Trong báo cáo mới nhất, phát hành hôm 24/1, Moody’s dự báo, khối lượng trái phiếu bền vững phát hành trên toàn cầu trong năm 2024 duy trì mức ổn định như năm ngoái. Trong số 950 tỉ đô la trái phiếu phát hành ước tính cho năm 2024, Moody’s dự báo có 580 tỉ đô la trái phiếu xanh, 150 tỉ đô la trái phiếu xã hội, 160 tỉ đô la trái phiếu bền vững và 60 tỉ đô la trái phiếu liên kết bền vững.
Trong năm 2023, khối lượng phát hành trái phiếu bền vững, bao gồm trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững, trên toàn cầu đạt tổng trị giá 946 tỉ đô la, tăng khoảng 2% so với mức 925 tỉ đô la vào năm 2022.
Tổ chức này ghi nhận, động lực tăng trưởng phát hành trái phiếu bền vững liên quan đến rủi ro khí hậu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của công nghệ khí hậu mới đang giúp bù đắp cho tác động của lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi.
Báo cáo của Moody’s nhận định, sự hỗ trợ chính sách ngày càng tăng đối với các giải pháp xanh bao gồm hydro xanh, nhiên liệu sinh học, pin lưu trữ năng lượng và thu giữ carbon đang thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công lẫn tư nhân trong những lĩnh vực này.
Theo Moody’s, sự hỗ trợ chính sách có thể giúp các công nghệ mới nổi ngày càng trở nên cạnh tranh từ góc độ chi phí, làm tăng khả năng các dự án liên quan sẽ trở thành trọng tâm của hoạt động phát hành trái phiếu bền vững.
Moody’s nhấn mạnh, các nỗ lực tăng cường đầu tư vào các công nghệ xanh mới nổi và tài chính chuyển đổi sẽ thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu xanh, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Moody’s đánh giá, hoạt động phát hành trái phiếu bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) ngày càng tăng trưởng ổn định. Cơ quan này cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu bền vững của khu vực này tăng gần gấp ba lần lên 194 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, trước khi đạt mức các mức cao kỷ lục 219 tỉ đô la vào năm 2022 và 234 tỉ đô la vào năm 2023.
“Sự tập trung ngày càng tăng vào tài chính chuyển đổi sẽ là dấu ấn của khu vực APAC vào năm 2024, giúp củng cố hoạt động phát hành trái phiếu bền vững”, Moody’s cho biết, đồng thời lưu ý, một số nền kinh tế ở APAC đã đưa ra hoặc đang phát triển các chính sách tài chính bền vững. Chẳng hạn, Nhật Bản đã đưa ra hướng dẫn cơ bản về tài chính chuyển đổi khí hậu. Trong khi đó, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã giới thiệu hệ thống loại tài chính bền vững Singapore-châu Á, trong đó, đặt ra ra các ngưỡng và tiêu chí chi tiết để xác định các hoạt động xanh và chuyển đổi góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên tám lĩnh vực trọng tâm.
Moody’s dự đoán, nhu cầu đối với trái phiếu liên kết bền vững (SLB) sẽ giảm dần trong bối cảnh thị trường ngày càng giám sát chặt chẽ vì lo ngại “tẩy rửa xanh”, tức các tuyên bố thổi phồng hoặc sai sự thật về lợi ích môi trường của dự án hoặc hoạt động kinh doanh.
SLB là trái phiếu trong đó số tiền thu được từ đợt phát hành không bị giới hạn sử dụng bởi các mục đích xanh hoặc bền vững và có thể được sử dụng cho các mục đích chung của công ty hoặc các mục đích khác.
Moody’s kỳ vọng sẽ diễn ra sự thay đổi dần dần từ các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện sang tiêu chuẩn pháp lý. Điều này sẽ hỗ trợ thị trường trái phiếu bền vững theo thời gian nhưng cũng có thể trì hoãn hoạt động phát hành ở một số thị trường khi các công ty chờ hướng dẫn pháp lý về báo cáo phát triển bền vững.
Thị trường trái phiếu cũng đang đón nhận những đổi mới hứa hẹn mang lại cơ hội tăng trưởng dài hạn. Theo Moody’s, hoạt động phát hành trái phiếu cho các dự án tập trung vào nguồn lực thiên nhiên, bình đẳng giới và chuyển đổi công bằng đang trên đà tăng trưởng, giúp đa dạng hóa thị trường và củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Chánh Tài (Theo Business Times)