Theo ông Nguyễn Quang Vinh (ảnh): Những nỗ lực của VCCI và của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những “mảnh ghép” quan trọng trong “bức tranh” chuyển đổi đồng bộ để cùng hướng tới một tương lai xanh, bình đẳng và bao trùm.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hành động chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero?
– Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam giờ đây đã có sự nhận thức về phát triển bền vững (PTBV), về chuyển đổi xanh (CĐX) được nâng cao đáng kể so với giai đoạn 5-10 năm trước đây. Đặc biệt là các DN đầu tàu, họ đã, đang tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho kinh doanh bền vững, bắt kịp với xu thế toàn cầu hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.
Tôi lấy ví dụ, trong các thành viên của Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI), thông điệp tăng trưởng xanh, CĐX đã được lan tỏa sâu rộng không chỉ trong công ty mà còn đến với các đối tác trong chuỗi giá trị của họ.
Các DN tiêu biểu như Vinamilk, Greenfeed, Traphaco, PAN Group, Nestlé Việt Nam, Coca- Cola Việt Nam, Unilever Việt Nam,… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, phát thải thấp, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm…
Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể chung của cộng đồng DN, vẫn có nhiều thách thức cho DN CĐX. Theo Báo cáo “Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh” do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện và trình Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, kết quả khảo sát diện rộng từ 2.734 DN cho thấy trên lộ trình giảm phát thải, CĐX thì DN Việt Nam đang phải đối diện với 03 khó khăn lớn nhất là: nguồn vốn để thực hiện; nhân sự có chuyên môn và các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp…
Đây rõ ràng là những rào cản cần được gỡ bỏ để khơi thông con đường CĐX cho cộng đồng DN Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi” sẽ hướng tới các mục tiêu cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Đứng trước các thách thức hiện hữu mà cộng đồng DN đang gặp phải, sự lo lắng về khả năng hiện thực hóa được mục tiêu Net Zero là điều dễ hiểu. Để củng cố niềm tin, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu về Net Zero nói riêng cũng như CĐX nói chung, chúng ta cần thực hiện chuyển đổi đồng bộ với sự vào cuộc, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng DN, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan.
Trên tinh thần đó, VCCI xác định chủ đề của VCSF 2024 là “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi”.
Thông qua Diễn đàn, chúng tôi kỳ vọng giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng DN chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh bền vững, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng quản trị, lãnh đạo điều hành cấp cao trong việc xây dựng và lan tỏa tư duy lãnh đạo tích hợp ESG; chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển nguồn vốn con người trong chiến lược PTBV DN nói riêng và phục vụ mục tiêu Net Zero nói chung; khuyến khích DN hành động mạnh mẽ hơn thông qua việc chia sẻ các sáng kiến chuyển đổi xanh của các DN tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau; đồng thời cung cấp các thông tin cập nhật về định hướng, chính sách hướng tới Net Zero mà cộng đồng DN cần nắm bắt, từ đó tăng cường cầu nối “công-tư” trên hành trình tiến tới Net Zero 2050.
Xin ông cho biết vai trò của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu Net Zero thông qua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi đồng bộ và hợp tác đa bên?
– Trong nhiều năm qua, VCCI đã phối hợp với nhiều bộ, ngành để luôn đồng hành cùng DN, không chỉ tạo ra những diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa DN và cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, mà đồng thời còn đưa ra những chia sẻ, kinh nghiệm về mô hình PTBV cho các DN học hỏi, tìm hiểu mô hình phù hợp nhất, và VCSF là một ví dụ điển hình.
VCCI cũng đã xây dựng và công bố các bộ chỉ số thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới các đối tác khác nhau. Đơn cử như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) để thúc đẩy các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; hay Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) để thúc đẩy cộng đồng DN thực hiện quản trị DN bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của chính DN và chuyển đổi sang kinh doanh có trách nhiệm.
Hiện nay, VCCI thông qua đầu mối là VBCSD cũng đang phối hợp với tổ chức IDH Việt Nam triển khai Sáng kiến thúc đẩy khu công nghiệp bền vững Việt Nam, trong đó có xây dựng và lan tỏa Bộ chỉ số Khu công nghiệp bền vững (SIP Index).
Những nỗ lực của VCCI hay bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ không thể đi đến đích nếu thiếu sự đồng hành của các DN có cam kết mạnh mẽ với PTBV. Không chỉ là nguồn lực tài chính, bản thân DN có thể tạo ra những tác động tích cực đến xu hướng tiêu dùng, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên môi trường với những mô hình kinh doanh “vị” tư nhiên, hay hỗ trợ những DN khác trong chuỗi giá trị của họ.
Một ví dụ về sự hợp tác chặt chẽ giữa VCCI-VBCSD và DN như sáng kiến nâng cao nhận thức, tập huấn về Net Zero cho các đối tác trong chuỗi cung ứng của DN mà VBCSD phối hợp Nestlé Việt Nam và các bộ, ngành đã triển khai vào tháng 4 vừa qua đã tạo ra hiệu ứng rất tốt và được cộng đồng DN đánh giá cao.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD: Động lực tạo giá trị
Chúng ta nên nhìn bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tất nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh, vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức đối với doanh nghiệp.
Một trong những điểm nghẽn đó là kết nối câu chuyện bền vững với các động lực cốt lõi trong việc đưa ra quyết định lựa chọn nhãn hàng hay thương hiệu. Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cân và kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đa bên, cả các bên, thông qua những các nền tảng đối thoại như Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) để thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh hướng đến hiện thực hóa cam kết Net Zero.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Nền tảng quản trị vững vàng
Tất yếu các doanh nghiệp ngày nay cần định hướng chiến lược của mình phải dựa trên nền tảng PTBV. Điều này có thể được thể hiện trong các hệ giá trị của doanh nghiệp như sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi hoặc văn hóa doanh nghiệp, và điều đó phải được nhận thức đầy đủ từ tất cả nhân viên trong công ty, từ lãnh đạo cao nhất, đến người nhân viên thấp nhất, vì giá trị chỉ có thể được tạo ra từ hành động cụ thể.
Một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của PNJ là nền tảng quản trị vững vàng và hiệu quả. Năm 2023, PNJ được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp niêm yết Quản trị công ty tốt nhất, PNJ tiếp tục khẳng định nội lực vững vàng, hướng đến sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế trong ngành kim hoàn. Đây sẽ tạo động lực để PNJ ngày càng hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp nhằm mang lại sự minh bạch, công bằng về thông tin với toàn bộ cổ đông, nhà đầu tư.
Bà Milly Cheng, Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola Việt Nam: Không ngừng đổi mới
Chiến lược phát triển bền vững “Lựa Chọn Hôm Nay, Định Hình Tương Lai” với ba trụ cột chính gồm: sản phẩm, hành tinh và con người là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển của chúng tôi trong dài hạn.
Hiện thực hóa mô hình tuần hoàn bao bì, Coca-Cola Việt Nam đã giới thiệu ra mắt chai Coca-Cola làm từ 100% nhựa tái chế từ năm 2022. Chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác quốc tế và địa phương để triển khai chương trình “Chai Nhựa Tái Sinh, Hành Trình Tiếp Nối” trong hai năm qua để tăng cường nhận thức và khuyến khích hành động từ người tiêu dùng đối với hoạt động thu gom và tái chế các chai nước giải khát sau khi sử dụng. Hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi triển khai các kế hoạch đồng bộ trong toàn bộ quy trình sản xuất bên cạnh các nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan ban ngành mang đến các chương trình hội thảo tập huấn về đo lường và kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tại Việt Nam.
Ông Anil Viswanathan, Tổng Giám Đốc – Mondelez Kinh Đô: Ba trụ cột cốt lõi
Chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi được xây dựng dựa trên ba trụ cột cốt lõi: trách nhiệm với môi trường, phát triển kinh tế và quản trị doanh nghiệp bền vững.
Đầu tiên, trách nhiệm với môi trường là trọng tâm trong chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đang tích cực nỗ lực để giảm lượng khí thải carbon và giảm thiểu chất thải thông qua nhiều sáng kiến khác nhau.
Thứ hai, phát triển kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với thành công lâu dài của chúng tôi. Chúng tôi nỗ lực xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và toàn diện, hỗ trợ nền kinh tế địa phương và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Cuối cùng, quản trị doanh nghiệp bền vững bao gồm xây dựng một nền văn hóa đa dạng, công bằng, hòa nhập, tập trung vào vào sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên là một phần không thể thiếu trong chiến lược của chúng tôi.
Phan Nam (thực hiện)