Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Đan Mạch đầu vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong buổi làm việc với bà Kinga Christensen, Phó Chủ tịch điều hành DI chiều 25/11 tại Copenhagen, Vương quốc Đan Mạch.
Tại buổi làm việc, bà Kinga Christensen cho biết, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (DI) đại diện cho quyền lợi của gần 20.000 doanh nghiệp thành viên, thông qua vận động chính sách, tư vấn môi trường đầu tư ở nước ngoài, biến đổi khí hậu, thương mại.
Với nhiều doanh nghiệp thành viên đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, DI dự kiến sẽ mở văn phòng phụ trách khu vực châu Á đặt tại TPHCM vào đầu năm 2025.
Bên cạnh đó, DI đang phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm xác định những trọng tâm trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, năng lượng xanh, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bao trùm.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao vai trò của DI trong kết nối, khuyến khích hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, góp phần triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược Xanh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, DI cần phối hợp chặt chẽ với VCCI để đưa đoàn doanh nghiệp lớn của Đan Mạch sang Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư vào năm 2025; đóng góp vào những định hướng ưu tiên, cơ chế hợp tác hữu hiệu, lâu dài giữa các doanh nghiệp trong khuôn khổ P4G.
Phó Thủ tướng mong muốn DI và doanh nghiệp thành viên hỗ trợ kỹ thuật cho các bộ, ngành của Việt Nam trong chuẩn bị, xây dựng cơ chế chính sách thực hiện Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển điện gió ngoài khơi, tham vấn cho Chính phủ Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách thu hút các nhà đầu tư về điện gió, năng lượng tái tạo.
“Việt Nam luôn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch, đầu vào Việt Nam có chọn lọc, dựa trên công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực chuyển giao công nghệ, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Việt Nam và Đan Mạch đã xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, thực chất trên những lĩnh vực quan trọng, mang tính toàn cầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp…
Hiện các doanh nghiệp Đan Mạch đã và đang đầu tư vào 169 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỷ USD, đứng thứ 22/148 quốc gia, vùng lãnh thổ, và thời gian tới sẽ tiếp tục có bứt phá ở những lĩnh vực lợi thế.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mô hình phát triển của Đan Mạch đã đi trước thời đại khi thay thế nguồn lực tài nguyên tự nhiên bằng kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ,… Vì vậy, các doanh nghiệp Đan Mạch có rất nhiều thuận lợi khi luôn tiên phong trong những lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng lớn như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo…
“Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Đan Mạch, với thị trường có dân số khoảng 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh; nền kinh tế hội nhập sâu rộng, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn; cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050; có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), là đối tác trong Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận, nắm bắt nhanh chóng những lĩnh vực, công nghệ mới, ý tưởng mới”. – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Lam Song