Quyết định cho phép khai thác dữ liệu sử dụng điện sẽ tạo ra nhiều giải pháp cho chuyện giảm phát thải (Net Zero) và tình trạng dân số già đi ở Nhật Bản. Dữ liệu sử dụng điện được thu thập từ đồng hồ thông minh đo mức tiêu thụ điện năng của các hộ dân.
Nhật Bản có 80 triệu đồng hồ thông minh đang hoạt động trên toàn quốc, nhiều hơn Mỹ hoặc các nước châu Âu. Cho đến nay, chỉ có các công ty điện lực mới có quyền truy cập vào dữ liệu này, nhưng thay đổi pháp lý mới nhất cho phép các doanh nghiệp khác khai thác nguồn dữ liệu này, dĩ nhiên, họ phải trả phí.
Một số công ty đang xem xét các dịch vụ hỗ trợ quá trình giảm khí phát thải. Cụ thể, Daiwa House Asset Management có kế hoạch tính toán lượng khí thải CO2 dựa trên việc sử dụng điện của cư dân tại khoảng 240 tòa nhà của tập đoàn. Daiwa hy vọng rằng các dịch vụ thân thiện với môi trường như giúp cư dân tiết kiệm năng lượng dựa trên dữ liệu này, sẽ tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh và vận hành các tòa nhà của Daiwa.
Toshiba Energy Systems & Solutions mong muốn giúp các công ty điều chỉnh việc sử dụng năng lượng của họ. Vì năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên các tiện ích sẽ giảm giá nếu doanh nghiệp giảm mức sử dụng điện khi được yêu cầu. Hãng con của Toshiba có kế hoạch phân tích việc sử dụng điện tại các nhà máy của khách hàng, tìm cách tiết kiệm điện hoặc xác định xem liệu có thể chuyển hoạt động sản xuất sang thời điểm tốt hơn hay không.
Công ty khởi nghiệp Girasol Energy có trụ sở tại Tokyo sẽ giám sát từ xa các tấm pin mặt trời bị hỏng bằng cách so sánh sản lượng thực tế với sản lượng dự đoán dựa trên ánh sáng mặt trời và các dữ liệu khác. Đây là dịch vụ được coi là đặc biệt hữu ích tại các trang trại năng lượng mặt trời lớn trong bối cảnh thiếu nhân sự hiện nay tại Nhật Bản.
Đất nước hoa anh đào đặt mục tiêu giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính trong năm tài chính 2030 so với năm tài chính 2013, với lượng phát thải về cơ bản sẽ giảm xuống zero vào năm 2050. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đáp ứng mục tiêu này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu điện.
Hỗ trợ tốt hơn cho người cao tuổi
Theo đó, việc minh bạch hóa dữ liệu ở một khía cạnh nào đó giúp cho chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản cũng sẽ được cải thiện. Tập đoàn thương mại Mitsubishi Corp. và công ty điện lực Chubu Electric Power đang hợp tác phát triển một dịch vụ phát hiện những bất thường trong thói quen của người cao tuổi theo thời gian thực, có thể tạo ra doanh thu hàng năm 1 tỉ yen (6,7 triệu đô la Mỹ) trong ba năm tới.
Chính phủ Nhật Bản ước tính có 6,71 triệu người cao tuổi sống một mình vào năm 2020. Với con số dự kiến sẽ đạt 8 triệu vào năm 2030, dữ liệu sử dụng điện dự kiến sẽ tạo ra những cách thức mới để chăm sóc và bảo vệ người cao tuổi.
Ngoài ra, các dịch vụ khác như người đưa thư và giao hàng có thể kiểm tra xem người nhận có ở nhà hay không hay các đội cứu hộ tình trạng khẩn cấp có thể phát hiện các hộ gia đình chưa sơ tán khi gặp một sự cố nào đó để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời…
Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia)