Sau bước đầu thành công ở Cần Thơ, mô hình thí điểm của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bắt đầu lan rộng ra các địa phương khác. Vào ngày 16/7, mô hình này cũng chính thức khởi động ở tỉnh Kiên Giang.
Mô hình được khởi động ở tỉnh Kiên Giang do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hoà, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp triển khai có quy mô 50 héc ta, với 25 hộ tham gia sản xuất.
“Sau thí điểm, mục tiêu của chúng tôi (tỉnh Kiên Giang) đạt 100.000 héc ta cho giai đoạn đến năm 2025 và đạt 200.000 héc ta diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến năm 2030”, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mô hình thí điểm ở tỉnh Kiên Giang được sản xuất theo quy trình kỹ thuật của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Cụ thể, về phương pháp gieo sạ, mô hình áp dụng ba hình thức, bao gồm phương pháp sạ hàng hiệu ứng hàng biên do Công ty TNHH MTV Tư Sang hỗ trợ; phương pháp sạ cụm do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng hỗ trợ và phương pháp thứ ba là sạ bằng drone do Đại Thành và Agridrone hỗ trợ.
Theo ông Tùng, lượng giống gieo sạ trong mô hình thí điểm ở tỉnh Kiên Giang chỉ khoảng 60-70 kg/héc ta, bằng 1/3 lượng giống đang được nông dân ở địa phương áp dụng theo phương thức canh tác truyền thống.
“Giảm lượng giống sẽ giúp việc sử dụng phân bón hiệu quả hơn, tức giảm được lượng phân bón sử dụng, dịch hại được quản lý tốt, không tốn nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Điều này sẽ góp phần gia tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân…”, ông Tùng nhận định.
Thực tế, mục tiêu chung của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, đó là giảm chi phí sản xuất; nâng cao giá trị hạt lúa; giảm được phát thải khí nhà kính; tham gia vào bảo vệ an toàn môi trường cho chuỗi giá trị lúa gạo.
Tất cả những yếu tố nêu trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu tốt hơn, nâng cao được giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân thông qua việc đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Là đơn vị tham gia hỗ trợ kỹ thuật trong mô hình thí điểm, bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng cho biết, áp dụng kỹ thuật sạ cụm không chỉ tiết kiệm lượng giống cho người nông dân, mà còn giúp lúa cứng cây, gia tăng năng suất nhờ quang hợp tốt. “Hiệu quả của phương pháp này cũng đã được chứng minh trong mô hình canh tác lúa thông mình”, bà Hè nói.
Ngoài các hỗ trợ nêu trên, nông dân tham gia trong mô hình thí điểm còn được hỗ trợ về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bởi lẽ đây là quy trình mới nên hỗ trợ để nông dân tham gia tích cực. Tuy nhiên, khi mô hình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao được nhân rộng, có hiệu quả, mang lại lợi ích tích cực cho người nông dân, thì việc hỗ trợ sẽ tập trung vào yếu tố kỹ thuật.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, mô hình thí điểm của đề án một triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp bước đầu cho kết quả rất tích cực, cả về hiệu quả kinh tế lẫn mức độ giảm phát thải.
Theo đó, đối với mô hình thí điểm ở Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, về năng suất, mô hình thí điểm đạt từ 6,13-6,51 tấn/héc ta (tuỳ áp dụng kỹ thuật sạ hàng không vùi phân, sạ hàng đều có vùi phân hoặc sạ hàng biên có vùi phân), trong khi ruộng đối chứng năng suất 5,89 tấn/héc ta, tức mô hình thí điểm cho năng suất cao hơn từ 0,24-0,62 tấn/héc ta.
Đối với hiệu quả kinh tế, do giảm chi phí đầu tư trong khi năng suất tăng nên nông dân tham gia mô hình tăng lợi nhuận từ 1,3-6,2 triệu đồng/héc ta, tương đương lợi nhuận tăng thêm khoảng 50-280 đô la Mỹ/héc ta (mô hình ở Cần Thơ).
Trong khi đó, về phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình canh tác của đề án 1 triệu héc ta, di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng cho kết quả lượng phát thải là 2 tấn Co2 tương đương (Co2-e)/héc ta. Trong khi đó, đối với nông dân sản xuất theo phương pháp ngập liên tục kết hợp đốt rơm, thì phát thải khoảng 5 tấn Co2-e/héc ta; sản xuất ngập liên tục kết hợp vùi rơm, lượng phát thải là 15 tấn Co2-e/héc ta. Còn áp dụng quy trình canh tác của đề án 1 triệu héc ta, nhưng vùi rơm, thì lượng phát thải khoảng 8 tấn Co2-e/héc ta.
Từ kết quả trên cho thấy, áp dụng quy trình 1 triệu héc ta, chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng giúp giảm được 13 tấn Co2-e/héc ta so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp vùi rơm rạ; giảm 3 tấn Co2-e so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp đốt rơm và giảm 6 tấn Co2-e so với áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ, nhưng vùi rơm.
Ngoài mô hình thí điểm ở tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các đơn vị đã triển khai thí điểm ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp. Các mô hình thí điểm sẽ được triển khai ba vụ liên tiếp để làm cơ sở đánh giá, triển khai đại trà trên toàn vùng ĐBSCL.
Trung Chánh