Anh Nguyễn Văn Tình – doanh nghiệp tư nhân H.K ở huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư năng lượng mặt trời phải gồng gánh nợ nần vì lãi suất vay vốn cao, số giờ cắt giảm để điều tiết nguồn điện nhiều do dịch bệnh COVID-19, buộc nhiều doanh nghiệp phải bán luôn cả dự án điện.
Với dự thảo Nghị định mới phục vụ cho Quy hoạch Điện VIII tới đây, nhà đầu tư mong các điều khoản thi hành rõ ràng, cụ thể, từ đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch đất đai, môi trường… Nếu không rõ ràng thì sẽ dẫn tới tranh chấp kéo dài giữa doanh nghiệp với bên mua điện là ngành điện lực hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương”.
Tại Gia Lai, đến nay ngành chức năng vẫn còn đang xử lý các hệ lụy từ các dự án điện mặt trời, điện gió khi có biểu hiện quy hoạch chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư, chưa công khai, hoạch định rõ ràng về quỹ đất năng lượng tái tạo. Dẫn đến chồng lấn, trái quy hoạch đất đai, dự án trên đất lâm nghiệp, đất rừng…
Chị Trần Thị Thảo – Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khánh Trang, huyện Chư Păh cho biết: “Trong đầu tư, doanh nghiệp lo ngại nhất là rủi ro về cơ chế, chính sách thay đổi, sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn. Do đó, quy định về điện mặt trời mái nhà tự tiêu tự sản cần phải thực hiện được ngay, tránh một sự việc có nhiều quan điểm hay có nhiều cách hiểu khác nhau của cơ quan quản lý”.
Hiện nay, các nhà máy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Gia Lai đang hoạt động sản xuất cần nguồn điện năng tự tiêu dùng, tự sản xuất để hạn chế kinh phí mua từ lưới điện quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp sẽ bỏ tiền để mua hệ thống pin, lắp đặt tạo nguồn điện năng an toàn, giá rẻ.
Theo Sở Công Thương tỉnh, Gia Lai là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Hiện tỉnh đã có 88 dự án năng lượng tái tạo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.347,89MW (trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 3.005MW).
Gia Lai có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480MW. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.
Với Quy hoạch điện VIII, phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Sở Công Thương Gia Lai sẽ bố trí công khai quỹ đất sử dụng cho việc phát triển năng lượng tái tạo vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Phối hợp với EVN tăng khả năng giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục về xây dựng, đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, đất đai, môi trường theo đúng quy định.
Thanh Tuấn