Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), 25% dân số thế giới sống ở các nước đang đối mặt với tình trạng căng thẳng nghiêm trọng về nguồn nước, nghĩa là họ sử dụng đến 80% nguồn cung nước có sẵn hàng năm. Và ít nhất 50% dân số thế giới, khoảng 4 tỉ người, sống trong điều kiện căng thẳng về nước trong ít nhất một tháng trong năm. Biến đổi khí hậu sẽ khiến nguồn cung nước càng căng thẳng hơn trong những năm tới.
Thiếu đầu tư trầm trọng
Các chính phủ đang nỗ lực cung cấp “nước sạch và vệ sinh”, hạng mục thứ sáu trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nhưng họ lại thiếu nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện mục tiêu này. Theo ước tính, các khoản đầu tư cần thiết trên toàn cầu cho cơ sở hạ tầng liên quan đến nước dao động từ 6,7 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 lên 22,6 nghìn tỉ đô la vào năm 2050.
Theo suy luận thông thường, điều đó sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp đổi mới cho hoạt động xử lý nước và những người hậu thuẫn tài chính cho họ. Nhưng trên thực tế, việc thu hút tài chính cho một lĩnh vực phát triển chậm, được quản lý chặt chẽ là rất khó khăn. Nhà đầu tư cũng không mặn mà với lĩnh vực này vì họ cho rằng, các công ty lớn và doanh nghiệp nông nghiệp đang trả giá quá thấp cho tài nguyên nước.
“Thật không may, các khoản đầu tư vào lĩnh vực nước chỉ là một phần nhỏ của tài chính khí hậu và thường không phải là mục tiêu ưu tiên của các quỹ công nghệ sạch”, Ari Raivetz, CEO của Organica Water, nhà cung cấp các giải pháp xử lý nước thải sinh học tiên tiến, nói.
Có một số rào cản ngăn dòng vốn tư nhân đổ vào công nghệ nước. Ngoài việc định giá nước ở mức thấp phi thực tế, có rất ít cơ hội đầu tư quy mô lớn. Lĩnh vực công nghệ nước chỉ có một kỳ lân, tức startup có mức định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên. Trong khi đó, trong lĩnh vực công nghệ khí hậu rộng lớn hơn, chỉ riêng 20 kỳ lân hàng đầu thế giới được định giá tổng cộng hơn 140 tỉ đô la vào đầu năm 2024, theo Statista.
“Vấn đề này giống như câu chuyện con gà và quả trứng. Các nhà đầu tư cần thấy nhiều startup có thể phát triển và mở rộng quy mô trong lĩnh vực công nghệ nước. Nhưng tất nhiên, nếu không có nguồn tài trợ, điều này không thể xảy ra”, Namratha Kothapalli, nhà đầu tư khí hậu của quỹ mạo hiểm Speedinvest, bình luận.
Trong khi đó, Raivetz chỉ ra những trở ngại khác: thời gian từ thiết kế đến mua sắm và xây dựng ở các dự án nước là quá dài. Hơn nữa, các chính quyền thường có cách tiếp cận “chữa cháy” tạm thời bằng cách sửa chữa và bảo trì các hệ thống hạ tầng nước bị xuống cấp và hư hỏng.
“Chúng tôi liên tục đuổi theo cái đuôi của mình”, Raivetz, người thành lập Transcend, công ty tạo ra phần mềm giúp lập kế hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng cho nguồn nước và các lĩnh vực khác, ví von về cách tiếp cận không tạo ra hiệu quả nói trên.
Biến đổi khí hậu thúc đẩy mối quan tâm giữ gìn nước
Tuy nhiên, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ngày càng tăng cũng như nhận thức cải thiện về mối liên hệ giữa nước và biến đổi khí hậu đang đưa lĩnh vực nước vào tầm ngắm của các doanh nhân và nhà đầu tư.
Chính vì lý do này mà FoodShot Global, một mạng lưới các ngân hàng, công ty và nhà đầu tư hỗ trợ các startup phát triển công nghệ cho hệ thống thực phẩm bền vững, có trụ sở tại New York, đã xem việc giữ gìn nước là mục tiêu đầu tư trọng tâm hàng năm vào năm ngoái.
Những diễn biến khác cũng cho thấy hoạt động đầu tư vào nước trở nên nổi bật hơn trong năm 2023. Hồi tháng 5 năm ngoái, Xylem, nhà cung cấp công nghệ nước và xử lý nước của Mỹ, hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty xử lý nước Evoqua, có trụ sở ở bang New Jersey, với giá 7,5 tỉ đô la. Cùng tháng đó, Gradiant (Mỹ), startup phát triển các phương pháp xử lý nước thải công nghiệp mới, đạt được mức định giá 1 tỉ đô la.
“Nhiều startup về công nghệ nước đang tiến vào giai đoạn trưởng thành, có khả năng giúp nhà đầu tư thoái vốn thành công. Và nhiều quỹ mạo hiểm mới, tập trung vào các giải pháp về nước, đang xuất hiện”, Danya Hakeem, Phó chủ tịch danh mục đầu tư của Elemental Excelerator, một nhà đầu tư phi lợi nhuận về công nghệ khí hậu ở Hawaii, nói.
Mối liên quan giữa tình trạng thiếu nước và biến đổi khí hậu cũng đang thu hút nguồn tài trợ của các chính phủ. Ví dụ, ở Mỹ, một phần trong Quỹ giảm thiểu khí nhà kính trị giá 27 tỉ đô la của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) được phân bổ cho các dự án và công nghệ cơ sở hạ tầng nước sạch.
“Một trong những điều kiện để nhận được khoản tiền hỗ trợ từ quỹ này là các dự án liên quan phải huy động thêm vốn tư nhân”, Hakeem cho biết.
Áp dụng cách tiếp cận tuần hoàn
Nhiều startup đã huy động vốn thành công để giải quyết tác động của tình trạng ô nhiễm trong hoạt động nông nghiệp và công nghiệp đối với nguồn nước. “Rất nhiều công ty đang sử dụng phần mềm của chúng tôi để thiết kế các cơ sở tái chế nước”, Raivetz tiết lộ. Và các startup này cũng thường áp dụng cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn bằng cách biến các chất gây ô nhiễm mà họ loại bỏ khỏi nước thành nguyên liệu thô mới.
Gross-Wen Technologies, startup do hai giáo sư ở Đại học bang Iowa (Mỹ) sáng lập, nằm trong số đó. Raivetz cho biết, công nghệ dựa trên màng tảo của Gross-Wen Technologies có thể loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi nước thải và thu hồi chất dinh dưỡng để sử dụng làm phân bón.
Danh mục đầu tư của Elemental Excelerator bao gồm các công ty áp dụng cách tiếp cận tương tự. Ví dụ, Cambrian Innovation, có trụ sở ở bang Massachusetts, đã phát triển “lò phản ứng EcoVolt”, sử dụng vi khuẩn để sản xuất nước sạch và khí sinh học từ nước thải. Matter, một startup ở Anh, sở hữu công nghệ lọc hạt vi nhựa từ nước thải để tái chế.
Theo GWI WaterData, đầu tư vào các startup về nước vẫn còn ít ỏi, ước tính khoảng 470 triệu đô la Mỹ vào năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so với gần 27 tỉ đô la rót vào các startup công nghệ khí hậu trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, Danya Hakeem tin rằng bức tranh đầu tư sẽ sớm thay đổi. Bà so sánh tình hình đầu tư hiện nay trong lĩnh vực nước với sự chuyển đổi sang sử dụng năng lượng mặt trời trong thời kỳ ban đầu.
“Thời đó, rất khó để quyết định đầu tư vào năng lượng mặt trời. Nhà đầu tư cần phải tìm ra công ty tốt nhất trên thị trường và cách phù hợp để hỗ trợ công nghệ năng lượng sạch này. Nhưng cuối cùng, họ đã đầu tư rất nhiều, và tôi nghĩ họ cũng sẽ làm vậy với lĩnh vực nước”, Hakeem nói.
Lê Linh (Theo Financial Times)