Thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đang đặt ra 2 vấn đề về rác thải, gồm rác thải là tài nguyên và rác thải ô nhiễm. Để giải bài toán về rác thải từ các khu công nghiệp, cần phải thay đổi tư duy và nhận thức, coi chất thải là tài nguyên để xây dựng cơ chế tổng thể, nằm trong phương thức kinh tế tuần hoàn. Việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo các chuyên gia, dưới góc độ nghiên cứu, chỉ có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được đối với các khu công nghiệp mới thành lập, do tính đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch xây dựng và có đủ công năng chuyển đổi sang hoạt động công nghiệp sinh thái.
Những người mở đường cho khu công nghiệp sinh thái
Là một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Bỉ, khi đến Việt Nam phát triển khu công nghiệp, nhà đầu tư DEEP C ý thức rằng đầu tư kinh doanh cần đi đôi với bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp xác định một khu công nghiệp sinh thái sẽ là lợi thế cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm chú ý và đến đây thuê đất để xây nhà máy.
DEEP C là một tổ hợp các dự án phát triển khu công nghiệp và cảng biển do Công ty Infra Asia Investment Hong Kong (IAI), có cổ đông chính là Tập đoàn Ackermans van Haaren (Bỉ) thực hiện tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam, DEEP C hiện đã phát triển vài khu công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh. DEEP C tin rằng xây dựng công trình xanh chính là tương lai và hướng đến nâng cao tiêu chuẩn phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Do đó, hệ thống nhà xưởng/nhà kho xây sẵn tại khu công nghiệp DEEP C phát triển mới đây tại Quảng Ninh được xây dựng thân thiện với môi trường – được áp dụng theo tiêu chuẩn xanh của thế giới là LEED.
Bên cạnh đó, DEEP C tin rằng phát triển công nghiệp có thể song hành với bảo tồn tự nhiên nên đã giữ và bảo vệ các cánh rừng ngập mặn và hệ sinh thái ở đó trong quá trình phát triển cảng biển tại DEEP C Quảng Ninh. Rừng ngập mặn được doanh nghiệp này gìn giữ để thay thế khu vực cây xanh, khu vực giải trí, làm rừng đệm phòng hộ, giảm nhu cầu thiết kế đê biển.
Nhận thức nước là nguồn tài nguyên quý nên DEEP C đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn ISO 9001 & 14001. Nước thải được thu gom từ nhà máy đặt trong khu công nghiệp DEEP C và được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt để nước đạt tiêu chuẩn trước khi quay lại môi trường.
Để giảm rác thải, năm 2019, DEEP C đã hợp tác cùng Dow Chemical xây dựng con đường từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam với chiều dài 1,4 km. Trong tương lai DEEP C dự kiến sẽ có thêm nhiều con đường như vậy tại khu công nghiệp này.
Sở dĩ DEEP C triển khai con đường tái chế như trên vì biết rằng Việt Nam hiện là một trong những nước thải ra nhiều rác thải nhựa. Dự án này nhằm đem đến một hướng đi mới cho các loại bao bì nhựa đã qua sử dụng, thay vì bị vứt đi hoặc chôn trong các bãi chôn lấp rác.
Ngoài các hoạt động trên, DEEP C cũng là khu công nghiệp chú ý đến sử dụng năng lượng tái tạo để hướng tới sản xuất bền vững. DEEP C đang đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện của mình bằng việc khai phá tiềm năng của điện mặt trời, điện gió và điện từ việc xử lý rác.
Từ đầu năm 2020, tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt và đưa vào hoạt động tại DEEP C với công suất phát điện 2,15 MWp trên mái nhà xưởng rộng 20.000m vuông trong khu vực DEEP C Hải Phòng I. Trong tương lai DEEP C sẽ tiếp tục thu hút các công ty khác trong khu công nghiệp tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo với cơ chế thuê lại mái nhà xưởng để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong hai năm, từ 2022 đến 2023, DEEP C đặt mục tiêu lắp đặt trên 20MWp tấm pin năng lượng mặt trời.
Bên cạnh năng lượng mặt trời, turbine điện gió đầu tiên tại một khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc với đầu tư 10 triệu đô la Mỹ đã được lắp đặt tại DEEP C Hải Phòng II vào cuối năm 2021, biến năng lượng gió thành điện năng với công suất 2,3 MW. DEEP C là một trong những khu công nghiệp hiếm hoi tại Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ gió cho sản xuất công nghiệp.
Tương tự như hoạt động của năng lượng mặt trời, nguồn điện từ năng lượng gió sẽ được cấp trực tiếp vào lưới điện nội bộ của DEEP C và đươc tiêu thụ vào việc vận hành máy móc tại các nhà máy tại khu công nghiệp này… Các sáng kiến khác như dự án thiết lập hệ thống năng lượng mặt trời trên các khu đất trống, chuyển hóa các chất thải thành năng lượng, lưu trữ và sản xuất năng lượng tái tạo cũng đang được triển khai tại DEEP C.
Trước đây, giống như hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam, nguồn điện của DEEP C được cung cấp toàn bộ từ lưới điện Quốc gia. Song với khả năng tự tạo ra điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo, DEEP C đang dần trở nên chủ động hơn, từ đó giảm thiểu các vấn đề liên quan đến nguồn điện. Dự kiến đến năm 2030, DEEP C sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Hiện nay DEEP C đang vận hành 5 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đang hướng đến phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái và năng lượng tái tạo là một trong những dự án đầu tư chủ đạo. Chính vì thế DEEP C là là một trong 5 đơn vị phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt lựa chọn thí điểm để triển khai dự án khu công nghiệp sinh thái.
Không chỉ DEEP C, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cũng là một trong các khu công nghiệp được lựa chọn. Tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec – chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ về định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Ông Điệp cho biết Nam Cầu Kiền phấn đấu trở thành khu công nghiệp sinh thái không rác thải vào năm 2024 và đến năm 2030 sẽ trung hòa phát thải cacbon. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Nam Cầu Kiền đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác với các đơn vị nước ngoài để cùng thực hiện công tác nghiên cứu, tìm kiếm các phương án tiết kiệm năng lượng hướng đến mục tiêu chính là tiết kiệm để phát triển bền vững.
Vẫn theo ông Điệp, ngay từ khi bắt đầu dự án, Nam Cầu Kiền đã được định hướng trở thành khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái. Nam Cầu Kiền cũng xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời dùng cho cả khu công nghiệp. Hiện tại, khu tổ hợp điều hành khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà với công suất 86,4Kwp và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021 giúp giảm một lượng lớn chi phí điện năng từ điện lưới. Ngoài ra, các trục đường nội bộ của khu công nghiệp này cũng đã được triển khai lắp đặt 40 cột đèn chiếu sáng bằng điện năng lượng mặt trời, thay cho việc sử dụng điện lưới.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có thể tận dụng phụ phẩm, phế thải của nhau làm đầu vào cho sản xuất… Thay vì tốn tiền xử lý rác thải phát sinh, nhiều nhà máy trong khu công nghiệp đã thu lợi nhuận từ việc bán chính những loại rác thải của mình làm đầu vào sản xuất nguyên vật liệu thứ cấp cho đơn vị khác. Ví dụ, xỉ thép phế phẩm của doanh nghiệp sản xuất thép có thể trở thành nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất thép nhiễm từ, nghiền ra để lấy quặng sắt hay tách các kim loại tạp chất như đồng, chì, nhôm, kẽm. Hoặc khói bụi trong quá trình sản xuất thép sẽ được bán lại cho đơn vị chuyên thu hồi, xử lý khói bụi thải để lọc ra các chất vi lượng…
Kỳ vọng nhân rộng mô hình đến nhiều địa phương
Hai khu công nghiệp nêu trên được chọn là 2 trong các khu công nghiệp được chọn triển khai dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”. Ngoài 2 khu công nghiệp trên, các khu công nghiệp còn lại được chọn tham gia dự án gồm Hòa Khánh (Đà Nẵng), Amata (Đồng Nai), Hiệp Phước (TPHCM) và Trà Nóc (Cần Thơ)… Dự án được thực hiện trong 36 tháng.
Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thực hiện. Dự án có tổng kinh phí hơn 1,8 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hơn 1,6 triệu đô la Mỹ từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua SECO, vốn đối ứng gần 139 ngàn đô la Mỹ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua, hệ thống khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn.
Để góp phần giải quyết thách thức trên, trong giai đoạn 2014 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới. Dự án này có nội dung chính gồm: hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái và triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp sinh thái.
Các bên liên quan hy vọng kết quả của dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi cả nước.
Tại hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và Giải pháp thực hiện” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho rằng mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin.
Cũng theo bà Bích Ngọc, để phát huy hiệu quả mô hình khu công nghiệp sinh thái, thời gian tới cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Theo ghi nhận từ các khu công nghiệp được chọn thí điểm triển khai dự án triển khai nêu trên, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khu công nghiệp sinh thái cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất là quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp. Thực tế, mỗi doanh nghiệp đều có quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc cộng sinh để tuần hoàn các tài nguyên (nước, rác thải, điện năng lượng…) giữa các doanh nghiệp còn phức tạp nếu thiếu quy hoạch, đồng bộ. Trong khi đó, vướng mắc về sự đồng bộ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành là rất lớn.
Đơn cử như việc cộng sinh tuần hoàn tái sử dụng nước, tại Việt Nam chưa thể áp dụng do hiện nay quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về sử dụng nước thải phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt chưa cụ thể. Bên cạnh đó, việc chưa có khung giá cho nước tái sử dụng cũng là một khó khăn đối với cac doanh nghiệp…
Được biết, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ trong khu công nghiệp để đảm bảo cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp. Đây là chính sách quan trọng để các địa phương có định hướng sớm, ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp sinh thái.
Vân Ly