Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển xanh và bền vững, nhất là sau khi Việt Nam cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 và tham gia Liên minh Chuyển dịch năng lượng công bằng cùng các nước G7. Việc làm xanh, theo đánh giá của UNDP hiện hữu cụ thể và thực tế hơn.
Đó là những việc làm mới trong những lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hay những công việc trong các ngành sản xuất truyền thống (nông nghiệp, dệt may, giao thông…) đang chuyển đổi “xanh hoá” đòi hỏi những kỹ năng, năng lực, kiến thức liên quan đến môi trường, khí hậu, xã hội.
Từ góc nhìn tương tự, bà Nguyễn Ngọc Duyên – Điều phối viên quốc gia Dự án dự báo kỹ năng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam thông tin: theo ước tính của ILO đến năm 2030 sẽ có 7 triệu việc làm bị mất đi, song đồng thời cũng có 25 triệu việc làm mới được tạo ra, trong đó có khoảng 8,4 triệu việc làm mới dành cho thanh niên.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong phát triển việc làm xanh, trong đó có 5,8 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nếu như các quốc gia ở khu vực này tiếp tục đầu tư vào môi trường, theo ước tính của ILO số lượng việc làm mới được tạo ra sẽ lớn hơn nhiều, khoảng 14 triệu việc làm.
Những con số trên cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc cần chuẩn bị những kỹ năng, kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu của việc làm mới, đồng thời nhấn mạnh đến việc đào tạo và đào tạo lại kỹ năng để người lao động có thể hoàn hoàn thành tốt công việc cũng như có thể chủ động chuyển đổi công việc trong những lĩnh vực có thể bị mất việc do chuyển đổi xanh.
Theo bà Nguyễn Ngọc Duyên, để nắm bắt những cơ hội việc làm mới do chuyển đổi xanh mang lại, những lao động trẻ hiện nay cần chủ động tích cực trang bị những kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi xanh như kiến thức về môi trường, về giảm thiểu và xử lý rác thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đồng thời tập trung vào những nhóm kỹ năng đặc biệt quan trọng cho việc làm xanh như nhóm kỹ năng liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật, quản lý vận hành và giám sát…
Cùng với các nhóm kỹ năng trên, cần chuẩn bị những kỹ năng mềm (kỹ năng cốt lỗi) như kỹ năng phân tích, sẵn sàng học hỏi, giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng khởi nghiệp, thương lượng, đàm phán, đổi mới sáng tạo. Những kỹ năng này không chỉ cần thiết cho việc làm xanh mà còn phục vụ cho việc làm trong tương lai.
Từ những cơ hội nghề nghiệp lớn từ chuyển đổi xanh, bà Nguyễn Ngọc Duyên cho rằng, lao động trẻ hiện nay cần chủ động xây dựng kế hoạch nghề nghiệp, trong đó xác định mình có thể là thành viên tích cực của nền kinh tế xanh hay tự tạo việc làm cho mình thông qua khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, định hướng xanh.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Hồng Vân – Chuyên gia truyền thông dự án GreenJobs cho rằng, để Việt Nam sẵn sàng thực hiện cam kết Net Zero và chuyển dịch công bằng không chỉ bắt đầu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, ở chính sách mà còn từ con người, từ việc chuẩn bị lực lượng lao động được trang bị kỹ năng xanh. Trong khoảng 5-10 năm tới, công việc xanh sẽ trở nên phổ biến và cơ hội này dành cho tất cả mọi người. Từ quan điểm này, bà Trần Hồng Vân cho rằng, việc làm xanh không phải là một trend mà là một lộ trình, sự chủ động, kế hoạch hiệu quả của bản thân và các bên liên quan.
Để thực hiện được nội dung, bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân người lao động, các chuyên gia cũng đề xuất sự hỗ trợ của các bên liên quan thông qua việc đặt nội dung phát triển kỹ năng xanh cho thanh niên trong chính sách lớn hơn như bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu, chính sách phát triển bền vững, tạo việc làm cho thanh niên.
Hạnh Lê