Các nhà máy đã thay đổi nguyên tắc hoạt động, thay vì tập trung nâng cao hiệu suất vận hành bằng mọi cách, họ đã thêm vào những cách thức giải quyết và đảm bảo cân bằng được các mối quan hệ với cộng đồng và môi trường.
Thay đổi từ tư duy
Khi nhắc đến chuyển đổi kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn, lĩnh vực thường được đề cập đến đầu tiên là các ngành sản xuất vì đây là hoạt động tiêu tốn nhiều tài nguyên và tạo ra lượng chất thải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp sản xuất thực hiện chuyển đổi là một vấn đề nan giải. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều nhà sản xuất hiểu sai về chuyển đổi xanh, xem đây là một gánh nặng về môi trường, không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp mà còn làm các quy trình trở nên rắc rối hơn. Hiện nay động lực chuyển đổi xanh của các nhà máy chủ yếu đến từ yêu cầu thị trường ngày càng cao và đang phải dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể, định lượng chứ không phải tự phát, vô chuẩn.
Ngay cả các doanh nghiệp đã đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường cũng chỉ nhằm đáp ứng được các yêu cầu của chính phủ và thị trường chứ chưa ý thức được nhiều giá trị của việc chuyển đổi xanh. Thực tế việc chuyển đổi hệ thống và phương pháp sản xuất theo hướng thân thiện môi trường sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất do tiết kiệm tiêu hao năng lượng và nguyên liệu đầu vào, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn, các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường khi có được thiện cảm của khách hàng, biến câu chuyện sinh thái thành hoạt động tiếp thị thực chất giúp tăng doanh thu.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh là quá trình hướng đến xuất khẩu xanh với giá trị sản phẩm cao hơn, hiệu quả kinh doanh tốt hơn cùng việc nâng cao tổng chuỗi giá trị của toàn bộ sản phẩm, phụ phế phẩm trong hoạt động sản xuất từ sơ cấp (upstream) đến thứ cấp (downstream). Và sản phẩm xanh là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh nền công nghiệp hay chuỗi cung ứng của hàng ngàn sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Sản phẩm xanh có thể hướng đến sử dụng nguyên liệu tái chế, thuận tự nhiên hơn hoặc tận dụng phụ phế phẩm từ công đoạn trước. Hiểu chung là tận dụng tối đa nhất có thể nguồn tài nguyên và vật chất trong toàn chuỗi cung ứng. Từ đó, nhãn xanh cho từng sản phẩm trong chuỗi cung ứng là điều kiện cần để nâng cao giá trị sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi xanh trong sản xuất cần được nhìn nhận nghiêm túc ở mọi góc độ và cần có cách tiếp cận đúng đắn từ việc xem xét mô hình nhà máy xanh, hệ thống vận hành và cách thức quản lý mới theo hướng phát triển bền vững và cuối cùng là những thành công, thất bại trong việc xây dựng nên quy trình sản xuất xanh.
Mô hình và cách thức chuyển đổi nhà máy xanh
Mọi hoạt động của con người hay bất cứ cơ sở vận hành nào cũng đều phát thải ra khí nhà kính GHG thông qua việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên… Và nhà máy xanh là thuật ngữ chung với mục tiêu hướng đến vận hành hiệu quả hơn, tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tối ưu hơn, từ đó dẫn đến tổng phát thải khí nhà kính GHG thấp hơn so với mức độ thông thường. Đó là sự tích hợp của ít nhất ba yếu tố, một là kiến trúc công trình, hai là nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình xây dựng tạo ra công trình và ba là trang thiết bị để vận hành của công trình đó.
Vì vậy, việc thiết lập nhà máy xanh với layout (bố trí) công nghệ và quy trình vận hành theo nguyên tắc “làm đúng ngay từ đầu” trong sản xuất tinh gọn – Lean manufacturing và kết hợp các tiêu chuẩn công trình xanh trên thế giới như LEED, LOTUS hay EDGE… sẽ giúp cho việc vận hành nhà máy tối ưu nhất có thể, hiệu quả kinh doanh cao hơn, điều kiện làm việc cho người lao động tốt hơn và từ đó tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn. Đồng thời, mô hình phát triển bền vững ESG (Environment – Social – Governance) là ba trụ cột để mọi doanh nghiệp có thể áp dụng để xây dựng một mô hình kinh doanh (business model) tiên tiến và phù hợp với xu hướng của toàn cầu hơn.
Hệ thống vận hành nhà máy xanh
Nhà máy được xem như “trái tim của chuỗi cung ứng”, là một trung tâm của chuỗi cung ứng hàng hóa trong thị trường nên việc thiết lập nhà máy (factory set up) đúng ngay từ đầu rất quan trọng và cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực và đảm bảo một nền tảng bền vững, phát triển ổn định và vững chắc cho nhà máy cũng như các doanh nghiệp nói chung.
Bên cạnh các mục tiêu cơ bản trong chuỗi cung ứng với nhà máy thường được cho là cơ sở chủ đạo bao gồm chất lượng (quality), năng suất (productivity), thời gian giao hàng (delivery), chi phí sản xuất (cost), xu hướng phát triển bền vững còn nhiều mục tiêu khác mở rộng hơn như an toàn, môi trường, năng lượng, phát thải khí nhà kính GHG, trách nhiệm xã hội, sản phẩm xanh hơn… Các mục tiêu mở rộng này là thách thức mới không hề đơn giản và ít thuận lợi cho quá trình đầu tư, vận hành nhà máy mới hoặc nâng cấp nhà máy cũ đã hoạt động lâu dài. Đôi khi việc thiết lập nhà máy mới thuận lợi hơn nhiều so với việc cải tiến, nâng cấp một nhà máy cũ để đạt các tiêu chí và mục tiêu chuyển đổi xanh mới.
Việc thiết lập nhà máy xanh bao gồm nhiều công đoạn, từ thiết kế layout công nghệ và vận hành, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị được xem như phần xác của nhà máy, phần quan trọng hơn là phần hồn của nhà máy bao gồm hệ thống và con người cũng cần được thiết lập đúng ngay từ đầu. Do đó, việc thiết lập các hệ thống quản lý và vận hành dựa trên các tiêu chuẩn cơ bản từ ISO 9001, đến trách nhiệm xã hội BSCI… đến các yêu cầu của luật định để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường tương ứng là điều tất yếu nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu tốt nhất của nhà máy.
Người Nhật có câu “con người phục vụ hệ thống, và hệ thống phục vụ cho kinh doanh” thể hiện việc thiết lập hệ thống chuyên nghiệp, tiên tiến và phù hợp ngay từ đầu khi thiết lập nhà máy là điều vô cùng cần thiết. Thông qua việc xây dựng quy trình vận hành, đào tạo nguồn nhân lực ngay từ đầu – là trung tâm của mọi hoạt động và đảm bảo tính tuân thủ sẽ giúp nhà máy sớm vận hành ổn định, đạt công suất và năng suất mục tiêu nhanh nhất có thể để đảm bảo hiệu quả kinh doanh dự kiến ban đầu đề ra.
Mô hình phát triển bền vững ESG như trên cũng đều dựa trên các tiêu chuẩn cơ bản từ quản lý chất lượng, môi trường, an toàn, năng lượng, khí nhà kính, trách nhiệm xã hội và các yếu tố quản trị cũng như công nghệ thông tin như là một công cụ hỗ trợ cho việc quản trị và quản lý tốt hơn. Và các chứng nhận cho nhà máy xanh và sản phẩm xanh được xem như là vé thông hành cho hàng hóa để tiếp cận với các thị trường mục tiêu tương ứng. Do đó, chuyển đổi xanh cho nhà máy hay chuỗi cung ứng đều cần dựa trên chiến lược của từng doanh nghiệp chứ không phải là một phong trào hay mục tiêu thể hiện bên ngoài doanh nghiệp.
Hệ thống quản lý nhà máy xanh
Cùng với sự chuyển đổi của hệ thống vận hành xanh, bên cạnh hệ thống quản lý các mục tiêu hiệu quả kinh doanh, các nhà máy còn phải xây dựng và vận hành hệ thống quản lý môi trường để đánh giá hiệu quả hoạt động dưới góc độ môi trường. Hệ thống quản lý môi trường cũng phải trình bày rõ các mục tiêu, đưa ra lựa chọn, thu thập thông tin, đo lường tiến độ và cải thiện hiệu suất.
Hệ thống quản lý môi trường nếu được sử dụng thực chất sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được kết quả chuyển đổi của mình, tránh được tình trạng tẩy xanh thương hiệu và các hoạt động chuyển đổi nửa vời dễ gây ra các ngoại tác tiêu cực cho môi trường nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều mà nhiều doanh nghiệp khó có thể đối diện, nếu chỉ chuyển đổi hình thức hoặc chưa đúng cách, kết quả đem lại khi được hệ thống quản lý đánh giá có thể là lượng tài nguyên tiêu thụ và lượng phát thải còn gia tăng hơn.
Theo nghiên cứu Richard Florida and Derek Davison tại Đại học California, những nhà máy có áp dụng các biện pháp thực hành bài bản đi kèm với hệ thống quản lý môi trường đúng chuẩn thường có các nguồn lực nội bộ rất lớn và thường rơi vào nhóm các doanh nghiệp lớn(1). Đây cũng là kết quả thu được từ nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy nguồn lực nội tại của doanh nghiệp có tính quyết định rất lớn cho việc xây dựng và vận hành nhà máy xanh đúng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nhìn nhận câu chuyện chuyển đổi theo một hướng khác thì sẽ thấy được lợi ích của việc chuyển đổi thực chất và việc áp dụng hệ thống quản lý để đánh giá và chứng minh năng lực là điều thích đáng. Bên cạnh lợi ích từ việc giảm chi phí, cải thiện năng suất và hiệu suất, quá trình chuyển đổi xanh cũng có thể cho ra đời các sản phẩm phụ, ví dụ như tín chỉ carbon, có thể đem lại thêm một nguồn doanh thu mới cho doanh nghiệp.
Những thành công, thất bại và giải pháp cho Việt Nam
Trong khi tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và các rào cản thương mại trở nên nghiêm ngặt hơn, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với tình trạng thiếu thốn các nguồn lực và phải cân bằng giữa các thách thức của việc duy trì các hoạt động sản xuất cùng các đơn hàng hiện hữu với các thách thức của việc chuyển đổi nhà máy sản xuất, quy trình hoạt động và các sản phẩm đáp ứng với các tiêu chuẩn mới về môi trường. Điều này sẽ đặc biệt khó khăn hơn với nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn hạn chế về năng lực và nguồn lực tài chính, con người, công nghệ cùng các thể chế nội bộ.
Đến thời điểm hiện nay, ngay cả trên phạm vi thế giới, các phương pháp sản xuất xanh vẫn đang bị đánh giá là ít có tính thấu đáo, phần nhiều còn dừng lại ở tính lý thuyết hơn là thực tiễn. Hơn nữa, các ngành sản xuất khá đa dạng, mỗi ngành lại có nhiều tính chất đặc thù và bối cảnh phát triển riêng, trong khi các quy trình sản xuất xanh chưa thể đi vào được các ngóc ngách cụ thể một cách chi tiết. Việc chuyển đổi quy trình sản xuất xanh không chỉ đòi hỏi phải đi vào cụ thể chi tiết từng ngành hàng mà còn đòi hỏi phải mở rộng góc nhìn theo chuỗi giá trị sản xuất, nghĩa là vừa chi tiết, vừa tổng quan. Điều này đòi hỏi tính chất phối hợp liên ngành, xuyên ngành rất lớn.
Việt Nam dù có độ mở kinh tế khá lớn nhưng hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực và nguồn lực còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc nắm giữ một số công đoạn nhỏ, thô sơ trên chuỗi giá trị toàn cầu khiến vị thế của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và ít tiếng nói trong câu chuyện chuyển đổi xanh. Để có thể kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng thực hiện câu chuyện lớn hơn đòi hỏi vai trò của chính phủ và các hiệp hội.
Hơn nữa, chuyển đổi các nhà máy cùng với hệ thống và quy trình sản xuất ngoài những mô hình và quy chuẩn chung còn đòi hỏi phải cá biệt hóa theo tính chất ngành và đặc điểm sản xuất của người Việt. Điều này rất cần phải có vai trò của các tổ chức vừa có khả năng hiểu rõ các đặc điểm về mặt kỹ thuật, vừa hiểu được bản chất hoạt động sản xuất Việt Nam trong bối cảnh chung của ngành sản xuất.
Trần Hương Giang – Giám đốc chuyên môn – Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt – Tâm Việt Education
Huỳnh Thanh Trung – Đồng sáng lập và Giám đốc Công ty cổ phần Leanwares