Bên tách trà hôm nay, các khó khăn, vướng mắc, giải pháp thực hiện đề án được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo bàn luận.
Khách mời là bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, ông Bùi Văn Kịp – Cố vấn cấp cao Bayer Việt Nam, ông Nguyễn Khoa – Nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Neo-Rice – Lúa hữu cơ phát thải âm, ông Lâm Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), ông Võ Hoàng Tân – SATY Group.
Người mời trà là ông Nguyễn Đức Quang – Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt.
Tài chính – Công nghệ – Hạ tầng – Chính sách – Liên kết: Mở cửa là gặp… núi
Ông Nguyễn Đức Quang: Với đề án này, kinh nghiệm sản xuất truyền thống của nông dân sẽ được thay bằng các phương pháp canh tác bền vững. Thực hiện đúng, sẽ đem lại nguồn lợi lớn từ việc tăng năng suất lẫn chất lượng.
Chúng ta đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án sản xuất lúa gạo bền vững như Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – VnSAT” giai đoạn 2015 – 2022. Tại thời điểm kết thúc dự án, có 180.000ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững 3 giảm, 3 tăng; trong đó, hơn 121.000ha áp dụng kỹ thuật 1 phải, 5 giảm.
Tuy nhiên Net Zero có thể coi là nắm đấm chiến lược cho dự án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL. Nói thì dễ, nhưng làm có dễ không?
Bà Trần Kim Liên: Chuyển đổi xanh, giảm phát thải là chặng đường dài, nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là về nguồn lực: vốn và công nghệ, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng.
Hiện chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư. Chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các mục tiêu, chưa có lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Một nguyên nhân quan trọng nữa làm cho các doanh nghiệp chưa mặn mà, đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh, giảm phát thải trong nước thực sự chưa phát triển.
Ông Bùi Văn Kịp: Đúng vậy, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang lúng túng vì thiếu thông tin, hướng dẫn. Các tiêu chí sản xuất lúa chất lượng cao thì Cục Trồng trọt đã đề xuất. Nhưng với phát thải thấp thì doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin về quy trình công nhận và lợi ích khi được công nhận(!?).
Ngoài ra, việc xây dựng quy trình phải có sự tham gia của các đơn vị trong chuỗi sản xuất lúa gạo từ giống, kỹ thuật canh tác, quản lý sinh vật gây hại, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu… Mà các doanh nghiệp vốn chỉ hoạt động riêng lẻ trong từng lĩnh vực. Tôi nghĩ, cần phải có một nhạc trưởng chỉ huy bản hợp xướng “lúa chất lượng cao phát thải thấp” này.
Ông Lâm Trọng Nghĩa: Đối tượng trực tiếp thực hiện các kỹ thuật canh tác bền vững chính là nông dân và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, không phải doanh nghiệp xuất khẩu. Vậy nên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là yếu tố quyết định. Nếu doanh nghiệp sẵn sàng thu mua lúa tại vùng nguyên liệu đã được ký kết hợp đồng với giá tốt hơn thị trường, nông dân sẵn sàng tuân thủ các giải pháp sản xuất an toàn, và ngược lại. Tuy nhiên, có đến 90% lượng lúa tươi tại ruộng được tiêu thụ thông qua thương lái – những người không quan tâm đến việc nông dân có tuân thủ các kỹ thuật sản xuất an toàn hay không. Điều này có thể cản trở các mục tiêu hướng đến Net Zero.
Bên cạnh đó, tính bền vững của các dự án khó duy trì. Ví dụ, dự án VnSAT đã góp phần thay đổi phương pháp canh tác theo hướng tích cực hơn, nhưng khi Dự án kết thúc, một phần nông dân vẫn tiếp tục quay lại phương pháp sản xuất cũ.
Ông Võ Hoàng Tân: Tuy vậy, ngay cả VnSAT cũng khó góp phần vào thay đổi sâu rộng diện mạo nông nghiệp của ĐBSCL khi nó thiếu hụt nguồn lực tài chính và hạ tầng. Nông dân không có khả năng tự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ bền vững. Thực tế, dù cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL đã thay đổi đáng kể thì vẫn chỉ tập trung vào những vùng lúa lớn như Tân Hưng (Long An), Tam Nông (Đồng Tháp), Giồng Riềng (Kiên Giang)… Vẫn còn rất nhiều nơi hạ tầng chưa đáp ứng để đưa thiết bị công nghệ cao phục vụ canh tác, vẫn gây tốn kém vì sự thiếu đồng bộ.
Ông Huỳnh Văn Thòn: Bộ NN&PTNT dự trù kinh phí thực hiện đề án lên tới 600 triệu USD, đây là nguồn tài chính rất lớn, cần có cơ chế để huy động tổng hợp nguồn lực xã hội.
Cần các chính sách mang tính đột phá về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế và đặc biệt là nguồn vốn khoa học công nghệ và đầu tư hạ tầng để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trên hành trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất bền vững. Nông dân cần vốn để chi trả chi phí vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp; doanh nghiệp cũng cần gói tín dụng hỗ trợ để để mua lúa vào cuối các vụ, mở rộng nhà máy và kho bãi.
Cánh đồng lớn:”Bao giờ cho đến tháng mười”
Ông Nguyễn Đức Quang: Cả nước có khoảng 27,3 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 20 triệu miếng ruộng nhỏ, bình quân mỗi nông hộ sử dụng khoảng 1.800m2. Thực trạng đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Chuyện này đã nói nhiều lần, nhưng lần này xem ra là riết róng…
Ông Huỳnh Văn Thòn: Theo tôi, việc tổ chức sản xuất quy mô lớn khó thành công, nguyên nhân chủ yếu là đất trồng lúa hiện thuộc sở hữu của bà con nông dân, diện tích nhỏ, phân mảnh và khó tập trung. Các doanh nghiệp ngành nông sản thì chủ yếu tham gia phần tiêu thụ sản phẩm hơn là tổ chức sản xuất…
Ông Nguyễn Khoa: Thực tế, đa số các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo không mua lúa mà mua gạo nguyên liệu từ các chuỗi nhỏ hơn. Việc phải quản lý vùng trồng lúa đối với doanh nghiệp gạo là rất khó, trừ một số doanh nghiệp cung cấp từ vật tư đầu vào đến thu mua lại sản phẩm như Lộc Trời, Vinaseed.
Tôi nghĩ rằng việc dồn điền, đổi thửa, phá bờ hiện tại không thể thực hiện được. Tuy nhiên quy mô đại điền, cùng giống, cùng kỹ thuật canh tác vẫn có thể thực hiện tốt ở cấp độ ô bao vài trăm ha, do hợp tác xã đại diện.
Ông Lâm Trọng Nghĩa: Chìa khóa của việc sản xuất quy mô lớn không phải là “dồn điền, đổi thửa” mà là sắp xếp lại tổ chức sản xuất trong phạm vi nhất định. Tài sản giá trị nhất của nông dân là đất canh tác nên yêu cầu họ phá bờ để dồn đất là không khả thi. Nhưng nếu một nhóm nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) có thể điều hành sản xuất theo quy trình đồng nhất thì mục tiêu cánh đồng lớn vẫn đạt được.
Bà Trần Kim Liên: Tôi cho rằng để đề án có thể triển khai thành công, vẫn cần thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng sản xuất lúa, thực hiện hạn điền đất nông nghiệp mới theo quy định của luật đất đai sửa đổi. Đặc biệt HĐND các tỉnh cần sớm ban hành chính sách hạn điền mới với mức không quá 15 lần mức đất cũ. Qua đó thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất chuyên môn hóa lớn, tạo điều kiện cho quá trình chuyển nhượng đất lúa và góp quyền sử dụng đất tham gia vào HTX…
Tín chỉ Carbon là gì: Hãy tự tìm đường mà ra biển lớn
Ông Nguyễn Đức Quang: Đề án 1 triệu ha lúa nói trên được tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản carbon (Transformative Carbon Asset Facility – TCAF) của WB. Nguồn tài chính này nhằm hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV, làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ carbon trong và ngoài nước, để tăng thu nhập cho nông dân và giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. Vậy phía hưởng lợi là doanh nghiệp, nông dân cần phải làm gì để được tiếp cận? Nhà nước cần làm gì để họ tiếp sức cho người sản xuất?
Bà Trần Kim Liên: Hiện nay Bộ NN&PTNT chưa có quy định cụ thể về giám sát xác nhận chứng chỉ carbon trên cây lúa. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa. Trong khi đó, các đối tác nước ngoài đã và đang xúc tiến, ví dụ: Công ty Green Carbon của Nhật hay Kosher của Ấn độ. Họ mang kinh phí vào, hợp tác cùng các đối tác Việt Nam. Đương nhiên mọi quy định về tín chỉ carbon phải báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường để mọi tín chỉ carbon được tính vào hạn ngạch tín chỉ carbon quốc gia.
Để hoàn thiện hơn, nhà nước cần xây dựng lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước, xây dựng hệ thống quy định, chính sách, tổ chức sàn giao dịch tín chỉ carbon, từ đó ban hành cơ chế tài chính cho hoạt động thị trường carbon.
Ông Bùi Văn Kịp: Chúng ta cũng cần thay đổi phương pháp tiếp cận về mặt kỹ thuật. Lâu nay chúng ta tiến hành đo khí nhà kính (KNK) bằng phương pháp thủ công, việc này chỉ giúp nghiên cứu xây dựng quy trình. Hiện nay, nhiều đơn vị có các thiết bị cảm ứng có thể đo trên quy mô vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, vẫn cần phải có một cơ quan chịu trách nghiệm công nhận các công nghệ đo KNK bằng cảm ứng, để tránh việc “canh tác phát thải thấp mà không có định lượng”.
Ông Nguyễn Khoa: Trong cuộc chơi tín chỉ carbon, chúng ta phải tuân thủ luật chơi quốc tế, được quy định bởi các Nhà tiêu chuẩn hoá tín chỉ carbon (Carbon Credit Standard Organization). Mọi dự án giảm phát thải hay cố định carbon trên thị trường đều phải được chuẩn hoá theo các phương pháp luận (Methodologies) được chấp nhận của các tổ chức này. Cho nên, việc tạo ra công thức hay phương pháp là không cần thiết, chỉ cần làm theo phương pháp luận.
Hiện có 2 phương pháp luận đang được sử dụng chính trên lúa nước, một là Gold Standard Adjusted Water Management (GS-AWM) tập trung vào giảm CH4 bằng cách quản lý nước, hai là Verra Improved Agriculture Land Management (VM0042) tập trung vào việc tăng lượng carbon cố định vào đất và giảm các KNK.
Có thể thấy đề án 1 triệu hecta lúa thiên về GS-AWM do đo kiểm đơn giản hơn. Trong khi VM0042 đòi hỏi phải đo kiểm và làm mô hình sinh địa hóa để dự đoán và tính sai số cho sự phát thải và cố định carbon theo các quy trình canh tác, thổ nhưỡng, địa lý khác nhau..
Tuy nhiên, Đề án 1 triệu ha lúa có một quy định rất đáng quan ngại là phải đem rơm rạ ra khỏi ruộng. Hoạt động này rất tốn chi phí nhân công và phân bón bù lại cho 2 – 3 tấn rơm. Tôi đề xuất là bỏ tiêu chí di chuyển rơm ra khỏi ruộng, thay vào đó sử dụng phương pháp luận VM0042 để vẫn đạt được hiệu quả về carbon khi xử lí rơm tại chỗ và vùi vào đất, tiết kiệm chi phí, tăng màu mỡ cho đất vốn đã bạc màu nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đức Quang: Nếu đã được chứng nhận thì phải thực hiện trao đổi tín chỉ carbon từ lúa phát thải thấp. Lộ trình này chưa được đặt ra. Nếu có, thì có cần thiết không? Nếu cần, phải làm gì?
Ông Lâm Trọng Nghĩa: Lộ trình thực hiện là rất cần thiết với bất kỳ chương trình hay dự án nào. Đề án 1 triệu ha lúa có thể xem là bước đầu trong quá trình chuyển đổi mô hình lúa gạo carbon thấp ở Việt Nam. Ở giai đoạn thứ hai, các cơ chế, quy định và phương pháp MRV được hình thành một các rõ ràng và hợp thức, có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước. Giai đoạn này cần có sự tham gia và điều chỉnh từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng nông dân. Lúc này, nhà nước cần tạo cơ chế phù hợp cho các bên mạnh dạn tham gia và tổng kết, đánh giá để ban hành quy định chung. Ở giai đoạn cuối cùng, tín chỉ carbon được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn thị trường quốc tế, nhà nước cần ban hành các chính sách quy định về trách nhiệm và phân chia lợi ích của các bên tham gia.
Hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức chứng nhận việc đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường carbon thế giới. Tuy nhiên, để chủ động từ bây giờ, doanh nghiệp và nông dân có thể áp dụng các phương thức đang phổ biến trên thế giới, như tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS) do công ty Verra đưa ra. Về công nghệ, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đáp ứng, nhưng các dữ liệu trong quá trình đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) cần được mã hóa bằng công nghệ Blockchain để tăng tính minh bạch.
Nông dân không giàu lên, là thất bại
Ông Nguyễn Đức Quang: Muốn ra biển lớn thì phải có thuyền lớn. Doanh nghiệp chính là lực lượng đưa thuyền ra biển lớn. Giảm phát thải là xu thế không thể đảo ngược. Đầu năm mới, liệu đã có tín hiệu mới và phác thảo mới nào để nông dân và doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc?
Bà Trần Kim Liên: Tôi luôn coi nông dân là lực lượng nòng cốt để thực hiện chiến lược sản xuất xanh. Họ là người thực hiện, triển khai chiến lược của doanh nghiệp. Nếu nông dân không đồng hành thì chương trình 1 triệu ha lúa không thể thành công được.
Mục tiêu của đề án cũng sẽ không thành công nếu người nông dân không giàu lên, nếu chất lượng sống, môi trường sống, điều kiện làm việc của nông dân không được cải thiện. Nhân dịp đầu năm mới, tôi khát khao Vinaseed sẽ luôn đồng hành thành công cùng bà con nông dân 12 tỉnh ĐBSCL trong đề án 1 triệu ha lúa, cùng xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng, ứng dụng các tiến bộ KHCN về giống, phân và các giải pháp bền vững. Hy vọng nông dân luôn bội thu.
Ông Bùi Văn Kịp: Để xây dựng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Công ty Bayer đã hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập mô hình Bayer Forward Farming (Nông nghiệp Bền vững hướng tới tương lai) tại xã Đông Thạnh, Thới Lai, Cần Thơ trên diện tích 1,5ha. Mô hình có sự tham gia của Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Vinaseed. Sau giai đoạn thử nghiệm, mô hình sẽ được nhân rộng với hy vọng mang đến giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững hơn cho bà con nông dân.
Ông Võ Hoàng Tân: Chúng tôi đang triển khai mô hình hệ sinh thái SATY Rice Farms – cánh đồng bền vững theo mô hình carbon thấp với các HTX trồng lúa ở Sóc Trăng, Đồng Tháp… theo hướng canh tác giảm giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý nước theo quy trình ngập khô xen kẽ AWD; sử dụng thiết bị IoT đo mực nước và khí thải theo thời gian thực, theo dõi, báo cáo và đánh giá carbon MRV thường xuyên. Để người dân vượt trở ngại về vốn, chúng tôi cung cấp tài chính ban đầu thông qua các công ty tài chính ngân hàng, thu mua lúa với giá cao để bù đắp chi phí đầu tư cho nông dân.
Qua quá trình triển khai thực tế trên đồng ruộng ở ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy thách thức đến từ biến đổi khí hậu: mưa lớn và nhiệt độ cao, ngập mặn, gây mất ổn định trong sản xuất lúa. Sự biến đổi về môi trường đòi hỏi ta phải thích nghi với các kỹ thuật canh tác mới, tạo ra nhiều biến số cho quy trình canh tác kỹ thuật cao để giám sát và kiểm soát hiệu quả. Mong muốn của chúng tôi là kết nối được các nguồn lực để giúp người dân tiếp cận nhiều giải pháp hiệu quả để chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Khoa: Khả năng giảm phát thải vào khoảng 1 – 3 tCO2e/vụ, giá bán 5 – 10$, giá trị mang lại chỉ từ 5 – 30$/ha/vụ chưa kể chi phí phát triển dự án. Vậy chúng ta đừng kỳ vọng là thu nhập sẽ tăng cao nhờ tín chỉ carbon.
Điều chúng ta có thể hi vọng là từ dự án này sẽ có rất nhiều giải pháp đi kèm giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường sống của người dân lên gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Đức Quang: Khoa học chính là “nhiếp chính” của bức tranh lớn về Net Zero trên ruộng đồng, khoa học cũng trực tiếp tham gia thực hiện xu hướng sản xuất bền vững. Vẫn là câu hỏi không mới nhưng chắc là không bao giờ cũ: bà con nông dân, doanh nghiệp cần gì ở nhà khoa học và nhà khoa học cần gì ở họ lẫn nhà nước?
Ông Lâm Trọng Nghĩa: Điều mà nông dân và doanh nghiệp kỳ vọng nhất ở các nghiên cứu khoa học là tính ứng dụng. Chúng ta không thiếu những nhà khoa học giỏi hay các công trình nghiên cứu về nông nghiệp. Nhưng kết quả có tính ứng dụng cao và phổ biến được thì không nhiều, điều này làm phai nhạt niềm tin của nông dân đối với vai trò của cơ quan nghiên cứu khoa học.
Về phía nhà nước, Đề án 1 triệu ha lúa cho thấy nhà nước đã vào cuộc cùng doanh nghiệp và nông dân. Cam kết của Thủ tướng về việc đưa Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050, đã minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề giảm phát thải, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Khoa: Không thể mong muốn kết quả mới nếu làm theo cách cũ. Làm như cũ thì ô nhiễm, phát thải, bạc màu, túng thiếu. Mọi sự thay đổi đều có rủi ro, nhưng rủi ro nhất là không thay đổi. Điều này hoàn toàn đúng cho tình hình nông dân trồng lúa hiện nay. Hãy chấp nhận rủi ro và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới!
Đặng Tuấn Anh (thực hiện /Tạp chí Nông thôn Việt)