Theo báo cáo nghiên cứu mới của hãng kiểm toán và tư vấn Accenture (Anh), gần 40% trong số các công ty công nghiệp nặng trên toàn thế giới cho biết, họ không thể đầu tư thêm vào quá trình khử carbon do môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn.
Gần 2/3 trong số các công ty công nghiệp nặng được khảo sát nói rằng những nỗ lực chính nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon sẽ không còn hấp dẫn về mặt kinh tế cho đến cuối thập niên này. Tuy nhiên, hơn một nửa số lãnh đạo ngành công nghiệp nặng coi tăng trưởng doanh thu là động lực chính giúp cho tính kinh tế của nỗ lực khử cacbon trở nên hấp dẫn hơn.
Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao trong 14 ngành ở 16 nước. Báo cáo nêu ra một số trở ngại mà các doanh nghiệp công nghiệp nặng đối mặt trong nỗ lực khử carbon, bao gồm đảm bảo nguồn năng lượng carbon thấp có giá cả phải chăng, đảm bảo tính khả thi thương mại của các sản phẩm carbon thấp và quản lý chi phí liên quan đến khử carbon.
Các lĩnh vực công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng, khó giảm khí thải carbon như thép, kim loại và khai thác mỏ, xi măng, hóa chất, vận tải hàng hóa và hậu cần tạo ra 40% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
“Nếu ngành công nghiệp nặng không thể khử carbon, thì tất cả những ngành khác đều sẽ thất bại trong nỗ lực này”, báo cáo của Accenture cảnh báo.
Đối với các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, con đường phía trước sẽ là chấp nhận chi phí ban đầu cho quá trình khử carbon và lựa chọn chiến lược phát triển sản phẩm xanh nào. Điều đáng khích lệ là gần 2/3 số nhà lãnh đạo hành trong lĩnh vực dầu khí và điện trong cuộc khảo sát của Accenture tin rằng, khách hàng của họ sẵn sàng cam kết hợp tác lâu dài trong nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính.
Accenture khuyến nghị các công ty cần đưa ra các hành động khẩn cấp trong vòng ba năm tới để giúp quá trình khử carbon khả thi hơn. Các hành động này bao gồm nhắm các sản phẩm xanh giá cao, tức người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm chi phí cho các lựa chọn xanh hơn, tăng tốc áp dụng các giải pháp năng lượng carbon thấp và hydro, đồng thời giảm chi phí vốn và chi phí vận hành liên quan đến công nghệ xanh.
Báo cáo lạc quan về triển vọng giảm chi phí trong các lĩnh vực như sản xuất thép “xanh” (thép được sản xuất dựa vào các nguồn năng lượng carbon thấp). Đến năm 2050, chi phí sản xuất thép “xanh” dự kiến giảm tới 49% so với hiện nay. Báo cáo cũng dự báo chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và hydro “xanh lần lượt giảm 77% và 74% vào cùng năm đó so với hiện nay.
Báo cáo được công bố giữa lúc một số chính phủ đã rút lại kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo và các sản phẩm carbon thấp trong bối cảnh lạm phát cao và lo ngại về chi phí và an ninh năng lượng.
Báo cáo của Accenture cho thấy các công ty cũng đang hành động chậm hơn, vào thời điểm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu làm nổi bật những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Trong một báo cáo riêng, công bố hôm thứ 16/11, hãng tư vấn này nhận thấy, chỉ có 18% trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới.đang trên đà đạt được mục tiêu đưa lượng phát thải carbon ròng về mức zero (Net Zero) vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, có 37% công ty cam kết đạt mục tiêu này, tăng từ 34% vào năm ngoái.
“Điều đáng khích lệ là sự gia tăng cam kết công khai đối với các mục tiêu Net Zero trong năm nay, nhưng việc áp dụng các biện pháp khử carbon quan trọng vẫn không đồng nhất, với một số công ty vẫn chưa thể nắm vững những điều cơ bản”, Jean-Marc Ollagnier, CEO phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Accenture, nói.
Châu Âu nổi bật hơn các khu vực khác trên thế giới về nỗ lực khử carbon, với 61% công ty được khảo sát đặt mục tiêu Net Zero, so với 28% ở Bắc Mỹ và 30% trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo phân tích của Accenture, chỉ có 24% công ty châu Âu thực sự có thể đạt mục tiêu này vào năm 2050.
Lê Linh (Theo Bloomberg, Investing)