiêu thụ than của Trung Quốc khó có thể giảm.
Tại Ấn Độ, tăng trưởng nhu cầu than dự kiến giảm tốc vào nửa cuối năm 2024 khi điều kiện thời tiết dịu lại. Trong nửa đầu năm, mức tiêu thụ than của Ấn Độ tăng mạnh do sản lượng thủy điện thấp và nhu cầu điện tăng mạnh do nắng nóng khắc nghiệt và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Nhu cầu than ở châu Âu đang tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ cuối thập niên 2000, phần lớn là nhờ nỗ lực giảm phát thải khí nhà kinh trong sản xuất điện. Sau khi giảm hơn 25% vào năm 2023, sản lượng điện than ở EU được dự báo giảm ở mức tương tự trong năm nay.
Tiêu thụ than cũng trong xu hướng giảm đáng kể ở Mỹ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhu cầu điện tăng cùng với và tốc độ chuyển đổi từ điện than sang điện khí chậm lại có nguy cơ chặn đứng xu hướng này vào năm 2024. IEA cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào than mặc dù với tốc độ chậm hơn so với châu Âu.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy nhu cầu than toàn cầu có thể sẽ không thay đổi trong 2025. Tuy nhiên, việc tiếp tục triển khai nhanh chóng năng lượng mặt trời và gió, kết hợp với sự phục hồi của thủy điện ở Trung Quốc đang gây áp lực đáng kể lên việc sử dụng than”, Keisuke Sadamori nói.
Ông cũng lưu ý, sản xuất điện là động lực chính của nhu cầu than toàn cầu. Mức tiêu thụ điện đang tăng rất mạnh ở một số nền kinh tế lớn. Nếu không có sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu điện, tiêu thụ than toàn cầu sẽ giảm trong năm nay.
Về phía cung, sản lượng than toàn cầu dự kiến giảm nhẹ vào năm 2024, với sản lượng ở Trung Quốc chững lại sau hai năm tăng trưởng mạnh mẽ. Ở Ấn Độ, nỗ lực thúc đẩy sản xuất than vẫn tiếp tục, với nguồn cung dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Ở các nền kinh tế phát triển khác, sản lượng than đang suy giảm, phản ánh nhu cầu suy yếu.
Báo cáo của IEA cho thấy, khối lượng than thương mại toàn cầu đang ở mức cao nhất bất chấp sự sụt giảm nhập khẩu ở châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan kể từ năm 2017. Dự báo năm 2024, Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan để trở thành nhà nhập khẩu than lớn thứ 5 thế giới. Lượng than nhập khẩu vào Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Lê Linh (Theo Reuters, iea.org)