Những mục tiêu lớn của phát triển xanh trong đó bao gồm mục tiêu giảm phát thải về mốc “0” và phát triển công nghiệp bán dẫn luôn đòi hỏi vai trò tiên phong của công nghệ cao, của doanh nghiệp. Và điều thực sự đáng mừng là Việt Nam đã thực sự trở thành một địa chỉ cho cả hai yếu tố này khi doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã đặt trọng tâm cho sản phẩm mới của mình để dần xanh hoá sản phẩm cũng như tham gia những khâu quan trọng của công nghiệp bán dẫn.
Lần đầu tiên có sản phẩm Apple “made in Việt Nam”
Trong tiến trình hiện thực hoá mục tiêu Net zero, ngoài các doanh nghiệp nội địa cố gắng bám sát và nỗ lực thực hiện thì tập đoàn lớn của nước ngoài đang đầu tư và làm ăn tại Việt Nam đã chủ động triển khai các sản phẩm được sản xuất ngay chính tại Việt Nam, báo hiệu giai đoạn mới về chất lượng có địa chỉ Việt Nam để từ “made in Việt Nam” chuyển sang “make in Việt Nam”.
Đó là việc Mac mini M4, máy tính Mac đầu tiên của người khổng lồ công nghệ và thương mại Apple đạt chuẩn trung hòa carbon để bảo vệ môi trường được sản xuất tại Việt Nam thay vì chỉ lắp ráp.
Điều có ý nghĩa nữa là Mac mini mới sản xuất tại Việt Nam là mẫu máy tính Mac đầu tiên của Apple đạt chuẩn trung hòa carbon, cột mốc quan trọng trong cam kết bảo vệ môi trường của hãng. Sản phẩm được sản xuất với hơn 50% vật liệu tái chế trên tổng thể, bao gồm 100% nhôm tái chế trong vỏ máy, 100% vàng tái chế ở lớp mạ trên tất cả bảng mạch in do Apple thiết kế và 100% nguyên tố đất hiếm tái chế trong tất cả nam châm. Lượng điện dùng để sản xuất Mac mini 100% đến từ các nguồn điện tái tạo. Tất cả những điều này đã nói lên việc các các cơ sở trong nước đã đáp ứng được loạt tiêu chuẩn nói trên.
Đây có thể xem như cánh chim báo tin vui cho sự gia tăng niềm tin của năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng trong nước. Câu chuyện về chiếc máy Mac mini mới nhất của Apple với dòng chữ nhỏ “made in Việt Nam” nhưng đã có sức cổ vũ các thương hiệu lớn về công nghệ có thể đặt niềm tin lớn hơn cho các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam đã thực sự là địa chỉ của sản phẩm công nghệ cao
Trong cuộc đua cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn- dầu mỏ của thế kỷ XXI, một chỉ dấu đáng phấn khởi nữa là Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ trong xây dựng cơ sở vật chất và nhà xưởng cho ngành công nghệ cao. Theo đó INTECH Group đã thành công trong việc thiết kế, xây dựng hệ thống phòng sạch đạt chuẩn Class 1 – cấp độ cao nhất thế giới và được NEBB (Hoa Kỳ) chứng nhận, cùng kinh nghiệm triển khai hơn 300 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử, cũng như các dự án thiết kế, thi công nhà máy sản xuất vi mạch hợp tác cùng các đối tác quốc tế.
Theo các chuyên gia trong ngành sản xuất công nghệ bán dẫn, việc xây dựng nhà máy, thiết lập môi trường làm việc và hệ thống phụ trợ là những nền tảng thiết yếu, quan trọng không kém gì dây chuyền sản xuất và công nghệ vận hành.
Nỗ lực để Việt Nam thực sự là điểm đến mới đầy hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn khi mới đây Công ty Công nghệ DNN đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã khẳng định cam kết đồng hành cùng các đối tác tại Việt Nam để triển khai công nghệ đóng gói chip tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và đảm bảo chất lượng thành phẩm cao nhất. Doanh nghiệp này cũng xác định xây dựng dây chuyền đóng gói chip là một bước đệm chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Cuộc đua cho những sản phẩm xanh, những sản phẩm công nghệ mang tầm thế giới thực sự là những cuộc đua được gọi là “huỷ diệt mang tính sáng tạo”. Và cuộc đua đó hoàn toàn có thể mang lại những chỗ đứng vững chắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước nhất là trong việc tận dụng những hiệu ứng lan toả về công nghệ từ những thương hiệu lớn đang có mặt tại Việt Nam.
Quang Lộc