“Chuyển mình” theo xu hướng xanh
Xanh hóa sản phẩm, xanh hóa quy trình sản xuất để tạo lợi thế cạnh tranh đang là xu hướng mới của nhiều doanh nghiệp nhằm nâng giá trị thương hiệu trên thị trường.
Đơn cử như với ngành thép, các doanh nghiệp ngành thép buộc phải sớm thay đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, kỹ thuật… để từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng phát thải carbon thấp, đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững.
Đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, ngành thép với đặc thù có mức phát thải rất cao, mỗi năm vẫn thải ra tương đương 3,5 tỷ tấn khí thải carbon, chiếm khoảng 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đã chính được thực hiện thí điểm từ ngày 1/10/2023. Giai đoạn chính thức vận hành là từ năm 2026 – 2033, yêu cầu các nhà nhập khẩu phải trả chi phí mua chứng chỉ CBAM tương ứng với phát thải carbon theo từng sản phẩm, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh theo tỷ lệ phân bổ hạn ngạch miễn phí trong hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải châu Âu. Bởi, nếu không hiểu rõ nội dung của EU CBAM có thể dẫn tới việc vượt quá lượng phát thải carbon cho phép dẫn đến bị trả phí cao hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường EU rõ ràng là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, cùng với quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, phát triển năng lượng xanh, sản xuất xanh thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, trước áp lực “xanh hóa” của nền công nghiệp toàn cầu thì đây lại là cơ hội để ngành thép Việt Nam “lột xác” để hiện đại hóa, trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại, tiên tiến và phát triển bền vững. Bởi theo ông Đa, tuy có mức phát thải cao, nhưng xét về lý thuyết, ngành thép còn nhiều tiềm năng để giảm phát thải thông qua áp dụng công nghệ mới khi sử dụng năng lượng hydro, lò nung điện tái tạo, công nghệ thu giữ carbon…
Hay như sản xuất xi măng là một trong những ngành công nghiệp phát thải lượng lớn carbon ra môi trường, theo PGS.TS Lương Đức Long- Phó Giám đốc Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng hiện nay đang gặp phải những khó khăn trong việc sử dụng năng lượng sạch. Lượng năng lượng sạch ở Việt Nam còn ít, chưa đủ đáp ứng, giá cao hơn năng lượng truyền thống. Do đó, việc sử dụng các công nghệ thân thiện môi trường thường không mang lại hiệu quả kinh tế cao như công nghệ truyền thống khiến cho các doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn về nguồn tài chính đầu tư cho sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, sử dụng năng lượng sạch.
“Để thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon trong ngành sản xuất xi măng cần tiếp tục xây dựng cơ chế tính bù trừ mức phát thải carbon khi sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, đặc biệt là khi sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế nung clinker xi măng. Đây là giải pháp tốt, nhưng hiện nay việc tập hợp, xử lý sơ bộ rác thải thành nhiên liệu thay thế cho ngành xi măng ở Việt Nam còn rất khó khăn về nguồn và cách tổ chức sơ chế, cung cấp”- PGS.TS Lương Đức Long thông nói.
Đối với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, “xanh hóa” và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.
Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Nói một cách tổng quát, các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.
Hướng đến phát triển bền vững
Sản xuất xanh không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí điện năng, hạ giá thành sản phẩm mà còn mở ra cho doanh nghiệp những cơ hội bước chân vào các thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới tăng trưởng xanh bền vững.
Theo VSA, hàng loạt doanh nghiệp ngành thép cũng đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí, nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trên thương trường.
Hầu hết doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và hiệu quả hơn để đáp ứng xu thế thế giới và nhà nhập khẩu, người tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn đầu tư công nghệ để sản xuất xanh hay tiết kiệm điện năng thì phải đầu tư thêm thiết bị, công nghệ mới… Điều này phải có nguồn lực tài chính nên họ mong muốn Nhà nước, tổ chức tín dụng tạo điều kiện, hỗ trợ ưu đãi thuế so với đầu tư thông thường để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất xanh.
Chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bằng cách sử dụng năng lượng xanh, các doanh nghiệp không chỉ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu mà còn nâng cao hiệu suất, khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của chính mình. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng là một nỗ lực tập thể đòi hỏi sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Lợi thế cạnh tranh vẫn thuộc về các doanh nghiệp và sản phẩm có nguồn gốc xanh.
Duy Anh