Trong cuộc họp ngân hàng trung ương khối G20 cùng nhiều nước khác tháng 11/2023, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) đã nói rằng sẽ sớm thông qua những đề xuất về báo cáo rủi ro biến đổi khí hậu của hệ thống ngân hàng, trong nửa cuối năm 2024.
BCBS nói việc minh bạch hóa thông tin về rủi ro khí hậu của ngân hàng sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng so sánh mức độ “phơi nhiễm” hay tiếp xúc với rủi ro khí hậu của mạng lưới ngân hàng và bảo đảm ngân hàng luôn duy trì đủ vốn để hoạt động.
Chuẩn Basel mới ra đời khi rủi ro khí hậu ngày một lớn
Năm 1974, ngân hàng trung ương của 10 nước phát triển (lúc đó là G10), trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản đã thành lập Tố chức Basel hay Hiệp ước Basel tại Thụy Sĩ. Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) thành lập ngay sau đó, tiến hành chuẩn hóa các quy định về vốn, đo lường vốn trong hệ thống ngân hàng. Năm 1988, BCBS ban hành hệ thống đo lường vốn và rủi ro tín dụng. Lần lượt các phiên bản Basel I ra đời năm 1992, Basel II năm 2004 và Basel III năm 2010 đế ứng phó với các thách thức, rủi ro mới của quá trình phát triển và toàn cầu hóa của mạng lưới ngân hàng.
Các quy định mới của BCBS dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2026 được xem là phiên bản Basel mới, gây áp lực với mạng lưới ngân hàng. BCBS đề xuất phân loại những rủi ro khí hậu thành hai nhóm chính ảnh hưởng đến sức khỏe hệ thống ngân hàng.
Nhóm 1 là các rủi ro vật lý hay rủi ro vật chất với hai cấp bậc là cấp tính và mãn tính.
Cấp tính là những rủi ro nghiêm trọng, có thể thấy được hiện tượng và hệ lụy rõ ràng trong phần lớn các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, như cháy rừng, lũ lụt, bão lũ, thời tiết cực đoan với những đợt nóng lạnh khốc liệt…
Mãn tính là các hiện tượng thiên nhiên bị thay đổi một cách từ từ, tích lũy theo thời gian. Hậu quả không thể thấy liền, nhưng mức độ nghiêm trọng lớn hơn vì thường bao phủ trên diện rộng. Các hiện tượng này có thể đề cập đến như hạn hán, sạt lở đất, nước biển dâng, lượng mưa hay độ ẩm có biên độ dao động ngày càng lớn dần.
Nhóm 2 là rủi ro trong quá trình chuyển đổi xanh. Chẳng hạn, trong quá trình chuyển đổi chính sách của các chính phủ đã tác động rất lớn tới nền kinh tế khiến doanh nghiệp phá sản, người lao động mất sinh kế. Bên cạnh đó, chi phí chuyển đổi cũng là nguyên nhân gây ra những rủi ro tài chính.
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động của ngân hàng gồm các rủi ro tín dụng, thị trường, vận hành và danh tiếng. Ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp nếu giá trị bất động sản được dùng làm thế chấp tại các vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt, ngập úng, cháy rừng…
Quá trình giảm phát thải trên toàn cầu có thể khiến một số cơ sở hạ tầng có nguy cơ biến thành tài sản bị mắc kẹt với giá trị giảm dần, nhất là các dự án điện than. Theo Ngân hàng Thanh tán quốc tế (BIS) quy mô của khối tài sản bị mắc kẹt này có thể lên đến 18.000 tỉ đô la. BIS lo ngại rằng nếu khối tài sản bị mắc kẹt này chuyển thành nợ xấu, thế giới phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
BIS nói biến đổi khí hậu có thể gây rủi ro khoảng 2% giá trị tài sản tài chính toàn cầu năm 2100, trong trường hợp xấu nhất có thể lên đến 10%.
Trong khi đó, theo khảo sát của hãng kế toán EY, 91% giám đốc kiểm soát rủi ro tài chính (CRO) của các ngân hàng trên thế giới cho rằng biến đổi khí hậu là rủi ro mới nổi hàng đầu. Các CRO ngân hàng nói họ phải đương đầu với ba thách thức lớn gồm: đánh giá rủi ro, thiếu các chuẩn mực ngành và thiếu kỹ năng.
Basel mới triển khai ra sao?
Hiện phần lớn các ngân hàng chỉ đạt tiêu chuẩn Basel I và Basel II và số đạt chuẩn Basel III ít hơn nhiều. Các nhà phân tích cho rằng quy định báo cáo rủi ro khí hậu sẽ là rào cản mới trong quản trị rủi ro tài chính của mạng lưới ngân hàng toàn cầu.
Các yêu cầu minh bạch hóa thông tin mới từ BCBS dự kiến sẽ định ra khung chuẩn cho ngân hàng. Quy định cũng sẽ thúc đẩy người đi vay (con nợ) tìm cách giảm lượng phát thải. Việc công bố thông tin sẽ giúp đạt được sự cân bằng giữa các nỗ lực giảm phát thải và duy trì sự ổn định của mạng lưới tài chính quốc tế.
Những thay đổi dự kiến sẽ yêu cầu ngân hàng tiết lộ các khoản cho vay và lượng khí nhà kính mà khách vay tạo ra trong mỗi lĩnh vực trong số 18 lĩnh vực được nêu tên. Tức là các ngân hàng phải rà soát kỹ hơn hồ sơ vay từ những doanh nghiêp trong 18 lĩnh vực.
Các ngân hàng cũng sẽ tiết lộ số tiền cho vay đối với khách ở những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, cùng với các khoản trợ cấp hay bảo hiểm dành cho những tổn thất gắn liền với người đi vay.
Sau khi lấy ý kiến công chúng, BCBS sẽ công bố bản dự thảo cuối cùng ngay trong nửa cuối năm nay. Các ngân hàng toàn cầu sẽ triển khai các quy định công bố thông tin theo từng giai đoạn từ tháng 1/2026.
Quá trình chuyển đổi sang một xã hội giảm phát thải và xã hội net zero trong tương lai buộc các doanh nghiệp phải giảm khối lượng khí phát thải hoặc trầm trọng hơn là đóng cửa. Nếu người vay mất đi các hoạt động kinh doanh quan trọng, ngân hàng có thể phải đối mặt với các khoản nợ xấu lớn.
18 lĩnh vực bao gồm các ngành công nghiệp dầu khí, xe hơi và hóa chất… Các chi tiết cụ thể được tiết lộ sẽ bao gồm quy mô của các khoản vay, số lượng các khoản nợ xấu và các khoản trợ cấp dành cho các khoản vay không thể thu hồi được.
Ngân hàng sẽ công bố lượng phát thải khí nhà kính hiện tại và dự kiến của người đi vay. Các chuyên gia cho rằng việc chỉ công bố mức phát thải hiện tại của bên vay cũng sẽ khiến bất kỳ ngân hàng nào kiêng dè, không dám cho vay với những doanh nghiệp có mức phát thải cao. Để thúc đẩy các ngân hàng tiến xa hơn, BCBS cũng mong muốn ngân hàng công bố lượng khí thải sẽ giảm bao nhiêu với chi tiêu vốn được phân bổ cho quá trình khử cacbon.
Basel dự định yêu cầu ngân hàng giải trình các biện pháp họ sẽ thực hiện để giảm thiểu rủi ro do các khoản vay tập trung gây ra cũng như tiết lộ dữ liệu định lượng. Các yêu cầu về công bố thông tin sẽ tùy vào yêu cầu của cơ quan quản lý ngành ngân hàng ở từng quốc gia.
Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia, Reuters, BIS, EY)