Theo thống kê, ngành giao thông vận tải đã thải ra hơn 44,2 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2014-2021. Dự kiến, lượng phát thải khí nhà kính của ngành sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trung bình 6-7% mỗi năm và đạt gần 90 triệu tấn CO2tđ (tương đương với CO2) vào năm 2030, TTXVN đưa tin.
Để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ GTVT đã lên kế hoạch cho các đơn vị trực thuộc với mục tiêu chung là giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính, tương đương 45,62 triệu tấn CO2tđ. Cụ thể, năm 2025 sẽ giảm 3,4 triệu tấn và năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn.
Với mục tiêu xây dựng ngành giao thông xanh, bộ đã đề ra nhiều giải pháp như giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe máy, yêu cầu tất cả xe máy mới phải đạt tiêu chuẩn 2,3 lít/100km đến năm 2030.
Bên cạnh đó, ngành cũng đặt mục tiêu 100% ô tô con mới tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn, cụ thể là dưới 4,7 lít/100km đối với xe dưới 1.400cc, dưới 5,3 lít/100km đối với xe từ 1.400-2.000cc và dưới 6,4 lít/100km đối với xe trên 2.000cc.
Cùng với đó, Bộ GTVT đang tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới vận tải công cộng tại các thành phố lớn.
Trong đó, tỷ lệ sử dụng vận tải công cộng tại Hà Nội từ 45-50%, TPHCM là 25%, Đà Nẵng từ 25-35% và Cần Thơ là 20%. Đến năm 2030, ngành giao thông sẽ bổ sung thêm nhiều tuyến xe buýt nhanh (BRT) và đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và các tuyến kết nối khác để tạo ra một mạng lưới đường sắt hiện đại và hiệu quả. Bộ đặt mục tiêu tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt lên 0,27% vào năm 2030 đồng thời tăng khối lượng luân chuyển hàng hóa lên 7,35 tỉ tấn.
Để giảm tải cho đường bộ và bảo vệ môi trường, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung phát triển vận tải đường thủy, tăng hệ số tải của ô tô tải, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc sử dụng xe điện.
Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, bao gồm cả việc tìm kiếm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác, để trình lên Bộ phê duyệt trong giai đoạn 2024-2030.
Bình Dương